Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai

08:54 11/04/2013 Lượt xem: 372 In bài viết

Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc như các chương trình: 135, 134… xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thuỷ lợi, điện, trường học, trạm xá, điểm bưu điện - văn hoá xã và lồng ghép nhiều chương trình về đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn, bản; đào tạo nghề cho thanh niên, các chương trình hỗ trợ của các tổ chức tín dụng, ngân hàng…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình, dự án, tỉnh Gia Lai đã coi trọng công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thông qua xây dựng mô hình khuyến nông cơ sở, tổ chức tập huấn và hướng dẫn áp dụng các tiến bộ về kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp và chăn nuôi. Hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến xã được củng cố, phát triển. Các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các trạm nghiên cứu, trung tâm ứng dụng chuyển giao công nghệ được đầu tư.

Với 243 cán bộ làm công tác khuyến nông và cán bộ kỹ thuật từ tỉnh đến xã tận tụy công việc với quyết tâm “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đã xây dựng và triển khai các đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các vùng chuyên canh, hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp ở vùng dân tộc, miền núi. Qua đó, đã góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về việc áp dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Ở huyện Ayun Pa, trước đây nhiều xã trong huyện người dân thường cấy các giống lúa địa phương, vì vậy khi thu hoạch năng suất lúa đạt thấp. Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông đã đánh giá thực trạng sử dụng đất, quy hoạch đất để xác định các cây trồng phù hợp và đề xuất các loại hình sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường. Theo đó các mô hình trình diễn thâm canh tăng năng suất cây lúa, ngô, sắn được xây dựng với sự tham gia của các hộ nông dân. Năng suất lúa của mô hình thâm canh hàng năm đạt bình quân 60-70 tạ/ha, tăng 15-35 tạ/ha so với diện tích lúa đại trà trên cùng thửa đất; mô hình sản xuất ngô lai, năng suất bình quân 40-45 tạ/ha, tăng so với đại trà 15-20 tạ/ha. Mô hình canh tác cây sắn trên đất dốc đã hạn chế xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất. Đặc biệt để nâng cao diện tích trồng giống lúa năng suất, chất lượng, Trạm Khuyến nông đã xây dựng mô hình sản xuất lúa tiêu chuẩn kỹ thuật, phù hợp để gieo trồng 2 vụ trong năm, chống chịu tốt với thời tiết và sâu bệnh, chất lượng gạo cao, hạt trắng, ngon cơm... sản lượng bình quân đạt từ 7 đến 9 tấn/ha, nếu chăm sóc tốt có thể lên tới 10- 12 tấn/ha, để cung cấp cho nông dân làm giống. Đến nay có trên 50% diện tích canh tác trồng lúa giống đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Trước đây cấy 1 ha lúa giống cũ, thu được gần 20 triệu đồng, với giống lúa mới thu được 40-45 triệu đồng. Cây lúa đang ngày càng khẳng định vị thế, chỗ đứng vững chắc trên đồng ruộng, đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng cao của người dân và đã tạo nên một diện mạo mới cho những cánh đồng lúa của địa phương. Trạm Khuyến nông đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất một vụ lúa, luân canh cây trồng trên diện tích lúa 2 vụ, diện tích đất màu hiệu quả sản xuất thấp sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao như mía, ngô, lạc… thu hoạch vụ màu bình quân đạt từ 10 đến 50 triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi về các loại giống cây mới đã chiếm tỷ lệ trên 70% diện tích đất trên toàn huyện.

Tại huyện Đak Đoa, Trạm Khuyến nông đã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tăng tổng đàn, nâng thể trọng và chất lượng. Để từng bước lai Sind hoá đàn bò, Trạm đã hỗ trợ bò đực giống Sind cho một số xã đặc biệt khó khăn để lai tạo với đàn bò cái địa phương. Việc phát triển đàn bò theo hướng Sind hoá đã góp phần tăng số lượng đàn bò lai trên toàn huyện, thay dần giống bò địa phương tăng trọng thấp bằng giống bò lai, tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Trước đây người dân không làm chuồng trại, thả rông gia súc đói rét, thiếu thức ăn và công tác phòng trừ dịch bệnh chưa được chú trọng dẫn đến gia súc ít tăng trọng và dễ bị dịch bệnh. Trạm Khuyến nông đã hướng dẫn cho người dân cách thức xây dựng chuồng trại, vệ sinh phòng dịch, chăm sóc vật nuôi và hướng dẫn các hộ gia đình cách trồng cỏ, dựng cây rơm để dự trữ thức ăn cho trâu, bò vào mùa mưa.

