Huy động nguồn lực phát triển cao su đại điền - Bài học kinh nghiệm từ Đắk Lắk
10:25 25/03/2013 Lượt xem: 341 In bài viếtTỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm cao nguyên Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng không chỉ với Tây Nguyên mà còn với cả nước, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia; tổng diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 478.940 ha, đất lâm nghiệp là 598.609 ha; có 15 đơn vị hành chính cấp huyện (13 huyện, 01 thị xã và 01 thành phố); gồm 44 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 31,39% dân số toàn tỉnh và cư trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn.
Cây cao su được trồng ở Đắk Lắk từ những năm 1920.
Hơn 10 năm trước đây, tỉnh đã từng dự kiến quy hoạch trồng khoảng 100.000 ha,
tuy nhiên do giá mủ xuống quá thấp, người dân không còn mặn mà đã chuyển sang
trồng, phát triển một số cây công nghiệp khác được giá hơn như: cà phê, hồ tiêu…
Cái vòng luẩn quẩn “trồng - chặt ” nghĩa là trồng rồi lại chặt, rồi lại trồng,
rồi lại chặt để thay thế bằng các cây trồng khác theo lợi nhuận thị trường… đã
liên tục xảy ra ở Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Hiện nay, theo báo
cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, diện tích cao su ở Đắk
Lawsk đã ổn định trong khoảng 24.000 ha, do 3 công ty (thuộc Tập đoàn Cao su
Việt Nam) quản lý. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang tiến hành
khảo sát, lập dự án để chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su với diện tích
khoảng 30.000ha. Kết quả khảo sát cho thấy, cây cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
thường phát triển ở vùng sâu, vùng xa, biên giới-nơi có đông đồng bào dân tộc
thiểu số sinh sống, vì thế việc huy động đồng bào tại chỗ tham gia sản xuất cây
cao su là một trong những giải pháp mà các công ty cao su đang thực hiện. Xuất
phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của Đắk Lắk có thể thấy, huy động nguồn nhân
lực các dân tộc thiểu số tham gia tích cực, hiệu quả vào quá trình sản xuất cây
cao su có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các công ty cao su trên địa bàn đã tổng
kết và rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là: phải thực sự coi trọng và làm tốt công tác sử dụng lao động tại chỗ làm
công nhân của các công ty cao su, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực dân tộc
thiểu số tại chỗ với một tỷ lệ thích hợp để đồng bào tham gia một cách thực sự
và tích cực vào sản xuất cây cao su. Đây cũng là một trong những mục tiêu đặt ra
đối với việc phát triển cây cao su ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số
sinh sống.
Thực tế cho thấy, bước đầu vận động người dân tộc thiểu số vào làm trong nông
trường là rất khó khăn. Giai đoạn mới vào làm, đồng bào chưa quen với những quy
định chặt chẽ, mang tính kỹ thuật, nên phải tác động từ từ, đưa vào quy chế để
quen dần. Quan điểm là phải giữ được đồng bào, không theo tư tưởng không làm
được thì thay; chấp nhận thực tế về trình độ phát triển, tập quán, thói quen,
nhận thức của đồng bào để có các tác động thay đổi... Đó là việc khó nhưng phải
kiên trì và làm bằng được, vì hậu quả của việc không sử dụng lao động tại chỗ sẽ
rất khó lường, không chỉ tác động đến hiệu quả kinh tế, sự an toàn, ổn định của
các công ty đang đứng chân trên địa bàn, mà còn ảnh hưởng lớn đến an ninh chính
trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương. Nông trường Cour Đăng là điển hình
ở Đắk Lắk với 98% công nhân là người dân tộc thiểu số.
Hai là: giải quyết hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài cho đồng bào tham gia
trồng, phát triển cây cao su một cách minh bạch, kịp thời, đầy đủ và có trách
nhiệm. Minh bạch về chính sách, chế độ người dân được hưởng, có giao kết hợp
đồng rõ ràng trong đó xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm; kịp thời giải quyết
đủ các chế độ, chính sách (tiền đền bù, tiền công, lương, thưởng… và các lợi ích
liên quan khác) đúng thời điểm, đúng cam kết, phù hợp với nhu cầu cuộc sống để
kích thích sự tin tưởng, gắn bó của người lao động, không để tình trạng dây dưa,
kéo dài, tránh phải qua nhiều khâu trung gian.
