Kết quả cùng những vấn đề đặt ra trong thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư

10:45 25/03/2013 Lượt xem: 341 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Thời điểm 2000-2004, tình trạng du canh, du cư và di dân tự do diễn biến rất phức tạp, với số lượng đối tượng lớn, trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và vùng Tây Nguyên. Du canh, du cư, di dân tự do là nguyên nhân quan trọng gây thiếu đất sản xuất, phá rừng lấy đất trồng trọt, suy thoái môi trường, quá tải cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, mâu thuẫn về lợi ích, văn hóa, xã hội giữa các dân tộc mới đến và các dân tộc tại chỗ, gây bất ổn xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị trong các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Trước thực trạng đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc trên cơ sở kết quả kiểm tra và đề nghị của các địa phương đã xây dựng đề án đề xuất chính sách giải quyết tình trạng du canh, du cư và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 về “Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010”. Mục tiêu của chính sách nhằm tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn du canh, du cư có nơi ở ổn định, đủ điều kiện phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Tiếp đó, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 về Phê duyệt Kế hoạch định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư đến năm 2012. Tổng số đối tượng du canh, du cư là 29.718 hộ, 140.313 nhân khẩu, thực hiện định canh, định cư theo hai hình thức: Định canh định cư tập trung cho 14.662 hộ, 68.319 nhân khẩu; định canh định cư xen ghép cho 15.056 hộ, 71.994 nhân khẩu. Trong số 297 dự án có 253 dự án định canh định cư tập trung và 44 dự án định canh định cư xen ghép. Tổng số vốn đầu tư theo kế hoạch là 2.717,046 tỷ đồng.

Sau khi có các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực tổ chức thực hiện dự án. Phần lớn các tỉnh giao cho Ban Dân tộc chủ trì, có tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn. Nhiều tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện chính sách với tổng kinh phí trên 188 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân các huyện chỉ đạo vận động các doanh nghiệp và những hộ có nhiều đất tự nguyện sang nhượng đất cho các hộ định canh, định cư; hỗ trợ cây, con giống, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Các xã vận động, thuyết phục các hộ ký cam kết thực hiện định canh định cư; huy động nhân dân khai thác, vận chuyển vật liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu; vận động nhân dân giúp làm nhà cho các hộ định canh định cư, tạo điều kiện để các hộ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng tại nơi ở mới.

Kết quả đến cuối tháng 6/2012, trong tổng số 297 dự án định canh, định cư, bao gồm: 44 dự án định canh định cư xen ghép đã hoàn thành 6 dự án, 36 dự án đang thực hiện dở dang; trong 253 dự án định canh định cư tập trung đã hoàn thành 14 dự án, đang thực hiện dở dang 162 dự án, còn 77 dự án chưa thực hiện vì không có vốn. Đã hoàn thành định canh định cư cho 9.827 hộ, 46.187 nhân khẩu, đạt 33% kế hoạch được phê duyệt; thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3.357 hộ/9.827 hộ, đạt 34%. Hiện còn 19.891 hộ, 94.126 nhân khẩu du canh, du cư chưa được định canh định cư, chiếm 67% kế hoạch được phê duyệt; 6.470 hộ (66%) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số vốn còn thiếu theo kế hoạch là 1.464 tỷ đồng (54%).

Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bao quát hầu hết các lĩnh vực: Phát triển sản xuất, giao thông, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, y tế… theo hướng quy hoạch mới, phù hợp với truyền thống văn hóa các dân tộc. Trong 5 năm qua, các hộ hoàn thành định canh định cư đã khai hoang được gần 9.000 ha đất ở và đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây công nghiệp; xây dựng mới hàng trăm công trình thủy lợi, điện sinh hoạt, nhà văn hóa, lớp học mẫu giáo; trên 1.000 km đường giao thông nông thôn. 9.827 hộ (100%) hộ định canh, định cư có nhà ở. Các hộ định canh, định cư ổn định đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, quyền sở hữu đất đai, biết quý trọng tài nguyên đất, rừng nên diện tích rừng được mở rộng, nạn phá rừng giảm; được sử dụng điện, nước sạch, trẻ em được đến trường, đau ốm đã đến trạm xá; an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm… do đó, tư tưởng ổn định, gắn bó với nơi ở mới.

