Quan điềm và định hướng quản lý Nhà nước trong thu hút đầu tư FDI tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
03:02 11/04/2013 Lượt xem: 954 In bài viếtTừ năm 1986 - thời điểm Đại hội IV Đảng Nhân dân cách mạng Lào đề ra đường lối đổi mới, Lào đang chuyển dần từ kinh tế tự cung, tự cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đạt nhiều thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Tạp chí Dân tộc số này giới thiệu những quan điểm và
định hướng quản lý nhà nước trong thu hút FDI tại Lào để tham khảo áp dụng tại
vùng miền núi, dân tộc của nước ta.
Trong xu thế phát triển của thế giới và khu vực có cả cơ hội, thách thức, điều
kiện thuận lợi cộng với tiềm năng phát triển sẵn có của nước Cộng hòa dân chủ
nhân dân Lào, Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào toàn quốc lần thứ IX đã đề ra
mục tiêu là:
- Làm cho kinh tế quốc dân phát triển liên tục và ổn định, đến năm 2015 tổng sản
phẩm quốc nội GDP đạt trung bình đầu người là 1700 USD;
- Đạt các mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển (MDGs), xây dựng một số cơ sở vật
chất kỹ thuật cần thiết để đưa đất nước ta thoát từ tình trạng của nước kém phát
triển trong năm 2020 cũng như nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
- Xây dựng sự nhuần nhuyễn và cân đối giữa sự phát triển kinh tế với phát triển
văn hóa - xã hội và giữ gìn môi trường thiên nhiên bền vững;
- Bảo đảm sự ổn định tình hình chính trị, an ninh, trật tự an toàn trong xã hội
vững chắc và chủ động hội nhập với khu vực và thế giới.
Từ những bước đi ban đầu của nền kinh tế hàng hóa, trong các năm 2006-2010 Lào
đã tranh thủ đầu tư lớn để thúc đẩy sản xuất trong nước, chuyển dịch sang nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước. Tập trung phát triển
một số vùng tiềm năng có điều kiện phát triển thuận lợi để tạo ra một số hàng
hóa quy mô lớn có chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao. Khai thác, phát triển có
kết quả một số đặc khu kinh tế, khu kinh tế riêng biệt, khu công nghiệp tạo ra
sức đột phá cho nền kinh tế, tăng nhanh nguồn thu cho Nhà nước. Chú trọng đầu tư
phát triển toàn diện với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến phù hợp với đặc điểm,
tiềm năng phát triển của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với chất lượng sản phẩm
hàng hóa tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Năng suất
lao động đạt mức tiên tiến trong khu vực, đảm bảo khả năng hội nhập toàn diện
với thế giới.
Đến năm 2020, dự định dân số Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tăng khoảng 8.3 triệu
(với mức độ tăng trưởng bình quân 2.2%/năm). Vì vậy, mục tiêu phấn đấu phải đạt
là: thu nhập bình quân là 1200-2000 USD trên đầu người, hệ thống cơ sở hạ tầng
cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội phải được xây dựng và phát triển trên
toàn quốc; nông lâm nghiệp có nền tảng vững chắc, công nghiệp và dịch vụ chiếm
tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
được củng cố và nâng cao về chất lượng với sự đảm bảo việc làm ổn định, có chất
lượng cho dân.
Định hướng thu hút FDI vào Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đến năm 2020
Trong chiến lược phát triển, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra đường lối đổi
mới đó là: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện các chính sách, nâng
cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút FDI; cải thiện các thủ tục hành chính
để đơn giản hóa việc cấp giấy phép và hỗ trợ khác. Các định hướng chung về thu
hút FDI cho phát triển kinh tế của Lào đến năm 2020:
Giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng, bổ sung và
chỉnh sửa các luật về quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội theo cơ chế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là luật đầu tư và chính sách
thuế cho phù hợp với xu hướng hội nhập và thế phát triển của đất nước, để tạo
môi trường thông thoáng, lạnh mạnh vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, của
quốc gia cũng như của nhà đầu tư.
