Kết quả cùng những vấn đề đặt ra trong thực hiện công tác dân tộc ở tỉnh Thừa Thiên - Huế
10:47 25/03/2013 Lượt xem: 383 In bài viếtKhái quát về tình hình vùng miền núi, dân tộc của tỉnh, Phó Trưởng ban Dân tộc Trần Đình Vũ cho biết: Tỉnh Thừa Thiên-Huế có hai huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới; 4 huyện có xã miền núi là Hương Trà, Phú Lộc, Phong Điền, Hương Thủy, với 46 xã miền núi, 34 xã có dân tộc thiểu số, 12 xã biên giới, 39 xã thuộc vùng khó khăn, 16 xã đặc biệt khó khăn và 26 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II được đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II. Dân số toàn vùng dân tộc, miền núi có 29.114 hộ/105.577 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 11.827 hộ/57.438 khẩu, gồm các dân tộc Tà Ôi, Pa kô, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa hy; ngoài ra còn một bộ phận nhỏ các dân tộc thiểu số khác. Tổng số hộ nghèo vùng miền núi, dân tộc năm 2011 là 4.447 hộ, chiếm 14,68%; số hộ cận nghèo là 3.084 hộ, chiếm 10,18%.
Nhờ được đầu tư từ các chính sách, chương trình, dự
án của Trung ương và của tỉnh, vùng miền núi, dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có
nhiều khởi sắc; đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên; năm 2011, tỷ
lệ hộ nghèo giảm 4,2% so với năm 2010; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh
hoạt, các công trình phúc lợi được hoàn thiện và phát triển mạnh.
Một số chính sách, chương trình, dự án tiêu biểu thực hiện những năm qua trên
địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả cao như: Chương trình 135 giai đoạn II, trong 6
năm (2006-2011), Thừa Thiên-Huế được đầu tư gần 145 tỷ đồng để xây dựng 144 công
trình giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa
cộng đồng, công trình cấp nước sinh hoạt; mở 53 lớp chuyển giao kỹ thuật và tập
huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ cây, con giống, vật tư phân bón,
công cụ sản xuất như máy cày, xe rùa, xe cải tiến, máy cắt cỏ, tuốt lúa, bình
bơm…; xây dựng các mô hình vườn nhà, vườn đồi và trồng cỏ nuôi bò tại các huyện
Nam Đông, A Lưới; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ xã, thôn, bản và người
dân được 3.824 lượt người; hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống,
trợ giúp pháp lý cho hàng ngàn hộ nghèo đặc biệt khó khăn; hỗ trợ học phí cho
con em hộ nghèo…
Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II đã tạo ra những thay đổi rõ nét
trong sản xuất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn. Đồng bào các dân tộc
thiểu số đã bước đầu tiếp cận với thị trường, chú trọng tạo đất sản xuất, lập
vườn, trồng rừng kinh tế, từ bỏ phương thức canh tác du canh, du cư, đốt rừng
làm nương rẫy; ngành chăn nuôi đã chuyển từ chăn thả sang chăn nuôi chuồng trại
mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đến nay, 100% số xã có trường học kiên cố và
bán kiên cố, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% số xã có điện lưới
quốc gia, trên 87% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, gần 50% số hộ có công trình vệ
sinh gia đình, 98% số xã có trạm y tế đạt chuẩn… Kết thúc Chương trình 135 giai
đoạn II, tỉnh Thừa Thiên-Huế được Chính phủ phê duyệt 3 xã gồm: Dương Hòa-Thị xã
Hương Thủy, Hương Hữu-huyện Nam Đông, Hương Lâm-huyện A Lưới hoàn thành mục tiêu
Chương trình.
Thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở,
đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó
khăn, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các tổ
chức, các nhà hảo tâm để nâng mức hỗ trợ xóa nhà tạm lên 15 triệu đồng/nhà, cao
gấp 3 lần so với định mức quy định trong Quyết định 134. Đến nay, chương trình
xóa nhà tạm của tỉnh đã cơ bản hoàn thành, với khoảng 5.200 ngôi nhà tạm được
xóa, là điều kiện để các hộ nghèo dân tộc thiểu số an cư lạc nghiệp, tạo diện
mạo nông thôn mới khang trang. Các chính sách như: Định canh định cư theo Quyết
định 33/2007/QĐ-TTg đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các khu tái định cư
phục vụ chủ trương sắp xếp lại dân cư, di, giãn dân tại 2 huyện A Lưới, Nam Đông;
hàng ngàn hộ được vay vốn không lãi theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg với tổng kinh
phí trên 8 tỷ đồng; trợ cước, trợ giá hỗ trợ sản xuất gần 14 tỷ đồng…
Bên cạnh những chính sách do Chính phủ ban hành, với vùng miền núi, dân tộc,
tỉnh Thừa Thiên-Huế còn quan tâm ban hành những chính sách riêng. Ví dụ như quy
định chế độ trợ cấp cho sinh viên người dân tộc thiểu số của tỉnh được hưởng trợ
cấp bằng 80% mức lương tối thiểu chung trong 10 tháng học tại các trường đại học,
cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo diện dự thi và trúng tuyển; chính
sách hỗ trợ học phí cho sinh viên con hộ nghèo dân tộc thiểu số học hệ đào tạo
Bác sĩ theo địa chỉ…
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thị Sửu: Những chính sách,
chương trình, dự án đó là cú hích tạo nên diện mạo mới cho vùng dân tộc, miền
núi, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa vùng miền núi, dân tộc với
các vùng khác trong tỉnh, góp phần cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng là
các dân tộc “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển”.
Trưởng ban Dân tộc Nguyễn Thị Sửu cho biết với vùng dân tộc, miền núi của Thừa
Thiên-Huế hiện còn 3 vấn đề thách thức:
Một là, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như tỷ
lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh chỉ có 11,16% thì tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong
đồng bào dân tộc thiểu số là 24,86% (tính đến cuối năm 2011). Tỉnh Thừa
Thiên-Huế có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số thấp trong toàn quốc, không được
hưởng chính sách đặc thù (như Nghị quyết 30a) nên nguồn lực đầu tư cho vùng miền
núi, dân tộc rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30 tỷ đồng/năm đã ảnh hưởng đến tốc độ
xóa đói, giảm nghèo của vùng. Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, nếu
một xã có 50% hộ nghèo và 50% người dân trong xã lại là đồng bào dân tộc thiểu
số thì có nghĩa là 100% hộ nghèo của xã đó là người dân tộc thiểu số. Bởi vậy,
dù có ít đồng bào dân tộc thiểu số thì cũng cần phải được quan tâm đầu tư thỏa
đáng, nếu không đời sống của bà con khó mà nhanh được cải thiện.
