Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc tỉnh Bình Thuận
03:00 11/04/2013 Lượt xem: 337 In bài viếtBình Thuận là tỉnh có miền núi thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Toàn tỉnh có 34 dân tộc thiểu số sinh sống, với 14.647 hộ, chiếm tỉ lệ trên 7% so với dân số của tỉnh. Bình Thuận có 11 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao; 04 xã thuần dân tộc Chăm; 02 xã thuần dân tộc Tày, Nùng, Hoa và 20 thôn xen ghép dân tộc thiểu số vùng cao; 09 thôn xen ghép dân tộc Chăm; 03 thôn xen ghép dân tộc Tày, Nùng, Hoa, Hơrê.
Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các
Bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy,
Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương nên tình hình kinh tế
- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ
rệt. Tỉnh đã giải quyết cấp 3.188,46 ha đất sản xuất/ 2.598 hộ, giao khoán
81.947,74 ha rừng/ 2.265 hộ; giải quyết cho 1.737 hộ vay 12.886 triệu đồng mua
2.802 con bò cái sinh sản, tạo thêm tư liệu sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu
số vùng cao; tăng hệ số sử dụng đất từ 01 vụ lên 2 - 3 vụ/năm, tăng năng suất
cây trồng (năng suất bắp lai đạt từ 50 - 55 tạ/ha/vụ; lúa nước đạt trên 45 tạ/ha/vụ),
góp phần ổn định luơng thực tại chỗ, tạo sản phẩm hàng hoá, nhiều hộ đã thoát
nghèo, vươn lên làm giàu; tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái
phép được hạn chế; hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng mở rộng, tỉnh đã đầu
tư xây dựng 11 cửa hàng mua bán tại 11 xã vùng cao; 13 đại lý ở thôn dân tộc
thiểu số xen ghép và 01 trạm thu mua mủ cao su cho đồng bào 02 xã vùng cao Đông
Giang, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phục vụ
sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Hệ thống kết cấu hạ tầng được ưu tiên tập trung đầu tư. 100% số xã có đường giao
thông cho xe cơ giới đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng
được quan tâm đầu tư; 100% thôn, xã có đường điện trung, hạ thế phục vụ sản xuất
và sinh hoạt; hầu hết các xã thuần vùng cao được đầu tư xây dựng hệ thống nước
sinh hoạt tập trung; 100% số xã có trạm y tế và trường, lớp xây dựng kiên cố ở
các cấp. 10/11 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao đạt chuẩn quốc gia về
phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, 11/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. 11/11 xã
thuần đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư xây dựng nhà văn hoá (gồm cả
thiết bị phục vụ văn hoá - văn nghệ), 19/20 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; đã
giải quyết 5.573 căn nhà cho hộ nghèo và cận nghèo dân tộc thiểu số…
Quá trình thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng
bào dân tộc và miền núi sau 25 đổi mới và đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết
Trung ương lần thứ 7 (khoá IX) về công tác dân tộc, Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh
ủy (khoá X) về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng
đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số ở Bình Thuận đã đạt được nhiều thành quả quan trọng: Kinh tế tăng
trưởng khá; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; năng
suất, sản lượng cây trồng đều tăng so với giai đoạn trước năm 2002. Cơ bản các
hộ nông nghiệp đều có đất sản xuất, các hộ có điều kiện chăn nuôi được vay vốn
phát triển chăn nuôi, nhiều mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi phát triển và
được nhân rộng. Từ đó hàng nghìn hộ có thu nhập tích lũy xây dựng nhà kiên cố,
mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống. Trong điều
kiện ngân sách còn khó khăn nhưng tỉnh đã lồng ghép nhiều nguồn vốn từ các
chương trình, dự án của Trung ương, vốn ngân sách tỉnh và vốn hỗ trợ của nước
ngoài gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho vùng dân tộc và
miền núi, đáp ứng cơ bản điều kiện để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống của
đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó bộ mặt nông thôn, miền núi đã có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng cao Bình Thuận vẫn
còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: kinh tế chậm phát triển, trình độ sản
xuất nông nghiệp thấp, tập quán canh tác lạc hậu; phát triển tiểu thủ công
nghiệp còn lúng túng; trình độ dân trí thấp, trình độ phát triển của các dân tộc
chưa đồng đều, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ
hộ nghèo cao; kết quả giảm nghèo chưa vững chắc; chất lượng, hiệu quả giáo dục
và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ còn nhiều hạn chế; kết cấu hạ tầng còn thấp kém,
chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là giao thông nông thôn,
giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ, thông tin và hạ tầng cấp thiết khác; nhiều
tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy; quy mô sản xuất nhỏ, manh mún,
sức cạnh tranh thấp...
Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được và tập trung huy động cao nhất mọi
nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã
hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xây dựng
Đề án Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công
nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Đề án
được thực hiện trong phạm vi 3 vùng: 11 xã thuần và 20 thôn dân tộc thiểu số xen
ghép vùng cao; 04 xã thuần và 09 thôn dân tộc vùng Chăm; 02 xã thuần và 03 thôn
dân tộc Tày, Nùng, Hoa; HơRê với các giải pháp:
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, lợi thế
từng địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách hỗ trợ để đồng
bào dân tộc thiểu số phát triển cây cao su; phấn đấu đến năm 2015, trồng mới
1.000 ha cao su. Thực hiện việc chọn giống và thâm canh một số loại cây trồng,
vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng như cây lúa nước, bắp lai, bông vải,
cao su, điều, thanh long, nho... Tập trung phát triển chăn nuôi bò, dê, lợn...
phù hợp với điều kiện từng vùng, từng địa phương; cải tạo tập quán chăn nuôi lạc
hậu như: không xây dựng chuồng trại, thả rông gia súc; khuyến khích chăn nuôi
tập trung theo hướng công nghiệp, nâng tỷ trọng giá trị nhóm ngành chăn nuôi
trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; tăng cường công tác thú y, phòng chống
dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Tiếp tục rà soát, nắm chắc hiện trạng sử dụng đất sản xuất trên địa bàn. Với
những hộ thiếu đất sản xuất nhưng địa phương không còn khả năng về quỹ đất thì
được chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động; thực
hiện tốt chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết không để xảy ra
tình trạng phá rừng. Rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu nhận khoán, quản lý bảo vệ
rừng đến từng hộ, nơi nào đồng bào không còn nhu cầu thì giao lại cho chủ rừng;
nơi nào đồng bào có nhu cầu thì tiếp tục triển khai thực hiện giao khoán quản lý,
bảo vệ rừng đến hộ.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công; rà soát để tập trung đầu tư phát
triển các làng nghề truyền thống có lợi thế; phát triển doanh nghiệp chế biến,
tiêu thụ vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với cơ chế thị
trường; phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ miền núi, tăng cường
công tác quản lý, phát huy hiệu quả các cửa hàng đã đầu tư xây dựng ở 11 xã và
các đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số vùng cao; tiếp tục thực hiện tốt chính
sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển, bao tiêu sản phẩm; đảm bảo cung ứng
kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện
đời sống của đồng bào. Phấn đấu đầu tư ứng trước ít nhất 50% diện tích sản xuất
của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Quan tâm đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và du lịch ở vùng dân tộc thiểu số;
sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; hỗ trợ việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết
của các dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của
đồng bào các dân tộc; định kỳ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số và
Ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở
vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn minh, xoá dần các tập tục
lạc hậu.
Đẩy mạnh phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số theo chương trình chung quốc
gia; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, khám,
chữa bệnh bảo hiểm y tế; tăng cường công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe;
đảm bảo nâng cao chất lượng dân số, phát triển dân số hợp lý ở vùng đồng bào dân
tộc thiểu số theo quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo của Chính phủ; hỗ trợ phát triển sản xuất đối với hộ nghèo gắn với giải
quyết việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi năm giảm bình quân từ 2,3 - 2,5% số
hộ nghèo; trong đó vùng cao giảm từ 3,3 - 3,5%/năm; vùng Chăm, Tày, Nùng, HơRê
giảm từ 0,7 - 0,8%/năm. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân thuộc
hộ nghèo về vốn, chuyển giao kỹ thuật, y tế, giáo dục, nhà ở, tạo điều kiện
thuận lợi để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, nỗ lực vươn lên thoát
nghèo bền vững. Phấn đấu đến hết năm 2012, hoàn thành việc hỗ trợ nhà
ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tích cực tuyên truyền các chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, từ đó nâng cao nhận thức
cho đồng bào trong việc tiết kiệm trong chi tiêu (đối với vùng cao) và giảm bớt
các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi (đối với vùng đồng bào Chăm, Tày, Nùng.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án, chính sách ở vùng dân tộc
thiểu số; trong đó tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã nghèo kết cấu
hạ tầng còn thiếu và yếu; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Nhà nước đầu tư;
nhất là các chương trình, dự án do Trung ương hỗ trợ; đồng thời huy động các
nguồn lực khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi
vừa và nhỏ; giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, điện, nước sinh họat
để góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển.
Củng cố và nâng cao chất lượng các mặt của hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc
thiểu số; tăng cường và bố trí cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng vào các chức
danh chủ chốt cấp xã vùng dân tộc thiểu số; phối hợp triển khai thực hiện tốt
các chính sách hiện hành để tạo điều kiện làm việc cho cán bộ; đặc biệt là con
em đồng bào các dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung
học chuyên nghiệp đến công tác tại vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn; rà soát đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ cơ sở cần đào tạo, xây dựng kế
hoạch và triển khai kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị
của xã, đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.
Trần Trí Dũng