Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 chổ dựa tin cậy của đồng bào dân tộc thiể số
03:00 11/03/2013 Lượt xem: 589 In bài viếtMen theo tả ngạn sông Hồng, từ thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, ngược lên thượng nguồn khoảng 60 km là tới nơi đóng chân của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, được thành lập và đi vào hoạt động từ 3/2005.
Địa bàn Đoàn hoạt động thuộc 6 xã biên giới: Trịnh
Tường, Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Ngải Thầu, Y Tý; diện tích tự nhiên là 33,258
ha; với 3075 hộ, 16.567 nhân khẩu, 71 bản, 28 thôn biên giới, gồm 6 dân tộc anh
em cùng chung sống, trong đó có đồng bào dân tộc Mông (30,4%), Dao (32,39%), Hà
Nhì (18,67%), Dáy (9,9%), Kinh (2,5%), Phù Lá (0,1%). Những khó khăn, vất vả mà
cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải đối diện là thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nắng
lắm, mưa nhiều, rét đậm kéo dài, cơ sở hạ tầng thiếu thốn (4/6 xã chưa được phủ
sóng truyền hình), giao thông khó khăn; dân cư thưa thớt, trình độ dân trí còn
thấp kém, nhiều hủ tục lạc hậu vẫn còn duy trì, tỉ lệ hộ đói nghèo cao (78% theo
tiêu chí mới), hệ thống chính trị còn có những mặt hạn chế, các thế lực thù địch
thường xuyên lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, tâm lí, phong tục tập quán lạc
hậu nhằm phá hoại và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xúi giục đồng bào di cư
tự do; an ninh trật tự diễn biến phức tạp, nạn buôn bán ma túy, tranh chấp đất
đai, trộm cắp trâu, ngựa, buôn bán phụ nữ qua biên giới vẫn xảy ra ở một số nơi…
Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 đã sát cánh cùng
đồng bào các dân tộc 6 xã biên giới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; củng cố,
tăng cường hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng.
Đoàn đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã kiện toàn bộ máy, đào
tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, giúp cán bộ cơ sở đổi
mới phong cách, lề lối làm việc, đảm bảo hoạt động của hệ thống chính trị vận
hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan, ban ngành
tham mưu, phối hợp. Đoàn đã cử trên 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống các xã,
thôn, bản phối hợp cùng cơ quan, đơn vị của huyện giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở
về công tác xây dựng đảng,. Trong năm 2010, các chi bộ ở các xã nơi Đoàn đứng
chân đã kết nạp được 8 đảng viên, trong đó 3 đảng viên là nữ người dân tộc Hà
Nhì; đã xóa được “bản trắng đảng viên”; nâng cấp 2 chi bộ thành đảng bộ, 6/6
đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh. Đoàn đã phối hợp với chính quyền
địa phương tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng,
Nhà nước tại 45 thôn, bản cho hàng nghìn lượt người; tuyên truyền phòng chống
rét, phòng ngừa cúm A H1N1 tại 65 thôn, bản; tuyên truyền, vận động và tham gia
khắc phục hậu quả thiên tai, đã huy động 370 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia chữa
cháy rừng, 450 lượt cán bộ, chiến sĩ sửa đường, giúp dân di dời khỏi nơi sạt lở.
Nhằm giúp đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, Đoàn đã
chỉ đạo các Đội sản xuất tăng cường bám cơ sở, cử 200 lượt cán bộ tham mưu cùng
địa phương vận động đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi
cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đoàn đã
phối hợp với huyện Bát Xát tổ chức 8 lớp khuyến nông, khuyến lâm cho 385 lượt
người dân các kĩ thuật chăm sóc cây cao su, dứa, chuối; hướng dẫn và giúp đỡ
đồng bào trồng 80,3 ha rừng phòng hộ; tuyên truyền vận động đồng bào trồng, chăm
sóc, bảo vệ 279 ha rừng kinh tế, rừng biên giới, 70 ha chè, 130 ha cây cao su,
100 ha dứa, chuối phát triển tốt. Đoàn đã thực hiện tốt việc hướng dẫn kiến thức
trồng trọt cho đồng bào làm theo thông qua các mô hình trình diễn: Vườn chuối
400 cây; 0,5 ha dứa, 0,5 ha chè và một vườm ươm các cây giống thông, sa mộc, mỡ.
Hàng năm, Đoàn xuất 10 vạn cây thông, 10 vạn cây sa mộc, 5 vạn cây mỡ cung cấp
cho nhân dân trồng rừng, đồng thời ươm và chăm sóc 32 vạn cây các loại phát
triển tốt. Nhờ sự phối hợp, giúp đỡ của Đoàn theo phương thức “cầm tay chỉ việc”
nên trong những năm qua, sản xuất ở 6 xã nơi đoàn đóng chân phát triển đạt kết
quả thiết thực, một số hộ dân có thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/năm
nhờ trồng trọt, chăn nuôi; đời sống đồng bào không ngừng được nâng lên, tỉ lệ hộ
nghèo giảm bình quân 8,2%/năm.
Bên cạnh đó, Đoàn đã thực hiện tốt chương trình quân dân y kết hợp, khám chữa
bệnh, cấp thuốc tại đoàn cho 870 lượt đồng bào và 650 lượt đồng bào tại các bản;
tiêm chủng mở rộng cho 341 cháu; đã kết hợp với trạm y tế các xã dập dịch tiêu
chảy tại thôn A Mú Sung, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò, dịch lợn tai xanh
tại xã Trịnh Tường; phối hợp phun thuốc diệt muỗi cho 35 thôn, bản, trường học;
cử cán bộ, chiến sĩ kiên trì vận động, thuyết phục đồng bào đưa người chết vào
quan tài chôn trong vòng 48h sau khi qua đời; vận động, ngăn chặn 25 trường hợp
tảo hôn; tổ chức 70 buổi tuyên truyền tại 70 thôn, bản cho 6.450 lượt đồng bào
ăn, ở hợp vệ sinh, không thả rông gia súc, di chuyển 84 chuồng trâu ra xa nhà,
làm mới 30 nền xi măng, 135 nhà vệ sinh, giúp đỡ 500 ngày công giúp đồng bào tu
sửa, xây dựng 8 thôn, làng văn hóa và hàng trăm gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình
văn hóa. Đoàn cũng đã phối hợp với các ngành chức năng của địa phương thực hiện
phong trào xã hội hóa giáo dục, vận động 250 học sinh trong độ tuổi đến lớp, góp
phần đưa tỉ lệ chuyển lớp ở cả 3 cấp học (Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở)
đạt từ 95% đến 97%. Trong năm 2010, Đoàn đã giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt
khó mỗi tháng 15kg gạo/em; giúp các em học sinh bán trú 500kg gạo, gần 300 bộ
quần áo.
Với những thành tích đã đạt được, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 liên tục được công
nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao: Quân khu II
kiểm tra toàn diện 5 năm (2006-2010) đơn vị đạt loại giỏi. Từ năm 2008-2011, 25
tập thể và 150 cá nhân được khen thưởng các danh hiệu: Cờ thi đua; Đơn vị quyết
thắng; Bằng khen, Giấy khen. Năm 2008, được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen; năm
2009-2010, Quân khu II tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”; Ủy ban nhân dân tỉnh
Lào Cai tặng Cờ thi đua xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh... Song với
cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345, phần thưởng có ý nghĩa chính là
được cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc 6 xã biên giới nơi Đoàn đóng
chân quý mến, tin tưởng, xác định là chỗ dựa tin cậy trong phát triển kinh tế-xã
hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Vũ Ngọc Lân