Đổi mới ở Nuông Dăm

03:01 11/03/2013 Lượt xem: 587 In bài viết

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bùi Hồng Ly phấn khởi cho biết: 50% số xóm đã được làm đường cấp phối liên thôn, bản; 100% số dân được sử dụng điện; trường học tại trung tâm xã đủ đáp ứng nhu cầu học chữ của con em các dân tộc thiểu số nơi đây… Đặc biệt, tuyến đường từ thị trấn Bo về Nuông Dăm đã được “nhựa hoá” phẳng lỳ nên chỉ mất khoảng 30 phút là vào đến trung tâm xã. Hai bên đường, những đồi keo 2-3 tuổi xanh bạt ngàn mà chỉ ít năm nữa sẽ mang lại nguồn thu hàng tỷ đồng cho người dân nơi đây. Đồng chí Nguyễn Văn Thiểm-Bí thư Đảng uỷ xã nhận định trong niềm vui: Từ ngày có đường, tình hình sản xuất và giao thương của bà con thuận lợi hơn. Nông sản làm ra không còn cảnh ế thừa, bị tư thương ép giá nữa mà đã theo chân bà con ra tới trung tâm thị trấn huyện lỵ, từ đó toả đi các vùng, miền khác. Giờ đây, ở Nuông Dăm, nhà nhà, người người thi đua làm kinh tế, với những hạt nhân tiêu biểu như: nhà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bùi Hồng Ly nuôi 10 con nhím, 20 con trâu, trồng 25ha rừng, 2 ha mía, thu nhập mỗi năm trên 70 triệu đồng; hộ ông Bùi Hồng Dung, thôn Nuông Thượng trồng 60 ha rừng keo, nuôi 20 con bò, dự kiến đến năm 2017, sẽ cho thu nhập 3-4 tỷ đồng; hộ anh Bùi Văn Dống trồng 35ha rừng, nuôi trên chục con bò… Đồng chí Bùi Mạnh Hùng-Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã cung cấp thêm cho chúng tôi thông tin rất đáng mừng là 115 hộ (100%) ở thôn Dăm Hạ đã có nhà xây kiên cố bằng thu nhập từ trồng rừng, trồng mía, chăn nuôi; 5 hộ trong thôn sở hữu 6 chiếc ô tô chuyên chở vật liệu, hàng nông sản cho bà con… Thôn Dăm Hạ đã trở thành lá cờ đầu trong phong trào làm kinh tế của xã.

Cần cù, chăm chỉ trồng keo, mía, nuôi bò, lợn, đồng bào các dân tộc ở Nuông Dăm đã gây dựng được cơ ngơi 1.600 ha keo, bình quân mỗi hộ sở hữu 2ha; 50 ha mía; 1.600 con gia súc, bình quân mỗi hộ có 1 con trở lên; các loại gia cầm được đồng bào nuôi rộng rãi vừa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, vừa có đem bán, cải thiện thu nhập. Kinh tế cải thiện, nhiều hộ đã có điều kiện để sửa sang mái ấm đón xuân Nhâm Thìn 2012. Bên căn nhà xây rộng 80m2 đang được đẩy nhanh tiến độ, ông Quách Công Siền-thôn Mý Tây, xã Nuông Dăm cho biết: Tiền làm nhà là do được Nhà nước đền bù 23 triệu đồng khi lấy đất mở đường, cộng với gia đình bán thêm 2 con trâu được 27 triệu đồng. Nhờ Nhà nước, nhờ chăn nuôi, gia đình đã làm được ngôi nhà hằng mong ước bấy lâu…

Nuông Dăm có tới 10% diện tích đất tự nhiên (tương đương 350ha) là núi đá, quỹ đất sản xuất không thể mở rộng được nữa nên cấp uỷ, chính quyền xã đã tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thâm canh tăng vụ để nâng hệ số sử dụng đất và hiệu quả trên một đơn vị diện tích canh tác. Hiện nay, bình quân mỗi khẩu ở Nuông Dăm có 1 sào đất sản xuất nông nghiệp. Đồng bào đã biết sản xuất 2 vụ lúa, một vụ màu. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa bình quân của xã đạt 55-60 tạ/ha lúc vụ xuân và 52 tạ/ha khi vụ mùa; một số gia đình đạt tới 90 tạ/ha/vụ.

Một vài dẫn chứng cho thấy những đổi thay to lớn đang diễn ra ở xã đặc biệt khó khăn Nuông Dăm. Đồng chí Nguyễn Văn Thiềm-Bí thư Đảng uỷ xã khẳng định: Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của tỉnh Hoà Bình thông qua nhiều chương trình, dự án đầu tư như 134, 135, 167… cùng với sự nỗ lực vươn lên của bà con nên bộ mặt nông thôn nơi đây đã có những chuyển biến; tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Nếu như cuối năm 2010, xã còn 68% là hộ nghèo, thì đến hết năm 2011, chỉ còn 35%; 561 hộ được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; hiện xã chỉ còn 43 hộ nhà tạm.

Thành tựu đạt được được nhiều hộ nghèo ở Nuông Dăm ví như “cuộc đổi đời”. Song để ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn thì vẫn còn đó rất nhiều thách thức, đặc biệt là nhu cầu đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng xóm bản…Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bùi Hồng Ly trăn trở: Hiện nay, Nuông Dăm còn hai thôn khó khăn nhất là Vẹt Vòi và Suối Lội. Cách trung tâm xã chỉ khoảng 8km nhưng muốn vào Suối Lội phải lội qua 12 con suối. Cứ vào mùa mưa, nước sông Bôi, nước trên các dòng suối dâng lên là gần 2 chục hộ người Mường trong thôn lại bị cô lập với bên ngoài. Khổ hơn nữa là ở 2 thôn này, bà con chỉ trồng được màu, không trồng được lúa nên đời sống bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 50%. Ở các thôn Nuông Hạ, Nuông Trung, Nuông Thượng, Suối Lội, đường liên thôn, xóm chưa có cầu cống nên cứ mưa xuống là học sinh phải nghỉ học; 12/12 thôn chưa có khu học tập hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng nên không có chỗ để hội họp; 100% các xóm chưa có nhà lớp học mầm non; 11/12 xóm chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung… Những khó khăn, thiếu thốn đó vừa là thiệt thòi của bà con các dân tộc nơi đây trong thụ hưởng thành quả công cuộc đổi mới của đất nước, vừa là rào cản tiến trình phát triển của địa phương.

Cũng mừng là trong quá trình vượt khó, cấp uỷ, chính quyền và bà con các dân tộc nơi đây không có tư tưởng cam chịu đói nghèo. Bí thư Đảng uỷ xã đã chia sẻ cùng chúng tôi những định hướng phát triển kinh tế-xã hội của cấp uỷ, chính quyền địa phương, trọng tâm là lãnh đạo các phương án sản xuất theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó chú trọng trồng rừng kinh tế, trồng mía, chăn nuôi lợn, trâu, bò để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo đà cho Nuông Dăm bứt phá. Đi đôi với đó là tận dụng thời cơ bằng cách thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án đầu tư của Đảng và Nhà nước vào địa bàn để đưa địa phương sớm ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn.

Phương Liên