Khuyến khích mạnh mẽ việc thu hút và sử dụng FDI vào tất cả các lĩnh vực mà pháp
luật không cấm, không thuộc lĩnh vực loại trừ vì lý do quốc phòng, an ninh, bao
gồm: sản xuất và dịch vụ phục vụ sản xuất; công nghiệp chế biến nhất là chế biến
nông - lâm - sản, khoáng sản, nguyên nhiên liệu; sản xuất hàng xuất khẩu, trong
đó ưu tiên đặc biệt cho sản xuất có sử dụng nguyên liệu trong nước và tỷ lệ nội
địa hóa cao; các dự án ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, điện tử,
vật liệu mới, viễn thông; dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, khu
đô thị mới. Tiếp tục thu hút và mở rộng cho các dự án FDI vào những địa bàn có
nhiều lợi thế để phát huy vai trò của các vùng động lực, các khu công nghiệp,
đặc khu kinh tế, và khu doanh lợi mà Lào chưa có điều kiện khai thác. khuyến
khích và dành các ưu đãi tối đa cho đầu tư nước ngoài vào những vùng có nhiều
điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình
kết cấu hạ tầng ở các địa bàn này bằng các nguồn vốn khác như vốn ngân sách, vốn
ODA... để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại trên cơ sở nguyên tắc chủ động hợp tác bình
đẳng, cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp công việc nội bộ của
nhau. Thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, khuyến
khích các nhà đầu tư nước ngoài từ tất cả các nước và vũng lãnh thổ đầu tư vào
Lào. Cùng với việc tiếp tục thu hút các nhà đầu tư truyền thống ở Châu Á, ASEAN,
cần chuyển hướng sang các đối tác từ Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ nhằm tranh thủ tiềm
lực vốn, công nghệ, kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền
kinh tế; chú ý các dự án lớn. Lào cần có kế hoạch vận động các tập đoàn, công ty
lớn đầu tư vào trong nước, đồng thời chú ý đến các công ty có quy mô vừa và nhỏ,
nhưng công nghệ hiện đại; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người Lào
định cư ở nước ngoài đầu tư về nước.
Cải cách bộ máy hành chính nhà nước các cấp cùng với các quy chế vận hành của nó,
tiến hành chống tham nhũng và những hiện tượng tiêu cực một cách tích cực có
hiệu quả để tạo điều kiện và môi trường lành mạnh tạo được tình cảm và sự hấp
dẫn đối với nhà đầu tư.
Chủ động đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo và đáp ứng lực lượng quản lý và lực
lượng lao động trực tiếp trong các ngành - nghề kinh tế, đặc biệt là trong ngành
kinh tế mà Lào có lợi thế như thủy điện, khai khoáng và trong lĩnh vực dịch vụ.
Tiếp tục điều tra khảo sát và xác định chuẩn xác về tiềm năng kinh tế của các
vùng, xây dựng bản đồ kinh tế chi tiết để công bố các ngành kinh tế - vùng kinh
tế nhằm cho nhà đầu tư tuyển chọn để đầu tư.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng và ngành kinh tế cần thúc đẩy phát triển. Cơ sở
hạ tầng đó bao gồm mạng lưới giao thông, mạng lưới điện, thông tin liên lạc…
Những định hướng đã nêu trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau tạo điều kiện cho
nhau làm cho môi trường hấp dẫn thu hút vốn đầu tư vào việc phát triển kinh tế -
xã hội ngày càng tăng và có hiệu quả kinh tế - xã hội.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VII (2011-2015) đã đề
ra: Huy động vốn đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 32% hoặc khoảng 127 nghìn tỷ
kíp; trong đó, ngân sách Nhà nước 10-12%, ODA 24 - 26%, FDI 50 - 56% và tín dụng
ngân hàng 10-12%. Dự kiến cơ cấu đầu tư của Nhà nước là: lĩnh vực kinh tế chiếm
30%, lĩnh vực xã hội chiếm 35% và cơ sở hạ tầng (đường sá và nhà xưởng) chiếm
35%. Kế hoạch 5 năm lần này là nâng tỷ trọng đầu tư của lĩnh vực xã hội tăng lên
và chú trọng bảo đảm đạt hiệu quả cao và đến với nhân dân thực sự.
Trong thời kỳ 2011-2020 dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư xã hội khoảng 391,000 tỷ
kíp, tăng trung bình là 13%/năm. Trong đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm
khoảng 60-65%; vốn đầu tư trong nước khoảng 35-40%. Tỷ lệ đầu tư trên GDP đạt
khoảng 33,8%; đầu tư từ nguồn vốn ngân sách chiếm khoảng 12 - 12.5%; đầu tư phát
triển sản xuất kinh doanh và một phần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dựa vào
huy động vốn bộ phận dân cư và doanh nghiệp tư nhân.
