Pả Chương người trưởng bản hết lòng vi dân bản
03:02 11/04/2013 Lượt xem: 332 In bài viếtTừ trụ sở xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi theo con đường khúc khuỷu đến bản 8 tìm gặp Trưởng bản Pả Chương, ông nở nụ cười thân thiện, mời chúng tôi vào nhà, rồi giới thiệu về bản: Bản 8 là nơi sinh sống của 48 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều. Từ bao đời nay, người dân sống chủ yếu nhờ vào rừng, họ khai thác rừng để bán kiếm sống qua ngày, đốt rừng làm rẫy, rừng bị khai thác bừa bãi. Một số hộ gia đình nuôi lợn, gà, trâu, bò, trồng lúa, trồng ngô... nhưng phương thức canh tác đơn giản, thiếu vốn, thiếu khoa học-kỹ thuật nên năng suất thấp, sản phẩm chỉ đủ phục vụ sinh hoạt của gia đình một cách dè sẻn. Vì vậy người dân quanh năm làm vất vả nhưng đời sống kinh tế vẫn nghèo đói, trình độ dân trí thấp, trẻ em thì mù chữ.
Làm gì và làm bằng cách nào để gia đình và dân bản
xóa được đói nghèo, từng bước vươn lên làm giàu, đó là điều Pả Chương luôn băn
khoăn, trăn trở. Ông biết rằng, muốn dân bản phát triển kinh tế họ phải thấy
được hiệu quả thì mới tin và làm theo, ông đã cùng gia đình và anh em trong họ
làm trước. Được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và
được tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương
khác, ông đã đầu tư tiền vốn, công sức khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế
ở bản mình. Ông trồng lúa, trồng các cây ngô, đậu, sắn. Năm 2003, Nhà máy chế
biến tinh bột sắn được xây dựng tại xã Thuận hoàn thành và đưa vào sử dụng, gia
đình ông đã đầu tư tiền thuê máy cày khai hoang 3 ha đất để trồng sắn nguyên
liệu bán cho nhà máy, mỗi năm cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Cùng với sản xuất
cây lương thực, tận dụng địa hình có nhiều đồi bãi và nguồn thức ăn dồi dào, gia
đình ông đã đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê. Nhờ thay đổi tập quán chăn
nuôi theo đúng kỹ thuật, nên đàn gia súc của gia đình ông đã đem lại hiệu quả
kinh tế cao.
Không chỉ biết làm giàu cho gia đình từ tiềm năng, lợi thế của quê hương, với
trách nhiệm của người trưởng bản, ông hết lòng giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh
khó khăn, vận động bà con trong bản tăng gia sản xuất, làm kinh tế xoá đói, giảm
nghèo. Để bà con không phá rừng làm nương rẫy, ông đã hướng dẫn nhân dân bà con
làm thuỷ lợi đưa nước về khai phá ruộng. Ông đến từng nhà thông báo cho người
dân đi học các lớp tập huấn về khuyến nông, hướng dẫn cho bà con thâm canh bằng
giống lúa mới, trồng cây sắn, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc để tận dụng phân
chuồng bón ruộng. Nhờ vậy mà hạn chế được nạn phá rừng, một số hộ chịu khó lao
động và vận dụng cách làm ăn mới đã trở nên khá giả, làm gương cho nhiều hộ khác
học tập. Đồng thời ông vận động bà con vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội
để phát triển sản xuất. Thấy Pả Chương ngày ngày bón phân, nhặt cỏ chăm sóc
những sào ruộng mới vỡ hoang vẫn dư dật lương thực, dân bản càng nể trọng người
Trưởng thôn biết bám đất làm ra của cải. Phong trào làm kinh tế lan tỏa trong
thôn, trở thành thôn có đời sống sinh hoạt và kinh tế ngày càng vững chắc.
Chia sẻ về công việc của Trưởng bản, ông nói: Cái khó là làm sao tạo được sự
đồng thuận của bà con trong các công việc của bản. Với suy nghĩ đó ông thường
xuyên đến với các hộ gia đình khó khăn để nắm bắt tâm tư, tình cảm, tìm hiểu
nguyên nhân đói nghèo và tìm biện pháp giúp đỡ, động viên kịp thời. Khi bản được
hỗ trợ vay vốn, cây con giống, ông họp dân để bình xét, công khai lập danh sách
số hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ. Bất cứ chủ trương mới nào về tới địa phương,
ông đều tìm hiểu kĩ, đồng thời gặp các trưởng họ có uy tín để tuyên truyền, vận
động dân bản chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà
nước.
