Kinh nghiệm phát triển Đảng ở một bản người Mông tại Tuyên Quang
02:49 11/03/2013 Lượt xem: 292 In bài viếtPhải thường xuyên sâu sát, tiếp xúc với quần chúng, thông qua đó để phát hiện, lựa chọn và bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tạo nguồn phát triển đảng viên, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên” - là một trong những kinh nghiệm được đồng chí Giàng Văn Lai, Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Khít, xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang rút ra trong công tác xây dựng đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thôn Khuổi Khít là một trong hai thôn đặc thù của xã
vùng cao đặc biệt khó khăn Kiến Thiết, huyện Yên Sơn. Thôn có 100% đồng bào dân
tộc Mông. Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đồng bào Mông huyện Xín Mần,
tỉnh Hà Giang đã sơ tán về đây lập bản, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó
khăn do trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu, dễ bị kẻ xấu lôi kéo,
lợi dụng.
Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005-2010, do số lượng đảng viên quá ít nên Chi bộ
phải sinh hoạt ghép 2 thôn. Dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng chất lượng lãnh đạo và
công tác vận động quần chúng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, Bí thư
chi bộ Giàng Văn Lai đề xuất với Đảng uỷ xã điều động các đảng viên có năng lực,
có uy tín tham gia sinh hoạt đảng tại thôn để thành lập chi bộ độc lập. Đề xuất
này được Đảng uỷ xã nhất trí. Tháng 12/2007, Chi bộ thôn Khuổi Khít được thành
lập với 4 đảng viên chính thức, trong đó có một đảng viên nguyên là Bí thư Đảng
uỷ xã (người của thôn khác) nghỉ hưu chuyển tới sinh hoạt cùng. Chi bộ đã xây
dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động để tổ chức thực hiện những
công việc trọng tâm đã được thống nhất. Tinh thần chỉ đạo của chi bộ là tăng
cường công tác tuyên truyền, vận động phát triển đảng viên; củng cố hoạt động
của các đoàn thể trong thôn để đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã
hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của thôn.
Sau gần 1 năm tuyên truyền, vận động, gặp gỡ, tiếp xúc với từng quần chúng có
năng lực, tháng 9/2008, chi bộ thôn đã lựa chọn và giới thiệu được 5 quần chúng
ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng. Đến nay, thôn đã có 6 đảng viên chính thức và
chuẩn bị kết nạp thêm 2 người nữa. Qua công tác bồi dưỡng, thử thách, các đảng
viên trẻ đều có lập trường tư tưởng vững vàng và trở thành những hạt nhân gương
mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình để đồng bào trong thôn học tập làm
theo. Tiêu biểu trong số các đảng viên trẻ có đồng chí Giàng Minh Phong vừa là
Trưởng thôn vừa kiêm cán bộ khuyến nông, y tá thôn. Giàng Minh Phong đã trúng cử
là Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ xã Kiến Thiết, nhiệm kỳ 2010-2015.
Theo đánh giá của Đảng uỷ xã Kiến Thiết thì các đảng viên trong thôn đều có tinh
thần trách nhiệm cao, nhiệt tình công tác gây dựng phong trào phát triển kinh
tế-xã hội của thôn. Các chủ trương của Đảng uỷ cấp trên đều được đội ngũ đảng
viên tuyên truyền tới bà con. Do vậy, 100% đồng bào Mông thôn Khuổi Khít chấp
hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kinh tế hộ gia
đình có chiều hướng ổn định và phát triển. Bà con đã biết canh tác hai vụ, tích
cực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ gần 60% năm 2005 xuống
còn 30% năm 2010. An ninh trật tự trong thôn luôn được giữ vững, không có hộ gia
đình di cư tự do. Thôn được xếp loại thôn, bản văn hoá. Chi bộ thôn vì thế ngày
càng được nhân dân tin tưởng, ủng hộ.
Việc phát triển đảng ở thôn Khuổi Khít đã xóa đi cái tiếng nhiều năm không kết
nạp được đảng viên người Mông ở xã Kiến Thiết. Để phát triển đảng viên mới, kinh
nghiệm ở thôn Khuổi Khít những năm qua là tập trung vào nhóm đối tượng thanh
thiếu niên. Theo lập luận của Bí thư chi bộ Giàng Văn Lai thì nhóm thanh thiếu
niên có trình độ cao hơn những người lớn tuổi nhưng lại rất dễ bị lôi kéo, kích
động, lợi dụng nếu không được tuyên truyền, giác ngộ sớm. Điều này cũng lý giải
vì sao đa số đảng viên mới được kết nạp của thôn đều nằm trong nhóm tuổi thanh
niên. Cùng với sự xông xáo, năng động của tuổi trẻ, lớp đảng viên trẻ trong thôn
không chỉ là hạt nhân đi đầu trong các phong trào mà còn đủ sức hoàn thành nhiệm
vụ và đảm bảo tính kế thừa cao. Một vấn đề khác là phải mạnh dạn xoá chi bộ ghép
bằng cách tăng cường một số đảng viên từ nơi khác đến. Rõ ràng nếu mỗi một thôn,
bản thành lập được chi bộ độc lập sẽ nắm rõ hơn đặc thù, những điểm yếu, thế
mạnh của địa bàn, do đó công tác lãnh, chỉ đạo mang lại hiệu quả cao hơn. Bên
cạnh đó, chi bộ thôn phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn thể tích cực vận
động hội viên, đoàn viên tham gia các phong trào của thôn, bản. Thông qua đó kịp
thời phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú cho đảng. Trong đó chú trọng tạo
nguồn trong thanh thiếu niên, dân quân, tự vệ, giáo viên theo tinh thần Nghị
quyết số 56 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về đẩy mạnh phát triển
đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàng Thư