Quan điểm hoàn thiện Quản lý Nhà nước đối với thu hút FDI vào Lào trong giai
đoạn tới.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào luôn
gắn liền với sự phát triển các quan điểm nhận thức của Đảng và Nhà nước về hội
nhập và đầu tư. Việc thu hút vốn FDI ở Lào được thống nhất ở những quan điểm cơ
bản sau:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức cần xem FDI là bộ phận cấu thành quan trọng của
nền kinh tế nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, nhất quán, ổn định, lâu dài
chính sách thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là FDI. Coi FDI là một bộ phận
hữu cơ quan trọng về vốn và kinh doanh của nền kinh tế đất nước. Cần thống nhất
nhận thức về tầm quan trọng, triển vọng và các điều kiện hoạt động của FDI trong
đời sống kinh tế xã hội đất nước, khắc phục những lệch lạc, dao động, thiếu nhất
quán trong nhận thức, cơ sở pháp lý và chỉ đạo thực tiễn quá trình thu hút FDI
cả trước mắt và lâu dài. Trong khi xây dựng và triển khai các kế hoạch, quy
hoạch đề án phát triển kinh tế đất nước và địa phương, vĩ mô và vi mô, ngắn,
trung và dài hạn cần được soạn lập bao quát cả đối với FDI như một bộ phận cấu
thành không thể thiếu được hoặc không thể coi nhẹ.
Thứ hai, chính sách quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn FDI trong
tiến trình mở rộng hội kinh tế quốc tế phải hướng vào mục tiêu đưa nước Lào ra
khỏi danh sách nước nghèo, phát triển theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa và
ngày càng hội nhập sâu vào các nền kinh tế thế giới; gắn giữa tăng trưởng kinh
tế bền vững với đảm bảo an toàn xã hội và hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu
cực của FDI.
Thứ ba, coi trọng đồng bộ hóa các giải pháp, tạo thuận lợi và bình đẳng tối đa
đồng thời đáp ứng cao nhất các yêu cầu hội nhập đã cam kết, tạo những ưu đãi mọi
mặt không thua kém mức cao nhất của các nước trong khu vực về môi trường đầu tư
cho FDI. Vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là cần
đứng từ góc độ nhà đầu tư để xây dựng các ưu đãi, tạo mọi điều kiện bình đẳng và
thuận lợi nhất cho hoạt động, định hướng và khuyến khích họ kinh doanh phù hợp
với mục tiêu lợi nhuận theo đuổi, phù hợp với khuôn khổ luật pháp và các yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và địa phương, ngành. Cần cải thiện môi
trường đầu tư và giải quyết các tranh chấp trong hoạt động FDI phù hợp các cam
kết hội nhập và thông lệ quốc tế.
Thứ tư, phải xây dựng được một hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, thống
nhất, chặt chẽ, rõ ràng và có tính khả thi. Các quy định phải cụ thể. Quyền và
trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư
trực tiếp nước ngoài phải rõ ràng. Các thủ tục hành chính phải đơn giản, công
khai theo nguyên tắc "một cửa, một đầu mối".
Thứ năm, hình thức FDI cần phải đa dạng hóa, vì mỗi loại hình thức đầu tư đều có
mặt mạnh, mặt hạn chế của nó cho nên phải đa dạng các loại hình đầu tư, nhằm
đồng thời giải quyết nhiều vấn đề của mục tiêu đầu tư khác nhau. Kết hợp lợi ích
giữa các bên hợp tác đầu tư, kết hợp với quy hoạch phát triển của từng ngành,
từng địa phương. Phải có cơ cấu hợp lý về quy mô trong thu hút và sử dụng vốn
FDI. Đồng thời, dành quan tâm và ưu tiên đặc biệt đối với các nhà đầu tư lớn, dự
án lớn, có tiềm năng lớn về tài chính và chuyển giao công nghệ hiện đại. Trong
xu thế thời đại sẽ ngày càng có sự đa dạng hóa, đan xen và chuyển hóa lẫn nhau
giữa các loại hình FDI và đối tác đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, cần phải tạo dựng một môi trường kinh tế, chính trị, pháp lý ổn định,
lành mạnh và phát triển. Khai thác tối đa lợi thế so sánh nhằm phát triển nền
kinh tế một cách mạnh mẽ và bền vững. Môi trường đầu tư phải thực sự hấp dẫn và
bình đẳng không chỉ giữa các doanh nghiệp có vốn FDI mà cả với các doanh nghiệp
có vốn đầu tư trong nước. Để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cần tổng hợp
các nguồn vốn khác nhau như vốn trong nước, vốn nước ngoài, đầu tư gián tiếp,
đầu tư trực tiếp... Cần định hướng, khuyến khích và chủ động tổ chức sự gắn kết,
hợp tác, hỗ trợ kinh tế lẫn nhau giữa các loại hình doanh nghiệp và thành phần
kinh tế trong toàn bộ kinh tế, trong từng ngành, từng địa phương, từng dự án đầu
tư phát triển, cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.
