Huổi Khon một năm sau ngày "bão qua"

10:31 25/03/2013 Lượt xem: 453 In bài viết

Nhắc "Kỷ niệm buồn"

Huổi Khon theo tiếng người địa phương được hiểu là khe nước nhỏ bên triền đồi lớn. Hỏi thêm vì sao lại chọn nghĩa ấy đặt tên bản, người cao tuổi như ông Lý A Tính mới cắt nghĩa rằng: “Huổi Khon là gọi theo tiếng dân tộc Thái. Khoảng những năm 90 của thế kỷ trước, khi người Mông từ Lào Cai di cư đến thấy đất Huổi Khon mênh mông màu mỡ, rừng già nhiều và cũng có nhiều khe nước nhỏ nên nghe lời người già, đoàn người Mông di cư dừng chân ở lại Huổi Khon. Từ bấy đến nay, hơn hai chục năm trôi qua, người Mông di cư đến Huổi Khon luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ mọi mặt của chính quyền địa phương cũng như người bản địa. Không tranh chấp, không giành giật, người Huổi Khon sống trong bình yên, hạnh phúc. Ấy vậy mà chính tại “khe nước nhỏ bên triền đồi lớn” người ta đã đang tâm tung ra những luận điệu xuyên tạc, làm xáo trộn cuộc sống người dân bản Huổi Khon, để đến nỗi bản Huổi Khon nhỏ bé trở thành tâm điểm của đa luồng thông tin dư luận ở trong nước và cả quốc tế.

Nhắc lại sự việc của những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2011, ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng uỷ xã Nậm Kè, cho biết: Lợi dụng địa thế bản Huổi Khon là nơi giáp ranh của xã Nậm Kè với 2 xã Mường Toong - Pá Mỳ; Huổi Khon cũng là một trong hai bản của xã có đường ô tô vào đến nơi nên kẻ xấu đã loan tin rằng nơi đây sẽ xuất hiện một “thế lực siêu nhiên” mang bà con đến “miền đất hứa”, cho sức khoẻ, cho đất đai, nhà cửa, vàng bạc… Do nhẹ dạ cả tin, hàng nghìn người Mông trong xã Nậm Kè và các xã khác trong huyện Mường Nhé và người Mông từ các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk… đã tụ tập về Huổi Khon để chờ đón “vua”. Nhưng rồi sau cả tuần chờ đợi mòn mỏi, chả thấy sung sướng, của cải ở đâu mà chỉ có cực khổ, đói khát, bệnh tật, những người tụ tập về Huổi Khon đã nhận ra cái “dã tâm” phía sau luận điệu tuyên truyền giả dối ấy. Vì vậy, khi cán bộ đến tuyên truyền, giải thích cùng với sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần, bà con đã tự nguyện trở về nơi họ đã ra đi.

Còn với những kẻ tham gia vào vụ gây mất an ninh trật tự ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè gần một năm trở về trước, sau thời gian bị giam giữ để phục vụ công tác điều tra và trong phiên toà xét xử sơ thẩm diễn ra ngày 13/3/2012 đều tỏ thái độ thành khẩn, ăn năn hối lỗi về hành vi sai trái của mình. Tại phiên tòa được Hội đồng xét xử cho phép nói những lời cuối cùng trước phần nghị án, bị cáo Cư A Báo nói: Chỉ vì nghe lời xúi giục của Vàng A Ía, Thào A Lù mà làm điều xấu. Giờ biết việc làm sai trái của mình, mình xin hứa sẽ cải tạo tốt để trở thành người có ích cho xã hội và sẽ tuyên truyền để bà con dân bản không vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước.

Phiên toà kết thúc, Hội đồng xét xử tuyên hình phạt cao nhất 30 tháng tù giam với 2 bị cáo Giàng A Sỳ và Giàng A Giàng; 24 tháng tù giam cho 6 bị cáo còn lại. Một bản án đầy tính khoan hồng của pháp luật đã mở ra con đường hoàn lương cho những kẻ lầm đường, lạc lối có cơ hội trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Chỉ tay lên triền đồi bên trái đoạn lại quay sang triền đồi bên phải đầu bản Huổi Khon-nơi một năm về trước ken xít những lều trại tạm bợ được dựng lên làm nơi ở của hàng nghìn người Mông sống trong không khí ngột ngạt và thiếu thốn, Trưởng bản Sùng A Kỷ nói với chúng tôi: Niềm tin của người Huổi Khon là đây, là ngô, là lúa; là gieo hạt mới được thu hoạch mùa màng chứ không phải cái luận điệu “ngồi mát ăn bát vàng”. Có nhà, có đất sản xuất, chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất gieo trồng nên không lo đói, không luận điệu nào làm lay chuyển lòng người Huổi Khon theo Đảng, theo Bác Hồ.

