Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các huyện miền núi Quảng Ngãi

02:55 11/04/2013 Lượt xem: 468 In bài viết

Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến năm 2011, trong toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 23.100 cán bộ, công chức, trong đó có 21 tiến sĩ và trình độ tương đương; 454 thạc sĩ; hơn 9.000 người có trình độ đại học; trên 6.000 người có trình độ cao đẳng và khoảng 6.500 người có trình độ trung cấp. Cũng từ khảo sát của Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, hơn một nửa số cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã ở sáu huyện miền núi có trình độ học vấn cấp tiểu học và trung học cơ sở. Điều này dẫn đến một hệ quả tất yếu là, việc tiếp cận, triển khai các chủ trương, chính sách, đặc biệt là những chương trình hỗ trợ dành cho các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn. Từ thực tế trên, thời gian qua, công tác này được lãnh đạo Quảng Ngãi có sự quan tâm đặc biệt. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đưa ra một chủ trương khá mạnh dạn và kịp thời là điều động, tăng cường cán bộ về công tác tại các huyện vùng cao. Nhiều cán bộ được bổ nhiệm, điều động, luân chuyển về công tác tại các huyện miền núi. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ và Thông báo số 127 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, trong 3 năm qua Quảng Ngãi đã có hàng trăm cán bộ được Ban Thường vụ các cấp bổ nhiệm, điều động, luân chuyển về công tác tại các huyện miền núi. Chỉ trong 2 năm 2009 và 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng đề án tăng cường hơn 60 cán bộ trưởng, phó phòng sở, ngành về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chuyên trách công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 30a về giảm nghèo nhanh, bền vững tại 6 huyện miền núi. Để tạo điều kiện thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, thu hút cán bộ về miền núi, tỉnh dành khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi. Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ tiền xăng xe, trợ cấp khó khăn tạo điều kiện để cán bộ được điều động, luân chuyển an tâm công tác. Năm qua, tỉnh đã tổ chức, tạo điều kiện cho hơn 150 sinh viên tốt nghiệp chính quy, trong đó có hàng chục sinh viên tình nguyện về công tác tại xã vùng cao đặc biệt khó khăn của sáu huyện miền núi.

Với những chính sách và công tác triển khai đào tạo cán bộ một cách khá hợp lý, đội ngũ cán bộ tại các huyện miền núi Quảng Ngãi ngày càng được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Lấy Trà Bồng là một minh chứng, theo số liệu chúng tôi tổng hợp được, năm 2007 số cán bộ được đào tạo các hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và các khóa bồi dưỡng kỹ năng là 34 người; năm 2008 là 175 người; năm 2009 là 134 người; năm 2010 lên tới 427 người. Chỉ tính riêng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ xã, thôn, bản từ năm 2008 đến nay là 67 lớp với 2.605 lượt cán bộ được tham gia đào tạo bồi dưỡng; trong đó tập huấn cho cán bộ thôn, bản xã là 23 lớp với 1.140 lượt cán bộ (250 cán bộ nữ, 890 cán bộ nam) được tham gia bồi dưỡng. Ngoài ra, việc bồi dưỡng, tập huấn cho cộng đồng là 44 lớp với 1465 lượt người tham gia.

Tại huyện Minh Long, việc luân chuyển cán bộ từ Sở Nội vụ về làm lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, công tác tiếp cận, triển khai các chủ trương, chính sách, đặc biệt là những chương trình ưu đãi dành cho huyện miền núi khó khăn như Chương trình 135, Chương trình 30a đạt hiệu quả cao. Nhiều năm liền, huyện Minh Long được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá là huyện miền núi dẫn đầu về công tác giải ngân vốn xây dựng cơ bản, thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Từ những nỗ lực mạnh mẽ, năm 2011 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã được chọn là một trong năm địa phương của cả nước triển khai thử nghiệm “Dự án thí điểm chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo”.

Đối với nhóm đối tượng là cán bộ xã, thôn, đã từng bước nắm vững các kiến thức quản lý, tổ chức thực hiện các dự án từ việc chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện, giảm thiểu sự sai sót ở mức thấp nhất, rút ngắn thời gian về lập thủ tục đầu tư. Các quy định về thủ tục đầu tư, giải ngân, thanh quyết toán chương trình, dự án đã được thực hiện ngày càng tốt hơn. Đến nay có 100% số xã cập nhật được kiến thức và kỹ năng từ các khóa tập huấn và ứng dụng vào thực tế.