Đi một vòng quanh bản, trò chuyện với bà con, ai ai cũng khen ngợi trưởng bản Pả
Chương làm kinh tế giỏi và hết lòng giúp đỡ người dân. Pả Bun - một người dân
trong bản, cởi mở: Trước đây người dân bản mình không biết làm kinh tế, nay bản
mình có người trưởng bản tận tình hướng dẫn, giúp đỡ bà con cách làm kinh tế. Cứ
sáng sáng, Pả Chương cùng mọi người trong bản gọi nhau đi làm ruộng, Pả Chương
hướng dẫn mọi người cách trồng lúa nước, gieo mạ, trồng ngô, sắn… rồi phân chia
người đi kiểm tra trâu, bò ở bãi chăn thả của bản. Nói rồi Pả Bun dẫn chúng tôi
đi xem bãi thả trâu, bò của bản. Nhà Pả Chương nhiều nhất, 18 con bò, 6 con trâu,
20 con dê. “Góc kia là con trâu của nhà Pả Hơn”. “Chắc nhà Pả Hơn có gì đặc biệt
nên Pả Bun mới đề cập đến?”, “Cách đây vài năm nhà Pả Hơn nghèo lắm, gia đình có
7 miệng ăn nhưng không có ruộng, trâu bò đâu”, “Nhà Pả Hơn không có ruộng thì
trồng lúa ở đâu?”, “Pả Chương đã thuyết phục mọi người cùng nhau khai khẩn ruộng
mới để giúp nhà Pả Hơn có ruộng cấy và cho vay con nghé mới đẻ để nuôi, đến nay
gia đình nhà Pả Hơn đã thoát được đói nghèo, đã có của ăn của để”.
Không chỉ giúp đỡ bà con cách làm kinh tế, Pả Chương còn luôn quan tâm đến sức
khoẻ của người dân. Trước đây nhiều người ốm đau mà không biết đến bệnh viện vì
nhà nghèo và ngại đường sá xa xôi, đi lại khó khăn. Có người bị sốt rét, bà con
cho rằng bị con ma rừng làm hại nên mời thầy mo đến cúng nhưng vẫn bị chết. Giờ
đây mỗi khi người dân ốm đau được Pả Chương mời y tá đến tận nhà khám và điều
trị, trường hợp nặng thì Pả Chương bố trí thanh niên khiêng cáng ra trạm y tế xã
hoặc bệnh viện để điều trị. Nhờ đó bệnh tật ít dần, không còn có người chết do
bệnh sốt rét nữa, nên bà con rất tin, nghe và làm theo lời khuyên của Pả Chương.
Ngoài ra, Pả Chương còn vận động bà con di dời chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi
gầm nhà sàn; thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, khơi
thông cống rãnh, vệ sinh đường làng ngõ xóm, nhắc nhở bà con thực hiện ăn chín
uống sôi, đêm ngủ mắc màn.
Trưởng bản Pả Chương phấn khởi nói: “Bây giờ ở bản các công trình phụ đều đúng
tiêu chuẩn. Bản đã có nhà trẻ, nhà văn hóa, trẻ con được tiêm chủng đầy đủ, đi
học được trợ cấp nên ở bản không có chuyện trẻ em bỏ học về làm nương rẫy đâu.
Cuộc sống của dân bản nay đã no đủ hơn trước, tất cả là nhờ sự quan tâm của Đảng,
Nhà nước đấy”.
Từ một thôn nghèo, nhiều hộ thiếu đói 3-6 tháng/năm, nay nhờ sử dụng vốn Ngân
hàng Chính sách xã hội đúng mục đích, được sự hướng dẫn về phương thức phát
triển kinh tế của trưởng bản Pả Chương nên nhiều gia đình đã thoát cảnh đói
nghèo, biết phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Trưởng bản luôn được bà con trong bản tin yêu và quý mến, lo công việc của bản
như việc của gia đình, thường xuyên quan tâm và tạo mọi điều kiện giúp mọi hộ
dân trong thôn bản cùng vươn lên xoá đói giảm nghèo hiệu quả, góp phần làm cho
đời sống kinh tế của bà con dân bản và bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa ngày
một khởi sắc.
Hoàng Đức