Công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Hướng Hóa

10:12 25/03/2013 Lượt xem: 391 In bài viết

Hiện nay, Hướng Hóa là huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao (chiếm 25,1% theo tiêu chí mới) với 11 xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy số hộ vượt nghèo năm sau cao hơn năm trước nhưng thu nhập còn thấp và không ổn định, nguy cơ tái nghèo cao; cơ sở hạ tầng đã được đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ dân trí thấp, đồng bào chưa có nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất và canh tác.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, các cấp ủy Đảng từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo công tác xóa đói giảm nghèo; chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo. Thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn” và Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở”, đến nay, cơ bản huyện đã xóa xong nhà tạm cho đồng bào vùng khó khăn. Từ nguồn vốn 43.560 triệu đồng của Chương trình 135 giai đoạn II, đã xây dựng 138 công trình cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong đó, đường giao thông thôn, bản có 26 công trình (chiếm 18,84%), thủy lợi 6 công trình (chiếm 4,35%), trường, lớp học có 35 công trình (chiếm 25,36%), nước sinh hoạt 11 công trình (chiếm 7,97%), điện 13 công trình (chiếm 9,42%), trạm y tế 5 công trình (chiếm 3,62%), nhà sinh hoạt cộng đồng 42 công trình (chiếm 30,44%).

Về chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo dân tộc thiểu số: Thực hiện Chương trình 134,135, từ 2005-2008, huyện đã hỗ trợ khai hoang 850 ha đất sản xuất cho các hộ nghèo; bình quân mỗi hộ được cấp 0,5 ha để trồng màu; đã hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến công cho các hộ nghèo; hỗ trợ các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như máy cày, máy xay xát gạo, bình phun thuốc, máy tuốt lúa, máy cắt cỏ và các nông cụ khác, tạo điều kiện giúp đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Về giải quyết nước sinh hoạt, đã xây dựng 15 công trình cấp nước tự chảy phục vụ bà con dân tộc thiểu số với tổng kinh phí 16.824 triệu đồng bằng vốn của Chương trình 135. Tuy vậy, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở một số địa phương thường dễ hư hỏng do tác động bởi thiên tai, bão lụt... đòi hỏi hàng năm phải có nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho đồng bào.

Thực hiện Quyết định số 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 về “Chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II” và Quyết định 101/2009/QĐ-TTg ngày 5/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2007 đến nay, huyện đã hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học và trợ giúp pháp lý, giúp đồng bào nâng cao hiểu biết pháp luật, chủ động giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm và thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định trật tự xã hội.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã chủ động xây dựng các Nghị quyết chuyên đề về công tác xóa đói giảm nghèo như: Nghị quyết về “Đẩy mạnh phát triển sản xuất cây công nghiệp”; Nghị quyết về “Phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn”; Nghị quyết về “Phát triển kinh tế trang trại”; Nghị quyết về “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025”... Huyện đã phân công các phòng, ban, ngành, đoàn thể đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, mỗi xã, thị trấn được bố trí 1 cán bộ phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo. Ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi xã được tăng cường 1 cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo có trình độ từ trung cấp trở lên.

Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo ở Hướng Hóa vẫn thiếu tính bền vững; chất lượng lao động thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng chưa cao, mới chỉ dừng lại ở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, tại chỗ; một bộ phận người dân còn thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động vươn lên trong lao động sản xuất để thoát nghèo, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa thay đổi nếp nghĩ, cách làm; lãnh đạo một số xã chưa thật sự quan tâm, thiếu nhiệt tình trong việc triển khai các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo về thôn, bản; bình xét hộ và nhóm hộ nghèo chưa khoa học, còn nể nang đối với bà con, dòng tộc; địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp, thiên tai thường xảy ra, giao thông đi lại khó khăn (nhất là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa) nên việc triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo phù hợp với từng thời kỳ; đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn”.

Để công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa đạt được kết quả cao trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân về công tác xóa đói giảm nghèo.