Cùng với giải quyết các lợi ích nêu trên, một số công ty cao su trên địa bàn Đắk
Lắk đã làm tốt việc đảm bảo đời sống cho người lao động như bố trí xây dựng khu
dân cư, nhà ở cho công nhân, “gom dân lập bản, hình thành tụ điểm dân cư mới” để
sản xuất kinh doanh như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang làm. Xây dựng và thông
qua quỹ công đoàn hỗ trợ đời sống cho công nhân (xây tặng nhà ở, cho vay lãi
suất thấp để công nhân sửa nhà); cùng với địa phương xây dựng kết cấu hạ tầng,
tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương tham gia sản xuất, giao lưu
trao đổi hàng hoá.
Một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su tại Đắk Lắk còn tích cực tham gia cùng
chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn trật tự an
ninh trên địa bàn; khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; tổ chức
các hoạt động xã hội, sinh hoạt văn hóa, giao lưu thể thao, nâng cao mức hưởng
thụ tinh thần cho công nhân… Từ đó, tạo dựng được niềm tin của cộng đồng; sự ủng
hộ, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và sự an tâm, phấn khởi của lực
lượng thanh niên khi làm công nhân. Ngoài ra, các công ty cao su tại Đắk Lắk còn
quan tâm đến bảo vệ môi trường, chú trọng xây dựng hệ thống thoát lũ từ rừng cao
su, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra.
Đồng hành, chia sẻ lợi ích, tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của người dân chính là
yếu tố quan trọng tạo dựng và gắn bó đồng bào với các công ty cao su. Đây trở
thành nguyên tắc và là hành động quan trọng cần được thực hiện tốt nếu các công
ty muốn thu hút, nhận được sự ủng hộ và giữ được đồng bào lâu dài trong quá
trình sản xuất cây cao su.
Ba là: làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhằm từng bước thay đổi nhận thức,
thói quen để đồng bào dần thích nghi với cách làm mới. Đắk Lắk là tỉnh có nhiều
vùng địa lý khác nhau và nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Mỗi vùng, mỗi
dân tộc lại có những đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, đặc biệt là
ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng... Vì thế để thực hiện mục tiêu của tuyên truyền
là: Thông tin - Giáo dục và vận động đồng bào - Tổ chức đồng bào tham gia hành
động, nhiều đơn vị sản xuất cao su đã yêu cầu đội ngũ cán bộ phải hiểu được ngôn
ngữ, phong tục tập quán, văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số tại chỗ,
từ đó đưa ra các loại hình, ngôn ngữ tuyên truyền phù hợp, lồng ghép tuyên
truyền trong các lễ hội và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng ở các địa điểm thường
diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Bài học kinh nghiệm cho sự thành công trong công tác tuyên truyền vận động tại
Nông trường Cour Đăng, nơi có 98% công nhân là người dân tộc thiểu số đó là:
Phải thấu hiểu từng công nhân, thấu hiểu đồng bào để có giải pháp tác động; tìm
ra các cán bộ tâm huyết với nghề, tâm huyết với người dân tộc thiểu số, đặc biệt
là xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ để họ là hạt
nhân tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, tập hợp lao động; là sợi dây
kết nối giữa đơn vị sản xuất với đội ngũ công nhân và đồng bào các dân tộc địa
phương.
Phương châm mà các đơn vị sản xuất cây cao su trên địa bàn Đắk Lắk xác định
trong công tác tuyên tuyền, vận động nâng cao nhận thức cho đội ngũ công nhân và
người dân tộc thiểu số là phải kiên trì, thường xuyên, liên tục, là quá trình
lâu dài, không nóng vội và không thể không làm.
