Văn Chấn cử người bản địa làm công tác dân tộc

09:50 11/04/2013 Lượt xem: 364 In bài viết

Tại Văn Chấn, nhiều đồng bào dân tộc không biết tiếng Kinh, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tuyên truyền đường lối chính sách và pháp luật đến bà con. Việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất lại càng khó khăn dẫn đến đói nghèo và lạc hậu kéo dài. Từ thực tế trên đòi phải thành lập phòng dân tộc để giúp cho huyện trong công tác quản lí Nhà nước về công tác dân tộc và tập trung chăm lo cho đồng bào để cuộc sống của cộng đồng ngày càng được nâng cao.

Tháng 8 năm 2010, Uỷ ban nhân dân huyện đã thành lập Phòng dân tộc gồm 3 người. Song từ thực tế thực hiện công tác dân tộc ở địa bàn rộng lớn, nhiều thôn bản ở xa đường đi lại khó khăn phải đi bộ cả ngày mới đến nơi, việc vận động để bà con, hiểu và thấy được lợi ích của các chính sách dành cho đồng bào đòi phải kiên trì. Mặt khác do cán bộ dân tộc không hiểu hết được ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán của các dân tộc, nên phòng dân tộc đã được huyện tăng thêm biên chế 2 cán bộ là người bản địa, có trình độ học vấn và có khả năng giao tiếp ngôn ngữ dân tộc vào làm việc. Hiện tại phòng có 5 biên chế là người dân tộc Mông, Dao, Khơ Mú, Tày, Kinh.
Việc sử dụng cán bộ là người dân tộc nói tiếng bản địa để thực hiện công tác dân tộc là một thuận lợi cơ bản.

Anh Phạm Nguyên Bình, cán bộ phòng dân tộc nhớ lại lần đến thôn Làng Lao để thuyết phục bà con chuyển ra bản Táng Khờ 1, gần trung tâm xã Cát Thịnh. Theo kế hoạch, huyện phải di chuyển 45 hộ dân, các cán bộ phải đến từng nhà vận động tuyên truyền cho bà con hiểu được lợi ích của công cuộc di dân, những gia đình thuộc diện 167 được nhà nước hỗ trợ tiền vốn, tổng vốn cho di chuyển 25 triệu/1 hộ. Tấm lợp được hỗ trợ toàn bộ, còn công vận chuyển do bà con tự lo. Bà con tự nhận thức bây giờ phải làm nhà ở cố định “an cư rồi mới lạc nghiệp”. Nếu có muốn làm nhà tranh, tre, nứa cọ trên rừng cũng không còn. Khi dùng cán bộ là người dân tộc thuyết phục bằng ngôn ngữ của mình nghe xong bà con bắt đầu cởi mở hơn. Buổi nói chuyện cùng bà con đã có phần thuận lợi hơn những lần thuyết phục trước đã dần hiểu ra cái lợi của chính sách, buổi thuyết phục đã thành công hơn mong đợi. Hơn 45 hộ đã thống nhất ký đơn để di chuyển chỉ sau một, hai tuần bà con đồng ý xuống gần Trung tâm xã để ở. Giờ đây khi các hộ chuyển ra gần trung tâm xã chỉ cần đi bộ 1,5 giờ đồng hồ là đến chợ mua bán trao đổi giao lưu hàng hóa, thay vì trước đây bà con phải đi cả ngày đường mới ra đến trung tâm xã. Thậm chí có người đi mua 1 yến gạo, đi từ ngày hôm trước đến ngày hôm sau mới về vì quay lên rất khó, chủ yếu là đường rừng.

Thành công này đã chứng tỏ chủ trương khai thác thế mạnh của cán bộ bản địa đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Vừa qua, cán bộ phòng nông nghiệp phối hợp cùng cán bộ dân tộc đã xuống xã Nậm Búng để vận động bà con tiến hành thâm canh, tăng vụ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây lúa. Bà con nơi đây trình độ còn hạn chế không biết đọc, không hiểu những số liệu, chỉ số về quá trình gieo trồng và cấy lúa. Thêm nữa, là tư tưởng lạc hậu “làm đủ ăn thì thôi cho đất nghỉ, để vụ sau tốt hơn”. Khi được cán bộ là người bản địa giải thích hướng dẫn cụ thể bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, bà con đã dần hiểu ra thông số, số lượng để áp dụng cho trồng và nâng cao chất lượng cây lúa. Dần dà, bà con thấy hiệu quả của việc thâm canh tăng vụ đã thay đổi định kiến. Giờ đây tiến hành làm 2 vụ lúa/năm trong xã đã có nhiều hộ có sản phẩm dư thừa và bán đi lấy tiền đầu tư chăn nuôi và để dành cho con cái đi học.

Đi sâu vào vùng đồng bào dân tộc càng thấy cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là ở các xã bản đặc biệt khó khăn. Kết quả triển khai, tổ chức thực hiện thắng lợi các chính sách, chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào như Chương trình 134, 135 hay chương trình 1592 kéo dài và chương trình di dân định canh, định cư theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, rồi di dân định canh, định cư quyết định 193 theo chương trình di dân ra khỏi vùng sạt lở của huyện sẽ mang lại sự đổi thay cơ bản trong cuộc sống của đồng bào.

Năm 2011, là một năm đầy khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả vật tư đầu vào tăng cao và các chính sách cắt giảm chi tiêu công theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn huyện. Song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Huyện ủy, sự giám sát hiệu quả của HĐND huyện, cùng sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp nhất là những cán bộ của phòng dân tộc huyện và nhân dân các dân tộc, năm qua kinh tế huyện Văn Chấn có những bước tăng trưởng khá và tương đối toàn diện. Đã kịp thời giải quyết những phát sinh ngay từ cơ sở, các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc được huyện triển khai đầy đủ kịp thời, đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn huyện, đảm bảo ổn định tình hình sản xuất và đời sống, không để xảy ra những diễn biến phức tạp trên địa bàn. Về cơ bản các vùng đồng bào được đảm bảo và ổn định.

Để làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực công tác dân tộc năm 2012, phòng Dân tộc tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện triển khai thực hiện các chương trình, chính sách thuộc lĩnh vực công tác dân tộc; thực hiện đồng bộ các gải pháp nhằm tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện. Cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về các chính sách dân tộc, thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình chính sách, các dự án đã được phê duyệt thực hiện. Ngoài ra tổ chức điều tra sự phát triển của các dân tộc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa, phong tục tập quán. Thực hiện tốt các chính sách về đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Để làm tốt những công việc trên, việc sử dụng đội ngũ làm công tác dân tộc chính là những con em là người bản địa, biết nói ngôn ngữ của đồng bào vẫn được xem là mục tiêu cốt yếu.

Đinh Nhung