Bình Thuận nhiều giải pháp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:54 25/03/2013 Lượt xem: 397 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, của các Bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và cấp ủy, chính quyền các cấp nên tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Song do điểm xuất phát về kinh tế - xã hội thấp, kinh tế phát triển chậm, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nhất là giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch chậm; nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, phát huy, đời sống của đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã xác định quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khắc phục dần tư tưởng "trông chờ, ỷ lại"; phát huy khả năng sáng tạo, nhất là những điển hình phát triển kinh tế giỏi trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng phát triển. Huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số để từng bước đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo; thực hiện tốt phương châm "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ" xoá dần tư tưởng bao cấp; đổi mới tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, giảm nghèo bền vững. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, ưu tiên xây dựng và thực hiện các chính sách, chương trình, dự án ở các xã, thôn, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Việc huy động và phân bổ các nguồn lực cho đầu tư phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội theo vùng miền, theo tỷ lệ phân bố dân cư; ưu tiên cho vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, có kết cấu hạ tầng còn thấp kém; không đầu tư dàn trải.

Từ tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm đó, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể đó là: Tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng địa bàn; chuyển sang thâm canh các loại cây trồng, các giống vật nuôi có giá trị, chất lượng, năng suất cao. Có chính sách hỗ trợ để đồng bào thực hiện Đề án Phát triển cây cao su theo Quyết định số 1249/QĐ-UBND, ngày 08/5/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh; phấn đấu đến năm 2015 thực hiện trồng mới 1.000 ha cao su. Thực hiện việc chọn giống và thâm canh một số loại cây trồng phù hợp như cây lúa nước, cây bắp lai, cây bông vải, cao su, điều, thanh long, nho v.v. Thực hiện ứng trước vốn cho người dân, trợ cước vận chuyển; làm tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đồng thời mở rộng các loại hình dịch vụ và tìm thị trường tiêu thụ nông sản cho đồng bào.

Tập trung phát triển chăn nuôi bò, dê, heo... hạn chế tình trạng thả rông gia súc; khuyến khích chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.

Làm tốt việc rà soát, nắm chắc số hộ đã được cấp đất nhưng không sản xuất được, hộ có đất nhưng đang tranh chấp; hộ có lao động, có nhu cầu sản xuất, thiếu đất sản xuất nhưng chưa được giải quyết trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy để ưu tiên và là đối tượng chính khi lập kế hoạch và căn cứ vào khả năng quỹ đất hiện có để quyết định mức hỗ trợ đất sản xuất cho phù hợp; nghiêm cấm và xử lý kịp thời các trường hợp chuyển nhượng trái phép đất sản xuất dẫn đến tái nghèo. Những hộ thiếu đất sản xuất, nhưng địa phương không còn quỹ đất để cấp thì được chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ đi xuất khẩu lao động.

Tiếp tục thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trên cơ sở rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu nhận khoán, quản lý bảo vệ rừng đến từng hộ đồng bào dân tộc thiểu số để bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả, bền vững.

Đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến công; rà soát để tập trung đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống có lợi thế; phát triển doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ vừa và nhỏ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi có điều kiện mở mang ngành nghề, giải quyết việc làm.

Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ miền núi, tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả các cửa hàng đã đầu tư xây dựng ở 11 xã thuần và các đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số vùng cao; thực hiện tốt chính sách đầu tư ứng trước vốn, trợ cước vận chuyển, bao tiêu sản phẩm; đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; tạo thuận lợi cho đồng bào trong sản xuất, mua bán, trao đổi vật tư, hàng hoá, dịch vụ; tập trung đầu tư phát triển các chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch.

Tăng cường làm tốt việc xây dựng kết cấu hạ tầng quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công trình đã xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có biện pháp khắc phục những yếu kém trong quá trình quản lý sử dụng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ở các xã đặc biệt khó khăn, các xã nghèo kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu, đồng thời huy động các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường học, trạm y tế... gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên đầu tư các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ; giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, nước sinh họat để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đạt mục tiêu đề ra. Trong đó tập trung xây dựng hai cầu Phan Thanh và Tú Sơn trên Sông Luỹ (huyện Bắc Bình) để đảm bảo giao thông thuận lợi cho người dân.

Thực hiện tốt các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo, thu hẹp sự chênh lệch về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư; đảm bảo mỗi năm giảm bình quân từ 2,3-2,5% về số hộ nghèo; trong đó vùng cao giảm từ 3,3-3,5%/năm; vùng đồng bào Chăm, Tày, Nùng, HơRê giảm từ 0,7-0,8%/năm.

Tăng cường chỉ đạo các sở, ngành tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc nổi lên trong quá trình thực hiện các chính sách, chương trình, dự án và cả những bức xúc của đồng bào ngay từ cơ sở, đồng thời kịp thời biểu dương, động viên những đơn vị, cá nhân có thành tích trong các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

Kim Nhung