Kết quả xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nguyên
10:48 25/03/2013 Lượt xem: 745 In bài viếtVùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắc Nông và Lâm Đồng, là địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng của đất nước. Tại 5 tỉnh Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 35,3% dân số (theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở, ngày 1/4/2009) và đều là các tỉnh có số các dân tộc thiểu số cao trong cả nước (Kon Tum 41/54 dân tộc, Gia Lai 37/54 dân tộc, Đắk Lắk 46/54 dân tộc, Đắk Nông 39/54 dân tộc, Lâm Đồng 42/54 dân tộc).
Kết luận 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị
về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) phát triển
vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020 đánh giá: Sau gần 10 năm triển khai thực hiện
Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách khác của Đảng
và Nhà nước, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý
nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng
thấp, cơ cấu lạc hậu đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với
quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập, đời sống vật chất, tinh
thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã
được tập trung giải quyết, nhất là về đất, nhà ở, việc làm, xóa đói giảm nghèo ở
vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cụ thể: GDP năm 2010 tăng 2,8 lần so với năm 2001, đạt mức tăng bình quân 11,9%/năm;
năm 2011 tăng trưởng 13,52%; quí I/2012 tăng 12,8%; thu nhập bình quân đầu người
tăng nhanh, từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) lên 20,37 triệu đồng (năm 2011).
Hạ tầng nông thôn có bước phát triển khá, 91% số xã có đường ô tô đến trung tâm
đi được cả hai mùa; đường giao thông nông thôn đã đến hầu hết các buôn làng, kể
cả vùng sâu, biên giới; 98% buôn, làng có điện lưới quốc gia, 92% số hộ được
dùng điện; 68% hộ được dùng nước sạch; 95% số xã có báo viết đến trong ngày;
trên 91% buôn làng và 87% số hộ dân tộc thiểu số tại chỗ đã định cư, định canh (có
trên 66,5% số hộ định canh định cư vững chắc). Tây Nguyên đã cơ bản xóa được
tình trạng thiếu đói trong vùng dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 giảm
3,42% (còn 19,06%), đến quý I/2012 còn 18,92%; riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu
số trong năm 2011, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 44,9% xuống còn 40,5%-một kết quả
rất có ý nghĩa trong bối cảnh, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn. Riêng
tỉnh Kon Tum (tỉnh khó khăn nhất trong vùng), năm 2011 cũng đã giảm gần 5.000 hộ
nghèo, trong đó có hơn 4.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; tỷ lệ giảm
nghèo bình quân chung là 5%, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 27,91%. Đặc
biệt, tại 2 huyện thuộc Chương trình 30a, mỗi huyện giảm tới 10% hộ nghèo.
Để xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, các tỉnh trong vùng đã thực
thi nhiều giải pháp. Tại tỉnh Lâm Đồng, chính quyền địa phương đẩy mạnh thực
hiện các Chương trình mục tiêu của Chính phủ như: 134, 135; tập trung hỗ trợ hộ
nghèo dân tộc thiểu số các chính sách phát triển sản xuất, chuyển đối cơ cấu cây
trồng, vật nuôi, giao đất, giao rừng…trên cơ sở tiến hành rà soát, phân loại các
hộ để xem xét ưu tiên các nội dung cần hỗ trợ trước. Phương châm của tỉnh là làm
cuốn chiếu, hộ nào thực sự nghèo, thực sự muốn thoát nghèo thì đầu tư trước.
Những hộ còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại thì phân công các đoàn thể vào cuộc vận
động đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Với tỉnh Đắk Nông, ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách
của Chính phủ, đã ban hành thêm các chính sách đặc thù với điều kiện thực tế của
địa phương như: chọn 12 buôn trọng điểm để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội; rà
soát quy hoạch các buôn đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững tới năm
2015; đẩy mạnh xã hội hóa, vận động người dân cùng họ hàng và cộng đồng xóa đói
giảm nghèo theo phương châm giải quyết tận thôn, buôn nơi người nghèo sinh sống…
Ngoài ra, còn vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện mục tiêu xóa đói giảm
nghèo…
Đối với tỉnh Đắk Lắk, công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
đã tập trung vào việc xóa nhà tạm. Trên địa bàn tỉnh, số đối tượng cần được hỗ
trợ xóa nhà tạm theo các Chương trình 134, 167 là trên 28.500 căn, trong đó
riêng Chương trình 167 có hơn 13.000 căn. Rút kinh nghiệm từ Chương trình 134,
tỉnh đã có nhiều biện pháp mới trong tổ chức thực hiện. Một là có chuyên đề
riêng để huy động nguồn lực cho xóa nhà tạm. Thông qua Quỹ "Vì người nghèo",
hàng năm tỉnh tổ chức Chương trình “Chung tay vì người nghèo” vận động các doanh
nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo làm nhà với mức tối thiểu mỗi căn 1 triệu
đồng. Trong 4 lần tổ chức “Chung tay vì người nghèo”, Đắk Lắk đã huy động được
trên 60 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo. Hai là, kinh phí hỗ trợ làm nhà
cho hộ nghèo không giao cho Ủy ban nhân dân các huyện như trước đây, mà giao
trực tiếp đến hộ nghèo để họ chủ động thời gian, quy mô nhà. Cách làm này được
đồng bào ủng hộ và bà con đã phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện rất
tốt. Ba là, giao cho các địa phương chủ động vận động doanh nghiệp đóng trên địa
bàn huyện, tỉnh, ngoài tỉnh thực hiện xã hội hóa kinh phí làm nhà cho hộ nghèo.
