Ở xã vùng sâu Đạ Rasl

09:02 11/04/2013 Lượt xem: 336 In bài viết

Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng bộ xã xác định giáo dục là nhiệm vụ phát triển lâu dài và bền vững, là nền tảng phát triển xã hội trong tương lai nên luôn được chú trọng. Hoạt động giáo dục trở thành phong trào thi đua trong trường học, gia đình. Chất lượng giáo viên ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao đã tác động tích cực đến chất lượng giảng dạy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Về quy mô phát triển giáo dục, mạng lưới trường lớp được duy trì, củng cố từ xã đến thôn, buôn tạo điều kiện cho học sinh trong độ tuổi đến trường đầy đủ.

Cùng trưởng thôn Đắc Măng Nguyễn Văn Xuân đi thăm vườn cà phê, cao su xanh tốt, ông cho biết: Thôn Đắc Măng, xã Đạ Rsal được tách ra từ thôn Liên Hương vào năm 2007, với 200 hộ dân và hơn 800 nhân khẩu. Ngày mới tách thôn, người dân thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, nên chuyện đứt bữa xảy ra thường xuyên. Từ khi được Nhà nước đầu tư làm đường liên thôn; hỗ trợ xây dựng nhà ở; giống cây trồng, vật nuôi và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mở rộng phát triển kinh tế, khai hoang phục hóa mở rộng diện tích cây trồng, đưa lại nguồn thu nhập cao. Hiện toàn thôn đã trồng được hơn 200ha cây cà phê, 10ha cây ăn trái, 10ha lúa nước; 30ha cây mỳ và trồng 10ha cây rau màu các loại. Bên cạnh đó, triển khai Đề án 30a của Chính phủ, người dân trong thôn được hỗ trợ 22 căn nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, 100 hộ được nhận đất trồng rừng, 22 hộ nghèo được nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng; 10 hộ được hỗ trợ các mô hình cây trồng, vật nuôi. Đến nay toàn thôn có 85% nhà ở xây dựng kiên cố.

Nằm giữa thôn Đắc Măng, gia đình anh Kon Sơ Ha Brem là người đi đầu trong đổi mới tư duy làm kinh tế và ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Anh Kon Sơ Ha Brem bộc bạch: “Ngày trước, gia đình mình chỉ biết làm lúa rẫy và các loại hoa màu ngắn ngày năng suất rất thấp nên cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng không dứt được. Trong vài năm trở lại đây, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, gia đình mình đã đầu tư trồng bảy ha cao su, hai ha cà phê, năng suất vườn cà phê của gia đình tăng lên từ 1,7 đến 2 tấn/ha, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình mình đạt từ 120 đến 150 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ Nhà nước đầu tư làm con đường nhựa mà việc giao thương của bà con được thuận lợi. Trước đây, việc giao thương buôn bán của bà con đi đường đất vào mùa khô và đường sông vào mùa mưa nên không thể phát huy được nội lực của những nông dân vùng sâu như gia đình mình. Ngày nay, khi những con đường nhựa láng mịn được trải khắp, chính là lúc những con người vùng sâu mình vươn lên phát triển.

Từ mô hình kinh tế của gia đình anh Kon Sơ Ha Brem đã được nhân rộng ra toàn thôn và ngày càng có nhiều hộ làm kinh tế giỏi. Vì vậy từ một thôn có 50% hộ nghèo vào năm 2007, đến cuối năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 13,1%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 6 triệu đồng/người; 90% hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 95% gia đình trong thôn có nước sạch, điện thắp sáng, 95% người dân được xem truyền hình; 100% trẻ em trong thôn được cắp sách tới trường. Các tệ nạn mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu trong cưới hỏi, ma chay đã được đẩy lùi. Từ một xã vùng sâu gặp nhiều khó khăn nay đã trở thành xã có nền kinh tế phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đời sống của nhân dân được cải thiện nâng cao về mọi mặt.

Nguyễn Kim Nhung