Trong công tác đào tạo cán bộ cho các huyện miền núi Quảng Ngãi thời gian qua đã được triển khai thực hiện với nguồn vốn bố trí trong giai đoạn 2006-2010 là 13.282 triệu đồng, giải ngân lũy kế đến cuối tháng 10/2010 là 8.938 triệu đồng, đạt 67,29%; ước thực hiện lũy kế đến cuối tháng 12/2010 là 11.266 triệu đồng, đạt 84,82%. Đối với các hoạt động đào tạo cán bộ xã, thôn và cộng đồng, trong năm 20062007, việc tổ chức các khóa đào tạo do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các các đơn vị có chức năng chuyên môn trong tỉnh thực hiện như trường Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng cộng đồng, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh… Từ năm 2008 đến năm 2010, các hoạt động đào tạo được Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức thực hiện.

Trong 5 năm qua, Quảng Ngãi đã thực hiện đào tạo cho trên 5.500 lượt học viên là cán bộ các xã, thôn; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho trên 4.890 lượt người dân ở các nhóm cộng đồng và đào tạo nghề cho 476 thanh niên con hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tuổi từ 16 đến 25.

Tuy đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng công tác chính sách cán bộ đối với vùng miền núi Quảng Ngãi vẫn còn nhiều bất cập. Đó là các chính sách vẫn cho thấy chưa đủ lực hút để khuyến khích cán bộ tự nguyện đến công tác ở vùng miền núi. Đối với năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ xã, tuy thời gian qua có được nâng lên một bước, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ở một số nơi cán bộ xã còn nhiều bất cập, lúng túng trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc. Do đó, trong thời gian tới phải đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ xã, thôn; giúp cán bộ cơ sở nâng cao trình độ, đủ sức quản lý điều hành các chương trình, dự án phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Quảng Ngãi cần xây dựng một hệ thống tiêu chí cho đội ngũ cán bộ, để có thể căn cứ vào đó mà tuyển dụng đội ngũ cán bộ mới cũng như đào tạo lại lực lượng cán bộ đã được tuyển dụng. Ban Tổ chức Tỉnh ủy tăng cường hơn nữa việc phối hợp với Sở Nội vụ và các Ban Đảng bổ sung chỉ tiêu đánh giá cán bộ gắn với kết quả thực hiện công việc được giao theo hướng cụ thể, xác thực, rõ ràng, tránh chung chung, hình thức. Trên cơ sở đó, hướng dẫn các huyện miền núi của tỉnh triển khai rà soát, đánh giá đúng chất lượng từng loại cán bộ trên các mặt như: ý thức chính trị, đạo đức, lối sống và thái độ phục vụ nhân dân; trình độ và năng lực chuyên môn thực tế đối với công việc; kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao...

Mặt khác cần xây dựng các quy chế, quy định cụ thể để quản lý cán bộ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc kịp thời thay thế, miễn nhiệm cán bộ năng lực, phẩm chất kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín, có sai phạm đồng thời phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt được cán bộ có đức, có tài, trẻ, cán bộ nữ vào các vị trí phù hợp. Chỉ đạo, thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, sắp xếp, bố trí, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa cán bộ công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước các cấp để có đủ kỹ năng và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới cơ chế sắp xếp và bổ nhiệm nhân sự theo hướng nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức.

Ngoài chính sách của Trung ương, cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung chính sách nhằm thu hút cán bộ về công tác ở các huyện miền núi và cơ sở lâu dài. Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, trách nhiệm triển khai thực hiện của các ngành, các đơn vị. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở và các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục bệnh quan liêu xa dân. Tiếp tục chỉ đạo các cuộc vận động và phong trào hành động cách mạng ở cơ sở; khơi dậy và phát huy tinh thần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong các tầng lớp dân cư. Mở rộng dân chủ, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể.

Thiết nghĩ cũng nên có chế độ khen thưởng cho những cán bộ công tác lâu năm ở miền núi. Đối với các cán bộ là dân tộc Kinh gắn bó lâu dài thì cần trân trọng, đánh giá cao và có những chế độ kịp thời, hợp lý để động viên họ yên tâm công tác qua đó tạo động lực khuyến khích các cán bộ trẻ tìm lên với đồng bào vùng sâu vùng xa của tỉnh. Mặt khác, để có một đội ngũ cán bộ tại chỗ ổn định và lâu dài, cần có chế độ khuyến khích học sinh là người dân tộc thiểu số tự thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng giống như sinh viên hệ cử tuyển.

Bên cạnh việc ưu đãi đối với những cán bộ có năng lực và gắn bó với vùng sâu vùng xa, cần có những quy định chặt chẽ và nghiêm khắc đối với những cán bộ hiện công tác tại các huyện miền núi Quảng Ngãi nhưng lại chưa thực sự làm tốt công việc của mình - nhất là những cán bộ tìm đến miền núi như một chổ trú chân tạm thời chờ cơ hội để thuyên chuyển.

TS. Đoàn Triệu Long