Một số địa phương đã thực hiện tốt chủ trương này, như: thành phố Buôn Ma Thuột
và huyện Cư Kuin. Ngoài ngân sách chung của Chính phủ và tỉnh, huyện, thành phố
hỗ trợ thêm 3 triệu đồng/căn, nên nhà của Chương trình 167 đảm bảo hơn về chất
lượng. Bằng những giải pháp đó, Đắk Lắk đã hoàn thành Chương trình 167 sớm trước
2 năm trong giai đoạn 2006-2010.
Tỉnh Gia Lai lại chọn cách xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc
thiểu số nghèo bằng cách thu hút một lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số ít
người vào làm công nhân trong các nông trường, công ty chuyên canh cây cao su và
cà phê. Trong số 24 ngàn công nhân cao su, có gần 10 nghìn công nhân là đồng bào
dân tộc; 12% công nhân nông trường cà phê là người dân tộc thiểu số. Hầu hết số
công nhân này có thu nhập và cuộc sống khá ổn định…
Mỗi địa phương, mỗi cách làm khác nhau nhưng đã đem lại những hiệu quả nhất định
trong công tác xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên,
công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, vùng đồng
bào dân tộc thiểu số nói riêng còn gặp nhiều khó khăn: Tiềm lực, trình độ phát
triển đang ở mức thấp; quy mô kinh tế nhỏ và cơ bản vẫn dựa vào sản xuất nông
nghiệp vốn cũng luôn phụ thuộc vào tự nhiên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm;
kết cấu hạ tầng yếu kém và chưa đồng bộ, nhất là về giao thông; chất lượng nguồn
nhân lực thấp, công tác xóa đói giảm nghèo chưa căn cơ và thiếu vững chắc...
Tây Nguyên là địa bàn giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã
hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Mục tiêu được xác
định của thời kỳ 2011-2020 là xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm,
có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước; có tốc độ tăng
trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc; nâng cao đời sống văn hóa, trình
độ dân trí của đồng bào các dân tộc; bảo đảm an sinh xã hội; sớm đưa nông thôn
Tây Nguyên thoát ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, tiến tới phát triển bền
vững.
Phải khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho
Tây Nguyên và vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các Chương trình mục tiêu
quốc gia như: 30a, 135, 134… Tuy nhiên, qua thực tiễn chỉ đạo, các địa phương
đều cho rằng, các chính sách còn chồng chéo, nguồn lực phân tán, dàn trải, dẫn
đến hiệu quả chưa cao, thiếu bền vững. Lãnh đạo các tỉnh trong vùng đề nghị
Chính phủ cần rà soát, đánh giá hiệu quả các chương trình mục tiêu; trên cơ sở
đó, tập trung lại các đầu mối, giao cho một bộ, ngành chức năng chỉ đạo sẽ tạo
thuận lợi trong tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả của các chính sách. Chính
phủ cần xác định chính sách sàn và chính sách đặc thù. Chính sách sàn là dành
cho tất cả các hộ nghèo đều được hưởng; chính sách đặc thù dành ưu tiên cho
những vùng khó khăn nhất-nơi đồng bào thiệt thòi nhất trong cơ hội tiếp cận kiến
thức giảm nghèo, dịch vụ công… Khi có chính sách đặc thù, các cấp chính quyền sẽ
xác định được trọng tâm, trọng điểm để ưu tiên đầu tư, đề ra được các biện pháp
phù hợp với những đối tượng nghèo hơn, khó khăn hơn, cũng là cơ hội để các dân
tộc thiểu số thu hẹp dần chênh lệch về mức sống.
Một yêu cầu đặt ra trong giải quyết đói nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số
là phải mang tính khoa học. Muốn vậy, các giải pháp giảm nghèo đề ra phải dựa
trên kết quả điều tra cụ thể đồng bào thiếu gì, cần gì. Nếu không xác định cụ
thể nguyên nhân đói nghèo ở từng cộng đồng, từng dân tộc thì mọi can thiệp của
Nhà nước đều đứng trước nguy cơ lãng phí. Đối với Tây Nguyên, cần tập trung giải
quyết căn bản vấn đề đất đai, ưu tiên giải quyết đủ đất cho các hộ dân tộc thiểu
số thiếu đất, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất; thực hiện tốt
chính sách ưu đãi tín dụng; đẩy mạnh khuyến nông, khuyến lâm, giao đất giao rừng;
phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu về điện, đường, trường, trạm…; chú trọng xây
dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo chuyên nghiệp. Ở các xã
nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên, cần bố trí 1 cán bộ chuyên về xóa đói
giảm nghèo được ngân sách địa phương hỗ trợ tiền lương …
Với các giải pháp đồng bộ như vậy, công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào
dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên sẽ chuyển biến tích cực hơn nữa, phấn đấu thực
hiện mục tiêu đến năm 2015, giảm số hộ nghèo xuống còn 3%, đối với đồng bào dân
tộc thiểu số giảm xuống còn 7-8%.
Nguyễn Quang Hải