Bốn là: chú trọng đào tạo, xây dựng lực lượng lao động, đặc biệt là lực lượng
lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ tham gia vào mọi quá trình, khâu công
việc, từ cán bộ quản lý đến cán bộ kỹ thuật và lực lượng công nhân. Sản xuất cây
cao su không quá yêu cầu cao về học vấn, người chưa biết chữ cũng có thể tham
gia. Tuy nhiên không vì thế mà công tác đào tạo, xây dựng lực lượng lao động bị
xem nhẹ. Hầu hết các công ty cao su đều có kế hoạch, giải pháp dài hạn, với các
bước đi phù hợp, không nóng vội trong việc huy động, đào tạo và sử dụng nhân lực
là người dân tộc thiểu số. Kết hợp vừa nâng cao trình độ tay nghề, vừa làm quen
với tác phong, kỷ luật lao động để đồng bào từng bước thích nghi với yêu cầu sản
xuất. Đối với lao động trồng, chăm sóc nên đào tạo thực hành, hướng dẫn kỹ trên
thực tế; chủ yếu là cầm tay chỉ việc. Đội ngũ giảng viên, hướng dẫn viên nên là
người dân tộc thiểu số tại chỗ để giải quyết bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa.
Đối với công nhân kỹ thuật, cán bộ quản lý cần được đào tạo theo quy trình, nên
có sự bố trí xen kẽ giữa cán bộ là người dân tộc và cán bộ người Kinh; cán bộ có
kỹ thuật và kinh nghiệm với cán bộ còn yếu để kèm cặp. Nên đào tạo số lượng
nhiều hơn so với nhu cầu, nhất là lao động kỹ thuật làm thợ cạo, vì đặc điểm của
người dân tộc thiểu số chưa phù hợp với tác phong sản xuất công nghiệp, kỷ luật
lao động cao, cần có lao động dự phòng thay thế. Phải xây dựng đội ngũ công nhân
lành nghề, đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ, tâm huyết, trong đó có tỷ lệ hợp
lý là người dân tộc thiểu số.
Năm là: lựa chọn và kết hợp hài hòa giữa các hình thức sử dụng lao động. Nhiều
đơn vị sản xuất cây cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giao khoán với
hình thức mỗi 1 hộ gia đình có 1 người tham gia làm công nhân, có thể thay đổi
cho người trong nhà khi bất khả kháng để ổn định. Với cách làm này đã tạo điều
kiện cho việc sử dụng lao động gia đình cùng tham gia sản xuất cây cao su một
cách hợp lý, hiệu quả; các hộ chủ động trong việc bố trí số lượng, thời gian,
thời điểm lao động một cách phù hợp, dung hòa được nhu cầu lao động sản xuất cao
su với lao động sản xuất nương rẫy của gia đình. Với cách làm này, việc sản xuất
cây cao su vẫn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật, năng suất, sản lượng ổn định đồng
thời các hộ gia đình còn có thể phát triển kinh tế, đời sống thông qua các hoạt
động khác ngoài cây cao su.
Sáu là: cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là tổ chức Đảng,
chính quyền và đoàn thể địa phương. Mặc dù trách nhiệm huy động nhân lực thuộc
về các đơn vị sản xuất kinh doanh cây cao su, tuy nhiên để công việc này được
thực hiện một cách hiệu quả, sự tham gia của các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn
thể của địa phương là rất quan trọng. Bài học kinh nghiệm của Đắk Lắk cho thấy,
sự vào cuộc của hệ thống chính trị sẽ vừa tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất
cây cao su trong việc huy động, đào tạo và sử dụng nhân lực, đồng thời còn định
hướng, điều chỉnh, tác động đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su trong
việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động khi tham gia sản xuất cây
cao su.
Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban
nhân dân tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục quán triệt giúp bà con các dân tộc thiểu số
thấy được lợi ích và nhiệt tình ủng hộ trồng cây cao su. Cần có có chính sách hỗ
trợ để đảm bảo quyền lợi cho bà con. Các công ty cao su ở Đắk Lắk thuộc Tập đoàn
Công nghiệp cao su Việt Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn và ưu tiên tuyển
dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân và nhận
chăm sóc bảo vệ vườn cây cao su nhằm giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, cải
thiện đời sống và tăng thu nhập. Đồng thời, quan tâm đến phong tục, tập quán
sinh hoạt, canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, phổ biến và
có những ứng xử phù hợp, tạo được sự đồng thuận, cùng mang lại lợi ích cho các
bên. Đây là cơ sở, là tiền đề để Đắk Lắk có những quyết sách, hướng đi đúng và
tạo động lực để tỉnh phát triển nhiều mô hình Nông trường cao su bền vững, đạt
hiệu quả cao hơn nữa trong những năm tới.
TS. Nguyễn Cao Thịnh