Thứ bảy, tập trung mọi lực lượng, mọi thành phần kinh tế, phát huy cao độ tính
chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của tất cả các
ngành, các cấp, mọi cán bộ, đảng viên quần chúng nhân dân lao động; tranh thủ
mọi thời cơ, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh trong nước kết hợp với
những thuận lợi của hội nhập quốc tế để tháo gỡ các khó khăn, rào cản, đẩy mạnh
công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, mở ra những động lực mới, từ đó
giải phóng và phát huy mọi nguồn lực; phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nhiều thành
phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Hoàn thiện quản lý Nhà nước đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Cộng
hòa dân chủ nhân dân Lào trong thời gian tới là một vấn đề mang tính chiến lược
trong định hướng cải cách, hoàn thiện các thủ tục hành chính của Lào. Văn kiện
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra 4
đột phá là:
- Đột phá về nhận thức, trước hết là phải xóa bỏ ảnh hưởng của cơ chế tập trung
quan liêu, điều hành bao cấp một cách dứt điểm, cơ chế hóa thị trường có sự quản
lý của Nhà nước, giữ vững phát triển kinh tế làm trung tâm, xây dựng sự nhuần
nhuyễn giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, phát huy sức
mạnh của mọi thành phần kinh tế trong phát triển lực lượng sản xuất một cách
mạnh mẽ, tạo khả năng cạnh tranh tăng lên cho quá trình hội nhập quốc tế, bảo
đảm sự phát triển được tiến hành liên tục, vững chắc và bền vững;
- Đột phá về phát triển nguồn nhân lực, là đột phá về giáo dục cho có chất
lượng, đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và y tế theo mục tiêu đã định; sử dụng nhiều
kinh tế ý tưởng cho tăng lên; xây dựng lực lượng lao động và chuyên viên có kỹ
năng thuần thục, xây dựng đội ngũ nhà doanh nghiệp, nhà quản lý, người điều hành
cho tương xứng với sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập kinh
tế quốc tế. Hoàn thiện hệ thống sử dụng lao động cho hợp lý và xây dựng cơ chế
sức thu phục lòng người để phục vụ xây dựng phát triển; bảo đảm việc lao động
hóa nông nghiệp thành lao động công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng lên;
- Đột phá hệ thống cơ chế, quy chế, quy định điều hành, trước hết là cải thiện
sự điều hành và dịch vụ cho đạt hiệu quả và trong sạch, tạo điều kiện thuận lợi
cho sự cạnh tranh công bằng trước pháp luật và công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
giải quyết khâu phối hợp cho tốt, hiện đại và phù hợp với hệ thống quốc tế, giữ
đột phá mặt này gắn với quá trình hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và chuẩn bị
hội nhập thành viên WTO;
- Đột phá giải quyết nghèo của nhân dân bằng cách khai thác các nguồn vốn và
chính sách khuyến khích ưu đãi, xây dựng cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội một
cách có trọng tâm, trọng điểm đảm bảo cho giao thông đường bộ (kể cả đường tàu
hỏa), đường không và đường sông có sự thông suốt, giao nhập nhau từ Trung ương
đến địa phương, các nước láng giềng và quốc tế; đồng thời, phải có mạng lưới
điện, mạng lưới viễn thông, thông tin, hệ thống nước và những vấn đề khác cần
thiết.
Đại hội Đảng Nhân dân cách mạng Lào lần thứ IX đã khẳng định: "Đến năm 2020 Cộng
hòa dân chủ nhân dân Lào phải thoát khỏi tình trạng nghèo và trở thành nước công
nghiệp hóa và hiện đại hóa". Với mục tiêu đó, thì những quan điểm và định hướng
trong quản lý Nhà nước đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là kim chỉ
nam cho các ngành và địa phương trong cả nước đề ra quan điểm và phương hướng
trong quản lý Nhà nước đối với thu hút đầu tư trực tiếp đối với từng lĩnh vực và
từng địa phương để đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
đạt được kết quả thiết thực trong thời gian tới.
SENGPHAIVANH SENGAPHONE