Từ trong lịch sử: Giết một con sâu cứu cả rừng cây là cần thiết - việc làm nhân đạo
09:36 11/04/2013 Lượt xem: 2138 In bài viếtĐầu năm 1950, biên giới Việt Trung còn bị phong tỏa bịt chặt, đế quốc Mỹ lăm le can thiệp vào chiến cuộc Việt – Pháp, cuộc sống kháng chiến vô cùng khó khăn, trong lúc đó ở phố Thanh Cù, xã Chấn Hưng, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) nơi có khá đông đồng bào thủ đô tản cư lên làm ăn buôn bán sầm uất, đã tổ chức một đám cưới “đời sống mới” vợ một trợ lý Đại tá Cục trưởng Cục Quân Nhu Trần Dụ Châu quá xa hoa, lãng phí, làm cho dư luận ồn ào bàn tán, đánh giá “đám cưới đã làm vẩn đục một khúc sông” (ý nói là Sông Thao gần đó).
Trước cảnh tiệc tùng linh đình náo nhiệt suốt đêm,
Nhà thơ Đoàn Phú Thứ, nhà văn Nguyễn Đình Tốn được mời dự đám cưới đã viết bài
đăng Báo Cứu Quốc ngày 15.05.1950, phát hành trong phạm vi cả nước.
Bài báo của nhà văn Nguyễn Đình Tốn với tiêu đề “Ăn cắp hay buôn lậu”? Viết:
“Đám cưới ấy sang quá, chim gà mổ ở máng nước làm sao (váng) cả một khúc sông…tiệc
cưới làm theo cả Tầu lẫn Tây, đủ cả Xâm banh, Rom xanh, Đuy bon nê, thuốc lá Ăng
Lê, bích quy Hoa Kỳ, táo tây, Cam Bố Hạ trái mùa…”. Hàng trăm ngọn nến thắp sáng
thâu đêm, toàn thứ com măng (đặt hàng) từ vùng tề mang ra trong khi địch bao vây
kinh tế ngặt nghèo…
Người ta đã hỏi: Họ ăn cắp hay buôn lậu mà lắm tiền thế? Đề nghị chính quyền
kiểm tra.
Để đối phó với dư luận, Trần Dụ Châu đã gửi công văn lên Đại Tướng Võ Nguyên
Giáp nói rằng “ở Cục Quân Nhu có 1 tổ chức chia rẽ, phá hoại quân đội ta; những
lời xì xèo, nghi kỵ, là chuyện đố kỵ, ghen ăn tức ở…”.
Thanh tra quân đội đã vào cuộc kiểm tra, và kết luận sự thật về vụ tham ô, buôn
lậu ở Cục Quân Nhu do Trần Dụ Châu cầm đầu đặc biệt nghiêm trọng, đề nghị truy
tố trước Tòa án binh.
Trong thời chiến, lại xẩy ra vụ án động trời trong quân đội, nhiều cán bộ cơ
quan Trung Ương đều nghĩ và tin rằng sẽ chỉ giải quyết trong nội bộ để đề phòng
hệ lụy xấu từ phía địch có thể sẩy ra.
Song, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải công khai đưa vụ án này qua báo Cứu
Quốc xuất bản ở An toàn khu để nhân dân biêt mà tin tưởng ở sự nghiêm minh trong
thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và Đoàn thể. Người đã nói “Tiền
của bọn tham nhũng ăn cắp đều là mồ hôi công sức đóng góp của dân, nên phải công
khai báo cáo cho dân biết, không được dấu diếm, lợi bất cập hại”.
Làm theo chỉ thị của Bác, thông qua kết luận của thanh tra, Nhà báo Hồng Hà đã
viết bài đăng trên 6 số báo “Cứu Quốc”, nói rõ mánh khóe, thủ đoạn moi tiền nhà
nước của Trần Dụ Châu.
Bài báo đầu tiên đã giải thích lí do vụ tham nhũng này được công khai đăng báo:
“…Có người e ngại chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ tội lỗi nhơ bẩn
của Trần Dụ Châu và bè lũ, có thể làm cho 1 số dân chúng chê trách việc quản lý,
giáo dục cán bộ của ta kém cỏi, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền,
đoàn thể ta.
Không, chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta, chúng
ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó, đây cò là sự khuyến khích nhân
dân phê bình những sai lầm của cán bộ chính quyền, đoàn thể, vì họ hiểu chính
quyền, đoàn thể của mình nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi
của họ.
Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những kẻ tham ô, lãng phí, những
kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác, để tiến tới xây dựng một
nền tảng chính quyền nhân dân thật vững, đây không phải là việc riêng của Chính
Phủ, của đoàn thể, mà đây còn là bổn phận của các tầng lớp đông đảo quần chúng
nhân dân chúng ta.
Độc giả đọc bài báo trên đều thấy không chỉ có Chính phủ, Đoàn thể chống tham
nhũng, mà việc đó còn là trách nhiệm là bổn phận của nhân dân, các cơ quan chính
phủ, đoàn thể không chỉ phê binh, tự phê bình công khai với dân, vì mình đã
không giữ gìn bảo vệ chu đáo tiền bạc của nhân dân giao phó để cho bọn sâu mọt
lợi dụng sơ hở để ăn cắp, trái với đạo lý làm người phải “cần kiệm liêm chính,
chí công vô tư”.
Từ kết quả thanh tra kiểm tra, ngày 5 tháng 9 năm 1950 (chỉ sau 4 tháng phát
hiện vụ án) Tòa Án Binh Tối Cao đã mở phiên toàn xét xử vụ án ngay tại nơi tổ
chức đám cưới tên trợ lý của Trần Dụ Châu, và đã tuyên phạt Trần Dụ Châu án “Tử
hình”, 2 tên đồng bọn, mỗi tên bị tù 10 năm.
Tử tù Trần Dụ Châu đã có đơn gửi Chủ Tịch Hồ Chí Minh xin tha tội chết.
Trong buổi làm việc xét đơn xin giảm án của Trần Dụ Châu với ông Trần Đăng Ninh
Chủ nhiệm Tổng cục Cung Cấp Bộ Quốc phòng, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với
loài sâu mọt đục khoét nhân dân, phải giết đi 1 con sâu mà cứu được cả Rừng cây
thì việc đó là cần thiết, hơn nữa là nhân đạo”.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin tha tội chết của tên tội phạm đầu sỏ, Trần
Dụ Châu đã ra phải “Pháp trường” khi quân ta đang mở màn chiến dịch biên giới,
giải phóng Cao Bằng, khai thông đường sang Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân
chủ ở Đông Âu. Nhân dân cả nước yên lòng phấn khởi và củng cố niềm tin của người
dân vào chính quyền, đoàn thể.
Sự lãnh đạo xử lý công khai, nghiêm khắc vụ án Trần Dụ Châu vừa cần thiết vừa
nhân đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua hơn 6 thập niên, nhưng vẫn còn nguyên
giá trị đối với Đảng, Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng hiện
nay, vì đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng
viên giữ vị trí lãnh đạo quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư
tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt
lý tưởng, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc,
có ảnh hưởng đến vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta như Nghị quyết 12 Hội
nghị Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện
nay” đang được thực hiện trong phạm vi cả nước.
Giàng Xênh