Hai là, lõi nghèo của Thừa Thiên-Huế tập trung chủ yếu ở huyện A Lưới, mặc dù
đây là vùng có tiềm năng về thủy điện, trong đó thủy điện A Lưới có công suất
lớn nhất miền Trung. Đi liền với khai thác tiềm năng thủy điện là những bài toán
khó đặt ra trong công tác định canh, định cư đối với các hộ dân tộc thiểu số
thuộc diện phải di dời, nhường đất cho công trình. Kết quả điều tra của Ban Dân
tộc tỉnh cho thấy, đất sản xuất là vấn đề bức xúc nhất. Đại bộ phận các hộ dân
bị mất đất hoặc còn rất ít đất sản xuất hàng năm đang phải đối diện với nguy cơ
mất an toàn về lương thực. Gần 70% hộ dân mất đất trồng cây lâu năm dẫn đến
không còn hoặc hạn chế thu nhập tiềm năng, ảnh hưởng đến mục tiêu thoát nghèo
bền vững. Thiếu đất sản xuất, nhiều hộ đã du canh, du cư vào rừng phòng hộ, gần
biên giới Việt-Lào hoặc rừng tự nhiên để phá rừng làm nương rẫy. Xu thế này đang
ngày càng gia tăng và cơ quan chức năng rất khó ngăn chặn. Việc giải quyết đền
bù thiệt hại về đất sản xuất bằng tiền thay vì đất đổi đất đã dẫn đến hệ quả tất
yếu trên. Phần đông các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bị mất đất được đền bù bằng
tiền chưa bao giờ nhận được một lúc số tiền lớn như thế nên không biết cách sử
dụng hiệu quả. Chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn số tiền nhận được đã được
chi tiêu cho các hoạt động phi sản xuất, dẫn tới họ lại trở thành người thiếu
vốn làm ăn. Tâm trạng chung của hầu hết các hộ bị mất đất là lo lắng về sinh kế
trong tương lai nhưng lúng túng về cách giải quyết. Phần lớn đồng bào khoanh tay
chờ Nhà nước giúp đỡ; một bộ phận tự tìm cách giải quyết bằng con đường phá rừng
trái phép, vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Ba là, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn lười lao động do tập tục canh
tác chi phối. Trong tri thức bản địa của một số dân tộc thiểu số, bà con chỉ sản
xuất 3 năm lại chuyển đi nơi khác canh tác. Nếu như ở huyện Nam Đông, người Kinh
và người dân tộc thiểu số sống hài hòa, chăm chỉ, bảo nhau cách làm ăn nên đời
sống được cải thiện thì ở A Lưới, đa số đồng bào dân tộc thiểu số thiếu giao
lưu, cập nhật kiến thức phát triển sản xuất với người Kinh nên đói nghèo vẫn còn
đất để tồn tại.
Chỉ ra được những thách thức đối với vùng miền núi, dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh
Thừa Thiên-Huế xác định muốn giải quyết, phải vừa tổ chức thực hiện tốt các
chính sách, chương trình, dự án do Chính phủ ban hành, vừa tăng cường công tác
tham mưu cho tỉnh ban hành những chính sách riêng áp dụng tại địa bàn đặc thù.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ban hành Kế hoạch giảm nghèo bền
vững tại 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% thuộc 2 huyện A Lưới và Nam Đông
(trong đó huyện Nam Đông có 1 xã, huyện A Lưới có 12 xã). Theo đó, các xã này
được ưu tiên nguồn lực để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%/năm; hỗ trợ 100% hộ
nghèo có nhu cầu vay vốn tín dụng để thực hiện các mô hình sinh kế, nâng cao thu
nhập, cải thiện cuộc sống; 100% người nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ
bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên hộ nghèo được miễn giảm học phí và chi phí
học tập theo quy định hiện hành; hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông
thôn thuộc hộ nghèo và cận nghèo… Đích hướng đến của Kế hoạch là cải thiện và
nâng cao điều kiện sống của người nghèo tại khu vực miền núi, dân tộc; từng bước
thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc và nhóm dân
cư trên địa bàn, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa
Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2015 theo Nghị quyết
của Bộ Chính trị.
Trong các giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc,
Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên-Huế xây dựng 5 chương trình trọng điểm gồm: Đầu tư
xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực
quản lý, điều hành cho cán bộ xã, thôn, kiến thức kinh tế-xã hội cho cộng đồng;
ổn định định canh, định cư; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
thiểu số. Trong đó tập trung giải quyết cơ bản kết cấu hạ tầng, nâng cao năng
lực sản xuất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng
xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy nhanh việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất thông qua đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; đồng thời quan tâm
xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số là những giải
pháp quan trọng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức
gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo mọi người dân đều hiểu,
nắm được chính sách dân tộc, từ đó tự giác tham gia vào quá trình quản lý xã hội
ở địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đó sẽ góp phần thúc đẩy phát triển
nhanh kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hoàng Phương Liên