...Để vững vàng trước "Phong ba"

Trong căn phòng làm việc khiêm tốn cả về diện tích và trang thiết bị, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện trầm tư khi đề cập chuyện năm trước ở Huổi Khon. Thay vì trách cứ, ông Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện lại đồng cảm với bà con nhiều hơn. Bởi theo ông, vì nhận thức, vì nghèo khó nên dân mình mới dễ tin “luận điệu xuyên tạc”, chứ không phải do bà con lười lao động! Dẫn chứng cho ý kiến của mình, ông Trần Anh Tuấn cung cấp cho chúng tôi một vài con số khá ấn tượng trong lĩnh vực kinh tế – văn hoá - xã hội của huyện nhà trong năm qua. Trong lĩnh vực sản xuất nông – lâm nghiệp, sản lượng lương thực toàn huyện đạt 21.350 tấn; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt trung bình từ 5-6%. Trên lĩnh vực văn hoá xã hội, huyện duy trì tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường; chất lượng dạy và học được nâng lên với tỷ lệ tốt nghiệp Trung học cơ sở đạt 100%, tốt nghiệp Trung học phổ thông đạt 90,72%; công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở tiếp tục được tăng cường củng cố và giữ vững; toàn huyện có 12/16 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi…

Xoay quanh những câu hỏi đặt ra liệu có phải nguồn đầu tư của Chính phủ và Bộ, ngành Trung ương, địa phương là đòn bẩy quan trọng để kinh tế - xã hội Mường Nhé phát triển? Ông Trần Anh Tuấn, không chút đắn đo mà khẳng định, đúng là như thế. Bởi ngoài lợi thế về diện tích tự nhiên (gần 250.000ha) thì Mường Nhé chẳng có tiềm năng nào là thế mạnh nếu không muốn nói là các điều kiện khác hết sức khó khăn: là huyện nghèo nhất cả nước, xa Trung ương, xa tỉnh, đa số dân số là đồng bào dân tộc thiểu số lại chủ yếu là dân di cư tự do từ nơi khác đến, trình độ nhận thức của bà con thấp; cán bộ cơ sở thiếu, trình độ yếu lại phải kiêm nhiều việc trong khi địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn; cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập… Nhưng những năm gần đây từ nguồn vốn đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương, cơ sở hạ tầng huyện Mường Nhé thay đổi đáng kể. Ví như nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thực hiện cam kết hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; gần đây nhất là Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, đến năm 2015 là động lực quan trọng để Mường Nhé phát triển hơn.

Tuy nhiên, trước những băn khoăn của không ít người có lương tâm, trách nhiệm lo ngại về việc, không chừng nguồn vốn đầu tư vào Mường Nhé cũng là một “chiêu” để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền đấy là tình thương của “đấng siêu nhiên” ban phát, thiết nghĩ cần khẳng định rằng, giờ đây người Mường Nhé không dễ tin những kiểu nói “ngây thơ” ấy. Bởi hơn bao giờ hết, qua thời gian như lửa thử vàng, gian nan thử lòng người đến với Mường Nhé, đồng bào các dân tộc Mường Nhé hiểu hơn ai hết, ý nghĩa, giá trị nhân văn sâu sắc từ những chương trình, chính sách vì người nghèo cả nước nói chung, vì người Mường Nhé nói riêng. Vì vậy, giờ đây nếu có ai vào Mường Nhé hỏi lại sự việc Huổi Khon, tin chắc rằng, bất kỳ người Mường Nhé nào được hỏi cũng sẵn sàng trả lời rằng “Sau bão Huổi Khon, người Mường Nhé càng vững vàng hơn trước phong ba”...

Bích Hạnh