Bên cạnh thành quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong chỉ đạo, quy định của chính sách, bố trí và sử dụng vốn, cách thức tổ chức thực hiện… đã ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả chung của toàn dự án. Chẳng hạn quy định về quy mô áp dụng điểm dự án định canh, định cư tập trung phải đảm bảo 20 hộ/điểm đối với vùng cao biên giới Việt-Trung; 35 hộ/điểm thuộc các huyện biên giới; 45 hộ/điểm thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung và Bắc Kon Tum; 60 hộ/điểm áp dụng đối với các tỉnh còn lại đã gây khó khăn cho các địa phương vì quỹ đất không đủ bố trí cho số hộ/điểm dự án định canh định cư tập trung theo quy định. Việc bố trí đất cho các hộ định canh định cư của các địa phương không giống nhau. Các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… do thiếu quỹ đất, đất có độ dốc lớn nên cấp không đủ 1ha/hộ; các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, quỹ đất thuận lợi hơn nên mỗi hộ được cấp từ 1,2-1,5ha đất ở và đất sản xuất; tỉnh Hậu Giang, Cà Mau do thiếu quỹ đất và giá đất cao nên chỉ bố trí được từ 2.000-3.000m2/hộ; tỉnh An Giang chỉ cấp được 200-400m2 đất ở/hộ định canh định cư xen ghép, không bố trí được đất sản xuất nên phải kết hợp với các dự án khác để đào tạo nghề cho các hộ có điều kiện đi làm thuê. Đặc biệt, do nguồn kinh phí từng năm có hạn, Trung ương cấp vốn để địa phương chủ động bố trí hoàn thành dứt điểm từng dự án nhưng phần lớn địa phương lại đầu tư dàn trải, thiếu tập trung dẫn đến số dự án dở dang lớn, sử dụng vốn kém hiệu quả…

Phải khẳng định rằng công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số là rất khó bởi nhiều nguyên nhân: Địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xảy ra lũ ống, lũ quét; phần lớn đồng bào cư trú phân tán ở vùng sâu, vùng xa; cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu đất sản xuất, thiếu nước; ngay cả với những hộ đã hoàn thành định canh, định cư do phương hướng sản xuất chưa đúng, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ không tự bảo đảm đời sống lại chưa có ngành nghề phụ nên rất dễ tái du canh, du cư và di cư tự do. Mặt khác do đặc điểm địa bàn khác nhau, tập quán của các dân tộc đa dạng, thậm chí liên quan đến các yếu tố gắn với an ninh, chính trị, tôn giáo, chuyển dịch kinh tế giữa các vùng nên không tránh khỏi thực tế chính sách ban hành có thể phù hợp với vùng này nhưng lại không phù hợp với vùng khác. Nguồn vốn bố trí thấp so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thiếu cân đối giữa vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp cùng sự buông lỏng quản lý đất đai, bảo vệ rừng của nhiều cấp chính quyền địa phương, thiếu biện pháp hữu hiệu để quản lý hộ tịch, hộ khẩu, quản lý sản xuất… đã góp phần làm tình trạng du canh, du cư trở nên phức tạp, khó kiểm soát.

Tự do cư trú là quyền của công dân đã được Hiến pháp 1992 quy định. Nhu cầu muốn tìm đến vùng đất mới có điều kiện sống và sản xuất tốt hơn là nguyện vọng chính đáng của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Trước khối lượng công việc của dự án còn tồn đọng nhiều, Ủy ban Dân tộc đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Quyết định 33 đến năm 2015. Song rõ ràng, để hoàn thành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số cần phải có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, nhược điểm thuộc về nguyên nhân chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện; tiên quyết là đổi mới tư duy về công tác định canh, định cư cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không thể là trách nhiệm riêng của cơ quan quản lý nhà nước là Ủy ban Dân tộc và chính quyền các địa phương, nhất là trong bối cảnh sau 5 năm, tình hình thực tế đã có nhiều thay đổi so với thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 33, đòi phải có sự sửa đổi, bổ sung về cơ chế thực hiện, định mức đầu tư cùng các chính sách hỗ trợ “hậu” định canh, định cư như: dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn tín dụng và các chính sách an sinh xã hội khác.

Đảm bảo vốn cho công tác định canh, định cư mang tính chất quyết định đến tiến độ thực hiện kế hoạch nhưng cần có sự đổi mới trong quan điểm bố trí vốn, nên bố trí vốn tập trung để hoàn thành dứt điểm từng dự án, ưu tiên những dự án có khả năng hoàn thành trong năm để sớm đưa các hộ về định canh, định cư ổn định; đồng thời lồng ghép vốn của các chính sách, chương trình, dự án khác để tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác định canh định cư.

Các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi các văn bản hướng dẫn cho phù hợp với thực tế, giúp các địa phương giải quyết vấn đề nhập hộ khẩu thường trú, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số định canh định cư, đảm bảo quyền lợi của đồng bào theo các chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành. Những đối tượng du canh, du cư phát sinh mới cần được rà soát, thống kê, đề nghị đưa vào danh mục sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ hoặc có chủ trương, chính sách mới để giải quyết.

Nguyễn Quang Hải

Hoàng Phương Liên