Hiệu quả từ nguồn vốn giảm nghèo ở Trà Cú

10:21 25/03/2013 Lượt xem: 407 In bài viết

Thấy được những khó khăn đó, để giúp Trà Cú tìm hướng đi mới trong việc xóa nghèo bền vững, năm 2010, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh đã tổ chức triển khai Kế hoạch số 1459 ngày 28/7/2010 nhằm nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2010-2013, tại ba xã Ngọc Biên, Tân Sơn và An Quảng Hữu của huyện Trà Cú. Mục tiêu của Dự án là cung cấp nguồn vốn từ 6-7 triệu đồng/hộ để giúp những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu vốn sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Thời hạn vay vốn là 3 năm, không tính lãi. Sau 3 năm nếu thoát nghèo bền vững, nguồn vốn đó sẽ tiếp tục chuyển cho hộ nghèo khác.

Gia đình anh Thạch Là ở ấp Tha La xã Ngọc Biên hai năm trước thuộc diện nghèo của xã. Nghèo không vì thiếu đất sản xuất hay không chăm chỉ làm mà vì thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Khi có nguồn vốn của Dự án, gia đình anh đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua phân bón. Anh Thạch Là cho biết việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của gia đình: Gia đình mình có 5 ha đất sản xuất, trước đây không có vốn đầu tư nên chỉ trồng 2 ha cà phê, do không có tiền mua phân bón nên năng suất vườn cà phê chỉ đạt 5 tạ/ha, cuộc sống gia đình với 7 miệng ăn hết sức khó khăn, năm mất mùa thiếu đói ba, bốn tháng, phải vào rừng lấy củi bán kiếm tiền mua gạo chống đói. Khi có vốn mình đã mở rộng diện tích trồng cà phê, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, có phân bón nên cây phát triển nhanh, năng suất vườn cà phê đạt 2 tấn cà phê nhân/ha/năm. Ngoài ra, vụ vừa rồi mình còn thu được 15 triệu đồng từ bán ngô lai, mì, gia đình đã mua thêm bò để chăn nuôi. Từ nguồn vốn tạo đà ban đầu, sau gần hai năm sản xuất, gia đình anh đã trả được nợ, thoát được cái nghèo, cái thiếu thốn, đang vươn lên làm giàu.

Còn với anh Thạch Sa Rang rất phấn khởi vì được hỗ trợ 7 triệu đồng, anh mua một con bò, sau 6 tháng nuôi, anh bán bò được 14 triệu và mua 2 con bê, số tiền còn lại cộng thêm vốn tích luỹ anh mua 500m2 đất để trồng cà phê, bước đầu đã giải quyết được những khó khăn cho gia đình, anh Thạch Sa Rang nói trong vui mừng: “Ngày trước gia đình không có đất sản xuất, quanh năm chỉ biết làm thuê, làm mướn, cuối năm 2010 được Dự án hỗ trợ vốn, gia đình mình có được vốn sản xuất như hiện nay mình mừng lắm, vì vậy mình phải chịu khó làm để có của ăn, của để”. Cũng như Thạch Là, Thạch Sa Rang, anh Thạch Minh cho biết, mấy năm nay được vay vốn từ Dự án, gia đình anh đã mua heo về nuôi, bây giờ trong chuồng đã có 25 con heo nái và heo thịt, với số tiền tích lũy được từ bán heo, gia đình anh đã đầu tư trồng 3 ha cà phê và mở rộng diện tích trồng lúa, đến nay gia đình anh không còn trong danh sách hộ nghèo của thôn, của xã. Thạch Minh tâm sự: “Trước đây gia đình nghèo khó, mình không biết làm sao để thoát nghèo, từ những đồng vốn vay giờ cuộc sống gia đình đã ổn định rất nhiều”.

Không riêng gì hộ anh Thạch Là, Thạch Sa Rang và Thạch Minh, hầu hết các hộ được Dự án hỗ trợ đều có thu nhập khá và mở rộng quy mô sản xuất. Bà Trần Thị Hồng Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Biên, Trưởng ban Quản lý dự án của xã Ngọc Biên đánh giá hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ cho xã Ngọc Biên trong thời gian qua: Xã đã tổ chức xét chọn công khai, dân chủ, không có tình trạng người dân so bì, khiếu nại. Ban điều hành Dự án xã thường xuyên kiểm tra, giám sát và tư vấn cho người dân về phương thức sản xuất phù hợp để đồng vốn được đầu tư đúng mục đích, phát huy tác dụng. Khi hoàn thành dự án đảm bảo số hộ được hưởng lợi từ dự án sẽ thoát nghèo bền vững. Hầu hết những hộ được hỗ trợ vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, sản xuất phát triển. Những đất trống, đồi trọc trước đây giờ không ngừng được phủ kín bằng những vườn cà phê. Thực hiện Dự án Hỗ trợ vốn đã giúp nhiều hộ nghèo ở Ngọc Biên có điều kiện cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, đồng vốn được quay 2-3 vòng/năm. Ngoài ra, Hội Nông dân phối hợp với Trạm khuyến nông- khuyến ngư vận động đồng bào chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kỹ thuật, trình diễn các mô hình kinh tế hiệu quả tại thôn, buôn để bà con áp dụng vào sản xuất.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, một bộ phận người dân do trình độ thấp, nhận thức còn hạn chế, cho nên khi được vay vốn chưa mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, chỉ lo mua sắm phương tiện sinh hoạt trong gia đình, thậm chí có trường hợp khi vay vốn về không dám đầu tư làm ăn do sợ mất vốn không có tiền trả lại. Do đó, cần tăng cường trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác hướng dẫn, tư vấn cho đồng bào trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh và giám sát nguồn vốn vay. Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông - lâm - ngư xuống tận các thôn, buôn; trang bị kiến thức, hướng dẫn đồng bào cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Hoàng Đạt