Bên cạnh đó, các mô hình nuôi gà an toàn sinh học và chăn nuôi heo sinh sản được phổ biến và nhân rộng. Trạm Khuyến nông đã tổ chức tập huấn và cung cấp hàng nghìn con heo giống hướng nạc cho các hộ nông dân nghèo. Hướng dẫn người dân cách nuôi heo sinh sản, trồng khoai lang để làm thức ăn cho heo, hạn chế được dịch bệnh cho vật nuôi.

Trên lĩnh vực thuỷ sản, đồng bào dân tộc trước kia không biết đào ao nuôi cá, chỉ đánh bắt cá ngoài sông, suối. Trạm đã tổ chức hướng dẫn cách đào ao, chuyển giao các quy trình nuôi cá cho gần 500 hộ gia đình và tận dụng dòng chảy của khe núi, suối nhỏ để đào ao nuôi cá và nuôi các giống cá thích nghi nguồn thức ăn tại chỗ như cá mè, trôi, chép, trắm cỏ, rô phi có giá trị cao, hiệu quả, tăng trưởng nhanh, ít dịch bệnh, trọng lượng thu hoạch đạt 0,5-0,6 kg/con/4 tháng.

Trung tâm ứng dụng Khoa học và Công nghệ huyện Kông Chro đã thực hiện dự án phát triển cây cà phê cho các xã đặc biệt khó khăn và hướng dẫn người dân kỹ thuật sản xuất giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và chế biến cà phê. Xây dựng mô hình ghép các giống cà phê năng suất, chất lượng cao trên các vườn cà phê già cỗi kém hiệu quả, chú trọng đầu tư thâm canh. Xây dựng các quy trình kỹ thuật xử lý phế phẩm nông nghiệp làm phân bón; xử lý chất thải... Dự án đã đầu tư hỗ trợ máy xay xát cà phê cho một số xã, vì vậy việc thu hoạch, bán cà phê chưa qua sơ chế chuyển sang bán cà phê đã qua sơ chế, góp phần tăng thu nhập cho người dân lên từ 10-15 triệu đồng/ha, qua đó góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, triển khai Dự án trồng chè cành ở Biển Hồ, Bàu Cạn, qua đó người dân đã thành thạo quy trình ươm giống chè từ những cây chè có chất lượng tốt. Người dân cũng đã chú trọng việc trồng chè tập trung, chăm sóc cẩn thận để có sản lượng và chất lượng chè tốt. Đây là một tập quán mới thay cho việc để chè mọc tự nhiên, rải rác trên vườn rừng như trước đây.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phù hợp, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và những lợi thế của từng vùng, đồng thời thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã đưa năng suất cây lúa tăng từ 32,7 tạ/ha (năm 2001) lên 46 tạ/ha (năm 2011); ngô từ 30 tạ/ha lên 40,9 tạ/ha; sắn (củ tươi) từ 99 tạ/ha lên 160,5 tạ/ha; năng suất cà phê (nhân) từ 13,6 lên 19,6 tạ/ha… từng bước giúp cho đồng bào vươn lên thoát nghèo làm giàu, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Từ những kết quả trên cho thấy, công tác chuyển giao khoa học công nghệ và khuyến nông vào phục vụ sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc có vị trí đặc biệt quan trọng và là hoạt động hết sức cần thiết. Thông qua những mô hình và các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật đã nâng cao nhận thức cho đồng bào về vai trò quan trọng của khoa học-kỹ thuật. Giúp người dân tiếp cận các phương thức sản xuất mới, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, giảm sức lao động nặng nhọc, cơ giới hóa nông nghiệp trong các khâu làm đất, tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển… nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đồng bào không còn phá rừng làm rẫy, biết dùng máy cày để làm đất, biết dùng máy bơm nước để tưới cho cây và biết chọn, trồng, nuôi các loại cây con có giá trị kinh tế cao.

Để hoạt động chuyển giao khoa học-công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, nên lồng ghép, kế thừa các dự án đang thực hiện trên cùng địa bàn nhằm huy động các nguồn lực, sự đóng góp của người dân. Chọn lựa, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật chuyển giao phải bảo đảm tính tiên tiến, nhưng phù hợp với trình độ, điều kiện canh tác của đồng bào dân tộc. Phương pháp hướng dẫn kỹ thuật cho người dân cần thật cụ thể với từng cây trồng, vật nuôi, theo từng công đoạn sản xuất để người dân dễ dàng tiếp thu và áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật trong sản xuất. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật phải có chuyên môn và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân, đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình trên địa bàn.

Nguyễn Phương, Kim Nguyên