Trở lại Suối Đấy

10:17 11/04/2013 Lượt xem: 454 In bài viết

Không chịu nổi cảnh đói nghèo, theo thời gian phần nửa số hộ đã bỏ thôn vào Tây Nguyên sinh sống với mong muốn đổi đời cho con, cho cháu. Hiện nay ở Suối Đấy chỉ có 6 hộ với 30 nhân khẩu sống trong những căn nhà nhỏ liêu xiêu dưới tán cây rừng. Bà con không có ruộng chỉ phát nương bãi cấy lúa, trồng ngô trên sườn núi, không có nước tưới, phân bón nên thu hoạch chẳng được bao nhiêu. Các hộ thiếu đói quanh năm, bữa ăn chủ yếu là cơm độn, một phần gạo, hai phần ngô sắn, có hộ hết tết là đã hết thóc, nhiều hôm còn đứt bữa. Để có cái ăn cho gia đình, nhiều người phải vào rừng lấy nhựa cây sau sau, đào củ ba kích, củ mài để bán kiếm tiền mua gạo. Khi ốm đau không có thuốc, người dân chỉ tự chữa bằng vài thứ lá cây rừng để mong khỏi bệnh…

Suối Đấy hiện không điện, đường... Vào Suối Đấy phải đi bộ hơn 5 km theo đường rừng quanh co, khúc khuỷu, dốc lên, dốc xuống, lỏng chỏng đá núi. Đồng bào ở đây phần nhiều mù chữ, trẻ em trong thôn đi học chỉ để biết đọc, biết viết. Cả thôn có một lớp học được xây dựng năm 2008. Lớp học là một căn nhà ba gian, một gian để giáo viên ở, được làm bằng tường đất, thứ vật liệu làm nhà truyền thống của các cư dân miền núi. Mái lợp tấm prôximăng. Lớp có 8 học sinh được dạy ghép từ lớp 1 đến lớp 4, có em học lớp 4 nhưng đã mười lăm tuổi.

Thực trạng cùng những khó khăn của bà con thôn Suối Đấy đã được phản ánh trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Phóng viên Tạp chí Dân tộc đã có bài viết đăng trên Tạp chí. Thực tế ở Suối Đấy cũng đã được cấp, ngành chức năng ở Trung ương, địa phương quan tâm và đã có những hoạt động giúp đỡ người dân thôn Suối Đấy. Năm 2007, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đào Xuân Cần cùng đại diện một số ban, ngành của tỉnh Bắc Giang đã vào Suối Đấy thăm, tặng quà cho người dân trị giá hơn 20 triệu đồng. Năm 2008, Uỷ ban Nhân dân huyện Lục Ngạn đã cấp 50 triệu đồng, giao cho Uỷ ban Nhân dân xã Phong Minh và Trường Tiểu học Phong Minh xây dựng một lớp học ở thôn Suối Đấy.

Lần trở lại thôn Suối Đấy này, chúng tôi vẫn đi trên con đường rừng quanh co, dốc lên dốc xuống để không quên lời tâm sự của Trưởng thôn Vi Văn Đề lần trước: “Suối Đấy của người Tày mình nghèo lắm. Mong muốn của bà con là được chuyển đi nơi khác nhưng không có tiền mua đất ở, tiền làm nhà, rồi đất sản xuất. Bởi thế, các hộ vẫn phải gắn buộc với mấy thửa ruộng bậc thang, mấy mảnh nương nơi sườn núi, cái nơi mà cả trời và đất đều rất khắc nghiệt. Mong có nhà ở kiên cố, vững chắc, có cơm ăn áo mặc, con cái được học chữ là mơ ước ngàn đời của bà con thôn mình”. Vừa gặp chúng tôi, ông Vi Văn Nở người đã bám trụ ở Suối Đấy gần 40 năm phấn khởi nói: “Tỉnh có quyết định hỗ trợ di chuyển nơi ở, gia đình mình mừng lắm. Khi nào được cấp tiền, gia đình sẽ chuyển đến nơi ở mới để xây dựng một căn nhà vững chắc, có điều kiện phát triển kinh tế, các con được học hành đầy đủ. Cuộc sống nơi rừng sâu này đói khổ lắm, nhà lụp xụp mỗi lần mưa to, gió lớn cả gia đình đều sợ. Con cháu không được đi học. Quanh năm chỉ biết làm nương, đi rừng thôi. Nếu không có tỉnh giúp đỡ thì chắc chắn cuộc sống của gia đình mình sẽ khó thoát khỏi cái đói nghèo”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết để giải quyết cơ bản những khó khăn trong đời sống sản xuất của người dân thôn Suối Đấy, năm 2011, cán bộ Ban Dân tộc và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh Bắc Giang vào Suối Đấy khảo sát thực tế để có cơ sở tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc di chuyển các hộ dân đến nơi ở mới để có điều kiện thuận lợi lao động sản xuất, phát triển kinh tế, thiết thực giải quyết những cấp bách về nơi ăn ở sinh sống của người dân thôn Suối Đấy. Đầu năm 2012, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã quyết định phê duyệt Dự án di dân xen ghép cho người dân Suối Đấy. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 1,2 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách tỉnh, còn lại ngân sách trung ương, huyện và từ quỹ vì người nghèo. Theo đó, các hộ dân được hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất, làm nhà, công trình phụ và lương thực với tổng số tiền gần 200 triệu đồng/hộ.

Chia tay với bà con Suối Đấy chúng tôi không còn mang nỗi buồn trĩu nặng như những lần trước mà là niềm vui vì những khó khăn, vất vả của người dân Suối Đấy sắp lùi vào quá khứ, giấc mơ của người dân được sống trong những ngôi nhà chắc chắn, có đường, có điện và có đất để sản xuất sắp trở thành hiện thực tại nơi ở mới.

Nguyễn Quang Hải