Việc tuyên truyền, giáo dục phải làm cho bản thân người nghèo, hộ nghèo nhận thức và hiểu rõ nguyên nhân gây nghèo xuất phát từ các điều kiện kinh tế - xã hội chứ không phải do số phận. Từ nhận thức đúng sẽ giúp cho người nghèo có ý chí, có nghị lực vươn lên chiến thắng đói nghèo, tự tin vào cuộc sống. Qua tuyên truyền, giáo dục cũng giúp cho toàn xã hội thấy rõ mục đích, ý nghĩa thiết thực của việc xóa đói giảm nghèo. Bởi đây không chỉ là công tác xã hội mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy truyền thống đoàn kết, lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân. Công tác tuyên truyền, giáo dục chỉ đạt hiệu quả cao khi được thực hiện đa dạng về hình thức, chú trọng về nội dung, trong đó tập trung vào việc giới thiệu, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo; tăng cường giới thiệu những mô hình tốt, những cá nhân điển hình tiên tiến vươn lên làm giàu hiệu quả; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm công tác xóa đói giảm nghèo ở trong và ngoài tỉnh.

Thứ hai, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo.

Mặt trận và các đoàn thể nhân dân cần phối hợp với chính quyền, các ban, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn để tổ chức tốt việc vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện. Đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền, vận động để vừa thực hiện có hiệu quả các chủ trương, vừa phát huy tính tự lực, tự cường, năng động vươn lên của người nghèo.

Huyện cần lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh các phong trào “Ngày vì người nghèo”, “ Quỹ vì người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”; các cuộc vận động như “Xây dựng nhà đại đoàn kết”, “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; đẩy mạnh tổ chức các hình thức trợ giúp người nghèo: hỗ trợ xây dựng nhà “đại đoàn kết”, “nhà tình thương”. Vận động các hội viên, đoàn viên nòng cốt, có kinh nghiệm, có kiến thức hướng dẫn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho người nghèo; xây dựng tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống lúc khó khăn, hoạn nạn. Phát huy vai trò của Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Công đoàn trong việc tín chấp cho hộ nghèo vay vốn, tín dụng cho hội viên, đoàn viên giúp nhau làm kinh tế; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nghèo.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo của các cấp ủy, tổ chức đảng.

Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện xóa đói giảm nghèo của các tổ chức đảng là khâu quyết định thành công quá trình lãnh đạo của Đảng bộ huyện. Các cấp ủy, tổ chức đảng phải chủ động, thường xuyên, đa dạng và linh hoạt, gắn kiểm tra của tổ chức đảng với tự kiểm tra của quần chúng nhân dân. Kiểm tra, giám sát thực hiện xóa đói giảm nghèo của các cấp ủy cần tập trung vào các nội dung: Kiểm tra việc cụ thể hóa Nghị quyết của cấp ủy đảng thông qua việc xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, cách thức tiến hành, cách làm, biện pháp triển khai của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết của cấp ủy đảng; kiểm tra trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong việc phân công đảng viên, cán bộ, đoàn viên, hội viên theo dõi, giúp đỡ hộ đăng ký thoát nghèo; kiểm tra sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong vận động gia đình, dòng họ, bà con lối xóm tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; kiểm tra việc tiếp cận các chính sách, các dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo; kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án, quỹ đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo và chính sách hỗ trợ người nghèo nhằm đảm bảo việc đầu tư có hiệu quả, việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng bình quân, dàn trải, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thứ tư, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm của công tác xóa đói giảm nghèo.

Việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm phải được làm thường xuyên và bắt đầu từ cơ sở. Những kinh nghiệm được đúc kết cần phổ biến rộng rãi trong cấp ủy, trong tổ chức đảng; nghiên cứu trao đổi kỹ những kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong lãnh đạo phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo để từ đó rút ra phương hướng, biện pháp phát huy những kinh nghiệm thành công và khắc phục những yếu kém trong lãnh đạo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để làm tốt việc này, cấp ủy đảng các cấp cần phát hiện những bất hợp lý về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện chương trình để kịp thời sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung những chính sách thuộc cấp mình quản lý, kiến nghị, đề xuất những chính sách thuộc cấp trên ban hành, phát hiện những điển hình, nhân tố mới, những cách làm hay để phát huy nhân rộng.

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Cảnh