Trồng rừng hướng thoát nghèo ở Lộc Bắc

02:55 11/03/2013 Lượt xem: 449 In bài viết

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Nghị quyết 30a thực hiện tại xã Lộc Bắc tập trung vào các hạng mục: Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng năm 2, chuyển đổi cây trồng (mua cây trồng, phân bón). Trong năm 2011 theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho xã là 2.467,7 triệu đồng, trong đó xã làm chủ đầu tư các hạng mục chuyển đổi cây trồng và mua phân bón: 447,92 triệu đồng; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc làm chủ đầu tư các hạng mục trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, chăm sóc rừng năm 2 là 1.906,36 triệu đồng.

Công ty Lâm Nghiệp Lộc Bắc đã chủ động lập hồ sơ thiết kế giao đất cho nhân dân trong xã và cùng phối hợp với Ủy ban nhân dân xã đã tổ chức họp dân, vận động nhân dân đăng ký và phát dọn thực bì, cải tạo đất trồng rừng tại tiểu khu 418 với diện tích là 110,9ha/99 hộ, do ảnh hưởng của thời tiết nên việc trồng rừng không đạt kết quả như dự kiến vì thế cho đến thời điểm này với diện tích trồng rừng là 20ha, với phần giống còn lại chủ đầu tư đã cấp cho nhân dân trồng phân tán trên diện tích đất của hộ gia đình. Hạng mục chăm sóc trồng rừng năm 2, xã Lộc Bắc đã tiến hành rà soát, vận động nhân dân tiếp tục chăm sóc, trồng dặm và theo dõi sinh trưởng của cây trồng xong đợt 1 với khối lượng chăm sóc 89,68ha/82 hộ… Số tiền phân bổ là 500 triệu đồng, vốn đã giải ngân là 75 triệu đồng.

Hỗ trợ thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng do Ủy ban nhân dân xã làm chủ đầu tư, được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã đến nay bà con trong xã đã hoàn thành đúng thời vụ trồng hoa màu cho năng suất cao. Với tổng kinh phí 447.920 triệu đồng, bà con được hỗ trợ trồng giống cà phê cao sản kèm theo phân bón lót hữu cơ là 91.530 đồng/9,2 ha/57 hộ; Giống bơ ghép kèm theo phân bón lót hữu cơ là 69.740 đồng/10,2ha/48 hộ; Hỗ trợ giống măng cụt kèm theo phân bón lót hữu cơ là 46.000 đồng/7,4ha/45 hộ. Kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn để sản xuất phát triển kinh tế gia đình là 316.000 đồng/25 hộ; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn là 120.000 đồng/24 hộ.

Hỗ trợ thực hiện mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản giống lai sind thuộc chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn xã nghèo huyện Bảo Lâm năm 2011 đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt, Ủy ban nhân dân xã Lộc Bắc đã triển khai thực hiện xuống các thôn tổ chức bình xét chọn hộ tham gia đăng ký mô hình gồm có 03 hộ/03 con. Hiện thủ tục đã hoàn tất đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với việc hỗ trợ sản xuất, chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động được chú trọng, mặc dù là xã vùng cao, nhưng Lộc Bắc đã tuyên truyền thu hút nhiều lao động làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh, tổ chức mở lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, tập trung một số nghề truyền thống và có lợi thế, như: lớp nông lâm tổng hợp, nghề nề - mộc, dệt thổ cẩm...

Giải pháp triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững ở xã Lộc Bắc trong thời gian tới cần tiếp tục được tuyên truyền, phổ biến tới người dân theo hướng dân chủ, công khai, tạo sự đồng thuận trong thực hiện; tổ chức rà soát các bản đặc biệt khó khăm, các hộ nghèo, các công trình đã và đang chuẩn bị đầu tư để điều chỉnh phù hợp, tránh đầu tư dàn trải. Ưu tiên hoàn thành việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tiến hành đánh giá hiệu quả các mô hình nông lâm nghiệp để nhân rộng; xây dựng cơ chế quản lý, điều hành thống nhất, đảm bảo tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình…

Các chương trình dự án được hỗ trợ từ nhiều nguồn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại Lộc Bắc đã góp phần tạo chuyển biến tích cực để Lộc Bắc sớm thoát nghèo và phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đã bộc lộ nhiều vấn đề tồn đọng mà chính quyền địa phương không thể giải quyết được, cần có sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Ông K’Tư - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lộc Bắc cho biết: “Lộc Bắc là một xã nghèo của huyện Bảo Lâm, từ khi được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ đời sống của đồng bào nơi đây dần thay da đổi thịt, đây là một tác động lớn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đào tạo nghề, việc làm, di dân… góp phần ổn định an sinh xã hội, đảm bảo trật tự, trị an ở Lộc Bắc. Nhưng vẫn còn những tồn tại vướng mắc như cần ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương để dễ dàng triển khai ở cơ sở, trong đó chú ý phân cấp, phân quyền nhiều hơn; hệ thống này nhằm giúp cho các địa phương có thể lồng ghép các chương trình dự án mà địa bàn được thụ hưởng.

Những vấn đề mà Lộc Bắc còn vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết 30a của Chính phủ cũng là khó khăn chung của các huyện miền núi vùng cao Lâm Đồng đang được thụ hưởng dự án 30a. Phát huy nội lực, không trông chờ ỷ lại, sử dụng có hiệu quả từng nguồn vốn được hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống người dân sẽ giúp Lộc Bắc cũng như các xã vùng cao của huyện Bảo Lâm sớm thoát nghèo nhanh và bền vững.

Nghiêm Huệ