Một số kết quả và giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống cho vùng đồng bào dân tộc miền núi ở huyện Trấn Yên
02:39 11/04/2013 Lượt xem: 362 In bài viếtTrấn Yên là huyện vùng thấp của tỉnh Yên Bái, có diện tích tự nhiên trên 62.000 ha; 21 xã và 01 thị trấn, 233 thôn, bản, khu phố; 8 xã vùng cao; 01 xã đặc biệt khó khăn; 12 xã khu vực II với 49 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện có 80.425 người, với 5 dân tộc chính là Kinh, Tày, Dao, Mường, Hmông và một số dân tộc khác cùng sinh sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 34,5%.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhất
là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX (nhiệm kỳ 2010-2015), riêng đối với
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, quan điểm chỉ đạo của huyện là: Đẩy
mạnh công tác quản lý nhà nước và thực hiện chính sách dân tộc; tranh thủ các
nguồn lực đầu tư để tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thuỷ lợi,
điện, trường học, trạm y tế, mạng lưới truyền thanh, nhà văn hoá thôn bản…Phát
huy có hiệu quả các công trình do Chương trình 134 và 135 đã đầu tư; tiếp tục
thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; chính
sách trợ giá, trợ cước một số mặt hàng thiết yếu cho đồng bào dân tộc vùng cao;
chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn;
chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo...
Những năm qua, Trấn Yên đã tiếp nhận hàng trăm tỷ đồng từ các chương trình, dự
án đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể:
Chương trình 134 đã hỗ trợ đất sản xuất, làm nhà ở và nước sinh hoạt cho 5.426
lượt hộ với tổng số tiền 11,841 tỷ đồng; Chương trình 135 giai đoạn II đã được
đầu tư 48,61 tỷ đồng phục vụ phát triển hạ tầng thiết yếu tại các xã, thôn, bản
đặc biệt khó khăn….
Với quyết tâm chính trị, chủ động nắm vững tình hình, khắc phục khó khăn, bổ
sung kịp thời các chủ trương, giải pháp phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng
vùng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối với địa
bàn các xã vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc của huyện. Sau 2 năm triển
khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
huyện lần thứ XX: Kinh tế - xã hội của huyện đã có sự chuyển biến, với tốc độ
tăng trưởng khá nhanh, toàn diện và tương đối vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh
tế đạt 12%; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,4 triệu đồng... Đến nay Trấn Yên
đã định hình vùng lúa chất lượng cao 1.500 ha, vùng chè 2.200 ha, vùng trồng dâu
nuôi tằm 120 ha, vùng tre măng bát độ trên 1.500 ha, ổn định vùng quế 8.000 ha….
từng bước tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa gắn với phát triển công nghiệp; đã
hình thành tương đối rõ nét và tập trung đầu tư cho phát triển 3 trung tâm: Cổ
Phúc, Báo Đáp, Hưng Khánh làm động lực cho phát triển vùng. Nhờ đó, bộ mặt nông
thôn miền núi có sự thay đổi tích cực, toàn diện. Đại bộ phận nông dân được tập
huấn, tiếp thu kinh nghiệm sản xuất, đưa kiến thức khoa học vào sản xuất và đời
sống. Sản lượng lương thực đạt trên 31 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người
đạt 387 kg/người/năm, huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm một cách bền
vững, chỉ còn 28,01%; đời sống của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, nhiều hộ
đã có tích lũy; thu hẹp khoảng cách giữa vùng thấp và vùng đồng bào dân tộc,
vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng đã phát huy hiệu quả; nhiều tuyến
đường được mở mới đến thôn, bản các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa; 100% số xã
có đường ô tô đến trung tâm; một số tuyến đường liên xã, thôn bản được bê tông
hóa. 100% số xã có điện lưới, được phủ sóng điện thoại di động. Các công trình
phúc lợi công cộng như: chợ, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch... cũng được
quan tâm đầu tư.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển và đạt được nhiều tiến bộ trong
giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội; đã tạo việc làm mới
cho hàng ngàn lao động; xoá gần 12.000 nhà tạm; duy trì 100% số xã, thị trấn phổ
cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập Trung học cơ sở, 12 trường đạt chuẩn quốc
gia mức độ 1; 100% các xã có trạm y tế và có nhân viên y tế thôn bản; 21 xã, thị
trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 75% số hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ
sinh. Các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền được tập trung chỉ đạo hướng
