Nậm Búng có diện tích tự nhiên 9663,83 ha, 878 hộ
với 3.478 nhân khẩu gồm 3 dân tộc anh em là Kinh, Dao, Thái cùng sinh sống,
trong đó dân tộc Dao chiếm tỉ lệ 46% dân số. Xã có 4/10 bản đặc biệt khó khăn do
chưa có điện, đường, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 56,4%.
Từ trung tâm huyện Văn Chấn, chạy dọc theo Quốc lộ 32 tới trung tâm xã là 42km.
Mệt mỏi vì đường xa như tan biến khi chúng tôi cảm nhận sự nhiệt tình của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân xã Phạm Bá Dư. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, Nậm
Búng theo tiếng Thái có nghĩa là nước mưa về sớm. Có lẽ đó luôn là khát vọng của
bà con nơi đây-vốn sinh sống chủ yếu bằng nguồn lợi sản xuất nông nghiệp. Chủ
tịch xã Phạm Bá Dư phấn khởi cho biết: Ít năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc
trong xã đã từng bước thoát nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bắt đầu từ
cây chè.
Nậm Búng hiện có 205 ha chè, trong đó 176 ha đã cho thu hoạch. Trước đây, phần
lớn đồng bào trồng giống chè trung du có nhược điểm là năng suất thấp, búp nhỏ
nên không được thị trường ưa chuộng. Trong khi đó, từ năm 2005, huyện Văn Chấn
đã xây dựng thành công dự án chè Shan Vân Cảnh lấy giống từ vùng chè đặc sản
danh tiếng Suối Giàng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, khi cấp ủy, chính
quyền xã đặt vấn đề cần chuyển sang trồng giống chè Shan có năng suất, chất
lượng cao như chè Shan Suối Giàng, bà con đã hào hứng đón nhận. Tham gia dự án,
bà con được hỗ trợ lãi suất trong 3 năm, trợ giá 60% giá trị cây giống; được tập
huấn cách ủ phân vi sinh để chăm sóc cho cây chè… Kết quả là hơn một trăm ha chè
đã được hình thành trong thời gian ngắn. Sản phẩm ban đầu sản xuất ra chủ yếu
được bán cho Công ty Cổ phần chè Vân Tiên của huyện Văn Chấn, một doanh nghiệp
tư nhân tại xã và bà con tự chế biến. Trước năm 2010, thời điểm loại chè vàng
được giá cao, nhiều hộ gia đình đã làm được nhà và mua xe máy bằng thu nhập từ
cây chè.
Câu chuyện về hiệu quả của chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nậm Búng còn liên quan
đến cây lúa. Người Dao ở đây chỉ sản xuất 1vụ/ năm. Trước đây, bà con suy nghĩ
chỉ cần làm đủ ăn và cho đất nghỉ nên không thâm canh tăng vụ, nhất là với những
hộ có diện tích ruộng lớn, làm một vụ đã có nhiều thóc, tâm lý của bà con càng
không muốn cho thuê mượn ruộng vì sợ hỏng đất. Khi Phòng Dân tộc huyện phối hợp
với cán bộ xã vận động, tuyên truyền cần thay đổi suy nghĩ, ngoài làm đủ ăn còn
phải có sản phẩm đem bán thì mới có tiền để mua sắm đồ dùng sinh hoạt và nuôi
con đi học, nhiều hộ đã hiểu ra và làm theo. Bà con đã chủ động nâng hệ số sử
dụng đất từ 1 vụ lên 2 vụ.. Trưởng bản Nậm Chậu Triệu Trung Hương cho biết: Gia
đình tôi có 6 hộ, từ ngày sản xuất 2 vụ, cuộc sống gia đình không còn khó khăn.
Nay nhà tôi đã có sản phẩm dư thừa. Nhiều bà con trong bản thấy thế mới tin và
làm theo.
Từ năm 2005 đến nay, Nậm Búng đã thay đổi nhiều nhờ vào chuyển đổi cơ cấu cây
trồng và Chương trình 135. Hiện tượng tái nghèo ít, kinh tế hộ gia đình dần phát
triển bền vững. Tính đến cuối năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong toàn
xã đạt 7,5 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 54,6%.
Bước vào vụ sản xuất của năm 2012, chính quyền xã Nậm Búng đã tăng cường giải
pháp về thủy lợi, vận động bà con thâm canh tăng vụ và tiếp tục chuyển đổi cơ
cấu cây trồng trên cơ sở áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc và trồng các
giống lúa lai, lúa thuần cao sản, lúa chất lượng cao. Đối với cây trồng khác như
cây ngô, bà con tận dụng diện tích đất bãi, đất đồi thấp, ruộng một vụ để mở
rộng diện tích, phấn đấu có 215 ha trở lên được gieo trồng bằng các giống ngô có
năng suất, chất lượng cao; tận dụng ruộng thiếu nước để trồng cây đậu tương; đối
với cây chè, tập trung chăm sóc, thu hái đúng kỹ thuật đảm bảo sản lượng đạt
1.200 tấn chè búp tươi trở lên.
Quá trình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Nậm Búng đã mang lại những
hiệu quả rõ rệt bằng cách vận động bà con tận dụng đất đai canh tác những giống
cây trồng phù hợp, gắn với tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đời
sống của bà con Nậm Búng đang được cải thiện từng ngày. Con đường giảm nghèo của
Nậm Búng đang sáng dần… Đây là điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương phấn khởi
nhất. Chia tay Nậm Búng, chúng tôi vẫn nhớ mãi lời tâm tình đó của Chủ tịch xã
Phạm Bá Dư. Tin tưởng rằng, với sự cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo
của bà con các dân tộc nơi đây, người dân Nậm Búng sẽ có cuộc sống ngày càng ấm
no, hạnh phúc trên quê hương mình.
Đinh Nhung