Phước Long từng bước xây dựng nông thôn mới
03:01 11/04/2013 Lượt xem: 302 In bài viếtPhước Long là huyện vùng nông thôn nghèo của tỉnh Bạc Liêu, huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã gồm thị trấn Phước Long và các xã Phước Long, Phong Thạnh Tây A, Phong Thạnh Tây B, Vĩnh Phú Đông, Vĩnh Phú Tây, Hưng Phú, Vĩnh Thanh; diện tích tự nhiên 41.619 ha, 26.079 hộ, dân số 119.411 người, gồm 03 dân tộc chủ yếu là Kinh, Hoa và Khmer.
Trong những năm qua, nhờ sự đầu tư từ những chương
trình dự án của nhà nước, kinh tế - xã hội của huyện có những bước phát triển
vượt bậc. Nhất là từ khi được chọn là 1 trong 5 huyện của cả nước xây dựng huyện
điểm nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 thì huyện Phước Long như được khoác
trên mình một tấm áo mới.
Kế hoạch được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện triển khai hoàn thiện
và thực hiện từ cuối năm 2010 theo 19 tiêu chí. Áp dụng vào thực tế của địa
phương để triển khai trước những nội dung phù hợp nhất, đẩy mạnh những nội dung
như xây dựng gia đình, khóm, ấp văn hóa; xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông
nội đồng, kết hợp quy hoạch các mô hình sản xuất đa canh, đa con; quy hoạch nhà
ở dân cư; tổ chức nhiều hình thức hỗ trợ sản xuất giúp nâng cao đời sống của
người dân trong huyện. Về sản xuất huyện đã chỉ đạo xây dựng cánh đồng mẫu cho
thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng/ha/năm…
Qua gần 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới huyện Phước Long đã
đạt được những kết quả nổi bật, toàn huyện có 35 cánh đồng mẫu đạt trên 100
triệu đồng/ha/năm; kiên cố hoá 15 km đường trục ấp và ngõ xóm; xây dựng 07 trạm
bơm và hệ thống thủy lợi khép kín; đạt tỷ lệ hộ dùng điện an toàn 84,63%, xây
dựng 29,2 km điện chiếu sáng; có 01 trường đạt chuẩn quốc gia; xây dựng 33 nhà
văn hoá ấp; công nhận 1.376 hộ thoát nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống
còn 15,62%; chuyển dịch được 7.246 lao động từ nông nghiệp sang các ngành công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; thu nhập bình quân năm 2011
đạt 19,94 triệu đồng/người. Ngoài ra huyện cũng quan tâm, tổ chức khám và điều
trị cho nhân dân cơ bản kịp thời, thường xuyên tuyên truyền phòng chống dịch
bệnh, xây dựng công trình vệ sinh. Công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế ngày
càng được nâng cao, chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện tốt.
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Phước Long đã nhận được sự quan tâm hưởng
ứng của đại đa số người dân trong huyện. Nhiều tiêu chí hoàn thành sớm hơn dự
kiến do có được sự đồng thuận cao giữa cán bộ và những người dân trong từng xã
như làm đường giao thông nông thôn, các công trình nhà văn hoá, trường học, thuỷ
lợi... Nhiều hộ đã hiến hàng trăm mét đất vườn của gia đình để huyện triển khai
thực hiện công trình công cộng như hộ anh Thạch Hà, Sơn Văn Thành, Danh Ban…
Cũng có nhiều hộ đóng góp hàng nghìn ngày công lao động để làm đường. Vẫn biết
cuộc sống của bà con dù còn nhiều khó khăn nhưng những việc làm của các hộ dân
trong từng thôn, xóm, ấp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới đã
đề ra.
Cũng nhờ nguồn vốn đầu tư của nhà nước và đóng góp của người dân theo hướng nhà
nước và nhân dân cùng làm mà các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế,
đường, điện, thuỷ lợi… đã hoàn thành sớm hoặc được cải tạo, nâng cấp theo tiêu
chuẩn quốc gia. Nhất là các trạm y tế, đã phần nào đáp ứng nhu cầu khám, chữa
bệnh thông thường của nhân dân. Hầu hết các trạm đã có bác sĩ phụ trách và đạt
chuẩn y tế quốc gia. Sự khang trang và đầy đủ trang thiết bị y tế cũng như trình
độ, thái độ phục vụ của các thầy thuốc trạm y tế xã góp phần “kéo” người dân đến
khám, chữa, thay đổi thói quen của người dân và giảm tải nhiều cho y tế tuyến
trên.
Đánh giá về công tác xây dựng nông thôn mới của huyện, ông Trần Hoàng Duyên, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân huyện Phước Long, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới
cho rằng việc triển khai thực hiện đã được huyện tiến hành kịp thời, đúng hướng
và có sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và đại đa số nhân dân trong huyện. Có
được kết quả đó, ngoài những nỗ lực của Ban Chỉ đạo, các ban ngành chuyên môn
còn có sự tham gia tích cực, hiệu quả của công tác tuyên truyền. Điều đó đã giúp
người dân hiểu rõ ích lợi và định hướng cho bà con tích cực tham gia như công
việc chung của toàn xã hội. Ngoài ra, sự chỉ đạo sát sao, cụ thể, minh bạch dựa
trên nguyên tắc tập trung dân chủ của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp
đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Tuy đã đạt được những kết quả khả quan nhưng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở
Phước Long vẫn tiếp tục đứng trước những thách thức khó khăn. Đó là đời sống của
một bộ phận nhân dân còn nghèo; cơ sở bảo đảm vệ sinh môi trường theo tiêu chí
còn nhiều bất cập; việc chuyển đổi cơ cấu lao động còn hạn chế do trình độ lao
động thấp, phần lớn chưa qua đào tạo; hệ thống giáo dục đã vận hành tốt bên cạnh
đó, xây dựng nhà ở kiên cố cho người dân cũng là một mục tiêu cần hoàn thiện.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Phước Long tiếp
tục chỉ đạo các ngành, các xã thực hiện tốt công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
cơ cấu lao động, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân
dân. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, quan hệ sản xuất phù hợp. Nâng cao dân
trí, giữ gìn phát huy truyền thống bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường
sinh thái, giữ vững an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch
vững mạnh. Tập trung chỉ đạo hoàn thành trước những tiêu chí dễ làm, những tiêu
chí do nhân dân tự làm cần ít hoặc không cần vốn đầu tư của cấp trên và những
tiêu chí có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân
dân.
Việt Dũng