Cả xã thoát nghèo nhờ cán bộ hết lòng vì dân
10:12 25/03/2013 Lượt xem: 326 In bài viếtXã Bình Trung, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) có 684 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy đất đai rộng và màu mỡ, người dân cần cù chịu khó nhưng do thiếu vốn, thiếu giống và đặc biệt là thiếu kiến thức thâm canh canh tác vì vậy bà con luôn trong tình trạng thiếu đói hàng năm. Đây là trăn trở lớn của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trong xã từ nhiều năm nay. Và cơ hội tháo gỡ chỉ đến khi có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội đối với các xã đặc biệt khó khăn nhất là chính sách ưu tiên vay vốn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và khuyến khích đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp.
Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân
chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng hệ số sử dụng đất và xây dựng các mô
hình điểm về giống cây trồng mới, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao để
người dân được chứng kiến, đồng thời nhân rộng trên địa bàn. Xã đã phối hợp với
các phòng chức năng của huyện như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Trạm Trồng trọt Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện… tổ chức các lớp tập huấn
chuyển giao khoa học- kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh về trồng trọt,
chăn nuôi để nâng cao kiến thức cho người dân, đồng thời giao nhiệm vụ cho cán
bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình và là tuyên
truyền viên tích cực. Mỗi đảng viên được giao giúp ít nhất 2 hộ làm kinh tế.
Hàng năm xã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chọn
đưa loại cây, con có giá trị kinh tế vào sản xuất thâm canh.
Anh Bàn Văn Vàng, cán bộ khuyến nông được phân công giúp đỡ bà con bản Khuổi Đẩy
kể: Hồi đầu vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn mới thật khó khăn,
phải kiên trì giảng giải, tỉ mỉ hướng dẫn theo cách cầm tay chỉ việc. Khi bà con
hiểu, bắt tay vào làm có kết quả mới yên tâm. Gia đình chị Hoàng Thị Diện trước
đây nuôi một vài con bò hàng ngày chăn thả ngoài đồng, được vay vốn, được cán bộ
hướng dẫn chị đã lập trang trại với quy mô lớn, nuôi nhiều chục con, kết hợp
trồng cỏ, ngô để có thêm nguồn thức ăn chăn nuôi. Hiện nay, bình quân mỗi con bò
giống bán trên thị trường từ 7- 10 triệu đồng và bò thịt khoảng 100.000 đồng/kg
hơi, mỗi năm chị Diện thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không những làm giàu cho gia
đình, chị còn giúp đỡ một số bà con trong bản có hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm
kinh tế. Còn gia đình ông Giàng A Dỉ, ông Dỉ năm nay ngoài 50 tuổi, gia đình có
8 khẩu, đến năm 2009 mới bỏ được “điệp khúc” thiếu đói giáp hạt, nhờ được Ngân
hàng Chính sách xã hội cho vay vốn và được đảng viên trong thôn hướng dẫn mua
giống ngô mới và kỹ thuật làm đất, chọn thời vụ gieo cấy, chăm sóc nên cây ngô
lớn nhanh, ra nhiều bắp to và dài. Đến nay gia đình không còn thiếu đói mà còn
có ngô để bán. Đặc biệt các mô hình “lúa-cá”, “nuôi trâu, bò trong chuồng để vỗ
béo” đang mở ra hướng đi mới để người dân phát triển kinh tế. Mô hình “lúa-cá”
được nhiều hộ dân đã thực hiện mang lại nguồn thu khá. Ông Giàng A Giao cho biết:
Gia đình ông có 1,5 ha ruộng “lúa-cá”, mỗi năm thu nhập được gần trăm triệu đồng.
Để thực hiện mô hình này, sau khi thu hoạch lúa vụ Đông Xuân nước được bơm nước
vào ruộng để thả cá. Thức ăn của cá là lúa chét, lúa rụng, gốc rạ, côn trùng.
Sau một tháng thì rút nước ra, dồn cá về một diện tích nhỏ trũng trong ruộng,
rồi tiếp tục sản xuất vụ hè thu. Khi lúa phát triển, bơm thêm nước vào ruộng và
cá từ vùng trũng bơi lên sinh sống, kiếm ăn. Khi hết vụ, xả nước ra, dồn cá về
vùng trũng, thu hoạch lúa xong thì bơm nước vào. Cá được nuôi trong ruộng cho
đến khi sản xuất vụ Đông Xuân thì thu hoạch cá và chuyển sang vụ “lúa- cá” mới.
Với mô hình “lúa- cá” đã hạn chế dùng thuốc trừ sâu bệnh cho cây lúa, xử lý được
ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, người dân còn đào ao để phát triển nuôi thủy
sản. Năm 2011, toàn xã Bình Trung đã mở rộng được 18 ha mặt nước ao, sản lượng
thu hoạch cá đạt 25 tấn, đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn cho các hộ
gia đình.
Với trên 250 ha đất nông nghiệp chủ yếu trồng lúa, ngô, đậu tương và lạc giống
mới đã đưa năng suất gấp đôi, thu nhập bình quân lương thực đạt gần 540 kg/người/năm,
thuộc diện cao của các xã vùng cao Bắc Kạn hiện nay. Sản lượng lương thực hàng
năm không ngừng tăng lên. Năm 2011, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt
1.490 tấn/1.077 kế hoạch và tăng 48,23 tấn so với năm 2010. Bên cạnh đó, chăn
nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển với 850 con trâu, đàn lợn 1.850 con và đàn
gia cầm trên 18.000 con. Bà con các dân tộc trong xã không còn tình trạng đói
giáp hạt, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4,5 triệu đồng/năm. Việc lãnh đạo,
chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Bình
Trung đã mang lại hiệu quả thiết thực, người dân không chỉ đảm bảo được lương
thực mà còn có hàng hoá cung cấp ra thị trường. Kinh tế phát triển, đời sống của
bà con được cải thiện, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với chính sách của
Đảng và Nhà nước, tạo động lực để Bình Trung tiếp tục vươn lên xây dựng nông
thôn mới.
Nguyễn Kim Nhung