Điện về Tây Nguyên

08:49 11/04/2013 Lượt xem: 422 In bài viết

Đồng loạt được khởi công tại các tỉnh trong năm 2008, dự án đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), cấp ủy, chính quyền và bà con các dân tộc nơi dự án được thực hiện nên tiến độ luôn đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Các hạng mục đường dây trung, hạ áp, trạm biến áp được các nhà thầu thi công khẩn trương. Đường dây kéo tới đâu, Điện lực các tỉnh tập trung nhân lực tiến hành lắp đặt công tơ và mạng điện trong nhà cho các hộ dân đến đó, đảm bảo khi hạng mục công trình được nghiệm thu đóng điện thì bà con có điện ngay để dùng.

Khó có thể tả hết niềm vui của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk trong dịp kỷ niệm 63 năm ngày Quốc khánh 2/9/2008. Đúng vào ngày này, dự án đã chính thức đóng điện. Điện về sáng khắp núi rừng, cuộc sống của đồng bào sang trang mới, không còn có cảnh đèn dầu leo lét như trước nữa. Sự khởi đầu tốt đẹp đó đã đánh dấu chuỗi thành quả liên tục sau đó của dự án. Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc năm 2009, thêm hàng trăm hộ dân ở 61 thôn, buôn đã được hưởng một cái Tết sum vầy, ấm cúng trong ánh điện lung linh.

Đầu năm 2010, Lâm Đồng đã trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành kéo điện về 100% (475/475) thôn, buôn chưa có điện trong dự án. 4 tỉnh còn lại đều hoàn thành trên 92%. Tuy vậy, vẫn còn 94 thôn, buôn chưa thể kéo điện do những khó khăn về địa hình, do phải di dời tránh bão. Sự thiệt thòi này của đồng bào càng thôi thúc Điện lực các tỉnh phải khắc phục khó khăn, bằng mọi cách kéo điện về với đồng bào. Đến tháng 1/2011, 100% thôn, buôn (852 thôn, buôn) của 5 tỉnh đã được đóng điện cũng như lắp đặt công tơ cho các hộ dân trong vùng dự án.

Điện về đến đâu, niềm vui của bà con các dân tộc ở 5 tỉnh Tây Nguyên càng được nhân lên tới đó, bởi lẽ dự án này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, không nhằm mục đích kinh doanh mà chủ yếu là thực hiện nhiệm vụ chính trị, thể hiện sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cho khu vực vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh của Tổ quốc, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của vùng, thu hẹp khoảng cách với các vùng nông thôn khác và với khu vực thành thị.

Mừng hơn là từ ngày có điện, đời sống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã đổi thay rõ rệt. Lãnh đạo xã miền núi đặc biệt khó khăn Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: Hầu như nhà nào trong xã cũng đã mua sắm các thiết bị điện dân dụng phục vụ sản xuất và đời sống như tivi, đài, quạt, nồi cơm điện. Hơn nữa, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thức của bà con được nâng lên đã giúp cho địa phương gặp nhiều thuận lợi trong chỉ đạo phát triển kinh tế hộ gia đình.

Già làng Rơ Chăm Jú ở xã Ia Ka, huyện Chư Păh nói trong niềm vui: Trước đây vì không chủ động nước tưới nên bà con chủ yếu trồng cà phê mít-giống địa phương có khả năng chịu hạn cao nhưng năng suất thấp. Từ khi có điện, điều mà bà con vui cái bụng nhất là đã mua được máy bơm chủ động tưới vườn, do đó đã mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê Robutta có năng suất, chất lượng cao, thu nhập khá hơn. Bà con ơn Đảng, ơn Chính phủ lắm.

Niềm vui của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên được nhân lên gấp đôi khi Chính phủ quyết định thực hiện chính sách an sinh xã hội là hỗ trợ 30.000đ một tháng cho những hộ nghèo sử dụng dưới 50KWh. Với mức hỗ trợ đó, người nghèo vẫn được sử dụng điện dù kinh tế gia đình đang gặp khó khăn.

Ông Trần Đình Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung-đơn vị nhận trách nhiệm kéo điện cho 4/5 tỉnh trong vùng Tây Nguyên cho biết: đến nay, dự án đã kéo điện về cho 1.200 thôn, buôn với khoảng 116 nghìn hộ dân được hưởng lợi. Cùng với các chương trình đầu tư khác của Nhà nước, của tỉnh, hiện, toàn vùng Tây Nguyên đã có 54 huyện, thị xã, thành phố có điện. Tổng số xã của 5 tỉnh có điện là 349; 1.331 thôn, buôn; gần 63.000 hộ được sử dụng điện. Với một địa bàn chiến lược như Tây Nguyên, kết quả này đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần ổn định chính trị, củng cố quốc phòng-an ninh.

Phát huy kết quả đó và xuất phát từ thực tiễn hiện vẫn còn nhiều thôn, buôn đặc biệt khó khăn nơi hẻo lánh chưa có điện, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện dự án cấp điện giai đoạn II (2011-2020) cho các tỉnh Tây Nguyên. Hy vọng trong tương lai gần, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc trên địa bàn, giai đoạn II của dự án sẽ được triển khai thuận lợi, đưa điện về sáng khắp Tây Nguyên.

Hải Liên