Yên Bái: Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn

09:12 11/04/2013 Lượt xem: 385 In bài viết

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, Tỉnh uỷ Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, các ngành đặc biệt đề cao vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín vì đây là đội ngũ gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, là lực lượng nòng cốt tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của tỉnh tới các thành viên trong gia đình, dòng họ, thôn bản. Họ chính là cầu nối nhanh nhất, hiệu quả nhất trong việc thực hiện công tác tuyên truyền và vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ông Nguyễn Khắc Long-Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết: Đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín đã có nhiều đóng góp cho địa phương toàn diện trên các lĩnh vực. Về phát triển kinh tế, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tích cực vận động đồng bào lao động sản xuất, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, cây, con giống được Nhà nước hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, ổn định cuộc sống. Thực hiện các Chương trình 134, 135 đầu tư cho vùng nghèo đặc biệt khó khăn, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động tham gia làm đường giao thông, tu sửa kênh mương thuỷ lợi, đổi mới cách làm ăn, xây dựng vườn đồi, làm kinh tế trang trại, không phá rừng làm nương… Nhiều nơi, với sự giúp đỡ của các đoàn thể, người có uy tín đã trực tiếp xây dựng và đưa vào sử dụng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, ba ba, nhím, trồng tre măng bát độ, sắn cao sản, quế, chè, rừng… cho chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình điểm này đã được nhiều gia đình mạnh dạn làm theo, bước đầu ổn định đời sống; có hộ còn giải quyết được việc làm cho nhiều lao động trong khu vực.

Về văn hoá-xã hội, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh luôn phát huy vai trò gương mẫu đi đầu thực hiện và tuyên truyền, vận động người trong dòng họ, người dân trong thôn, bản định canh, định cư, không di cư tự do, không tái trồng cây thuốc phiện, tích cực xoá bỏ hủ tục trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc, thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình. Đến nay, một số tập quán lạc hậu của đồng bào Mông giảm đáng kể như tình trạng sinh con thứ 3, nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, không đăng ký khai sinh, khai tử. Vận động các gia đình tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường học đông đủ, đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt trên 90%. Đồng bào các dân tộc đã chủ động đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các già làng, trưởng bản, người có uy tín luôn thể hiện vai trò và gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền vận động nhân dân các dân tộc nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, phòng chống mọi âm mưu gây mất đoàn kết và chia rẽ dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống truyền đạo trái pháp luật… Qua đó đã xuất hiện nhiều làng bản, khu phố không có tội phạm ma tuý, mại dâm, tệ nạn xã hội. Bằng uy tín của mình, các già làng, trưởng thôn bản, trưởng dòng họ đã vận động nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực xã hội, phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng giải quyết tốt các mâu thuẫn ngay từ nội bộ gia đình, dòng họ, thôn bản. Tích cực vận động nhân dân hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, vận động đồng bào các dân tộc ngăn chặn và chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, sinh hoạt tín ngưỡng đúng quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở từng thôn, bản, khu dân cư.

Ông Nguyễn Khắc Long-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái bày tỏ: Trong điều kiện kinh tế-xã hội vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh chậm phát triển, đặc biệt là nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận đồng bào còn thấp, sự khác biệt về truyền thống, phong tục, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số trên địa bàn cùng những khó khăn trong đời sống, sản xuất, văn hoá, y tế, giáo dục và sự thiếu hụt cán bộ cơ sở giỏi đã và đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngày 18/3/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò tích cực của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín bởi thực tế cho thấy trí tuệ, sức ảnh hưởng và uy tín của các bậc lão thành, người có uy tín luôn vượt ra khỏi khuôn khổ của một gia đình, dòng họ, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, xã hội. Tiếng nói, hành động của người cao tuổi đóng vai trò như người đại diện, có tác dụng dẫn dắt, định hướng trong văn hóa và ứng xử của toàn xã hội. Người có uy tín là hạt nhân đi đầu vận động nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, khai hoang tăng vụ, đổi mới cách làm ăn, thực hiện tiết kiệm, xoá bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng; thực hiện các hương ước, quy ước thôn, bản, xóa bỏ tập tục lạc hậu, định hướng dư luận, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần theo hướng tiến bộ.

Để người có uy tín, già làng, trưởng bản hoạt động hiệu quả, hàng năm cần tổ chức tốt công tác thông tin về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để họ nắm chắc các thông tin phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân. Làm tốt công tác sơ, tổng kết hàng năm và công tác thi đua, khen thưởng, vinh danh những người có thành tích xuất sắc.

Hoàng Phương Liên