mạnh về cơ sở; phong trào xây dựng đời sống văn hóa có nhiều tiến bộ, toàn huyện
có 175 làng bản văn hóa chiếm 75,7%; 17.567 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình
văn hóa; 100% địa bàn được phủ sóng truyền hình, 90% hộ gia đình có phương tiện
nghe nhìn; 100% số xã có hệ thống truyền thanh.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng; hàng năm, số đảng viên mới được kết nạp
là người dân tộc thiểu số chiếm gần 50%; đã triển khai thực hiện tốt chính sách
đối với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Về chính sách hỗ
trợ cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, đã có 7.380 lượt cháu
được hỗ trợ với số tiền là trên 5 tỷ đồng, đã xây dựng một trường dân tộc nội
trú và nhiều lớp bán trú cho các cháu học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
trên 3 ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ trên 2 tỷ đồng tiền điện thắp sáng; đã có
83 người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy huyện và xã; 194 đại biểu Hội đồng
nhân dân 2 cấp và hàng trăm cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp
về phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, miền núi nói riêng vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Định
hướng và quy hoạch kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc chưa rõ nét, mặc dù đã được
quan tâm đầu tư song kinh tế ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vẫn nằm trong
tình trạng khó khăn, chậm phát triển; chênh lệch về mức sống giữa khu vực nông
thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các xã vùng I và thị trấn còn lớn; sự
nghiệp văn hóa, y tế, giáo dục phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, chất
lượng, hiệu quả còn thấp; bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc
đang dần bị mai một, một số hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín chưa được bài trừ;
hệ thống chính trị cơ sở ở một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn yếu…
Để đáp ứng và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và
miền núi của huyện Trấn Yên, từ những thành quả đạt được trong công tác lãnh đạo,
chỉ đạo của Đảng bộ, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, cần làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính
sách pháp luật của Nhà nước trong đồng bào các dân tộc; tuyên truyền vận động
nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống; thực hiện có
hiệu quả các chương trình, dự án của Chính phủ và các nguồn hỗ trợ khác đã được
đầu tư, để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào
dân tộc, miền núi, thu hẹp khoảng cách chênh lệnh giữa các vùng.
Hai là, đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư cơ
sở hạ tầng, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển những cây con có
giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương; đẩy mạnh
việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khuyến khích nhân dân
xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Ba là, tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở;
chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, chống mù chữ và tái mù chữ, nâng
cao dân trí cho đồng bào các dân tộc; củng cố phát triển mạng lưới y tế, nhất là
y tế cơ sở, nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nhất là
đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bốn là, làm tốt công tác phát triển Đảng, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ người dân tộc thiểu số, coi trọng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn,
lý luận chính trị đối với cán bộ cơ sở; thực hiện nghiêm túc việc phân công cán
bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, làm tốt công
tác vận động quần chúng. Có chính sách động viên, khuyến khích vai trò của già
làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, đồng thời tăng cường công tác
vận động tập hợp thu hút đoàn viên, hội viên tham gia vào các đoàn thể chính trị
- xã hội.
Năm là, chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, hệ thống chính trị cơ sở thực sự
vững mạnh. Đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp nhằm chủ động khai thác
tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội; nắm bắt tâm
tư, nguyện vọng và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh trong vùng đồng bào dân
tộc; giúp đỡ đồng bào dân tộc trên địa bàn ổn định và nâng cao chất lượng cuộc
sống, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Triệu Tiến Thịnh
Bí thư Huyện ủy Trấn Yên