Tình hình giải quyết dân di cư tự do tại tỉnh Đắk Nông

10:23 11/04/2013 Lượt xem: 683 In bài viết

Từ năm 1996 đến tháng 12/2010 số dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh là 22.597 hộ/105.210 khẩu, bình quân mỗi năm có 1.614 hộ/7.515 khẩu. Đến nay có 10.671 hộ/49.342 khẩu đã ổn định và 11.934 hộ/55.909 khẩu chưa ổn định, trong đó có 1.179 hộ/5.107 khẩu đang sống trong các khu rừng. Công tác bố trí dân DCTD trên địa bàn Đắc Nông hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Đó là việc đầu tư, hỗ trợ cho các hộ dân DCTD chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm; việc giải quyết, sắp xếp dân cư không có sự phối hợp, hỗ trợ của tỉnh có dân đi. Đáng chú ý là việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ di dời, bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân về vùng quy hoạch, việc chuyển đổi việc sử dụng đất để cấp cho người dân gặp nhiều khó khăn... Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề nghị Trung ương tập trung vốn đầu tư năm 2011 khoảng 140 tỷ cho các dự án cấp thiết để giải quyết dứt điểm những điểm nóng về dân DCTD như Dự án di dời 111 hộ ở thôn Nam Dao, xã Nâm N’dir (Krông Nô); Dự án Ổn định dân DCTD tại 3 thôn Tân Định, Tân Lập, Bắc Sơn, xã Đắc Gằn (Đăk Mil); Dự án Bố trí dân cư 7 xã biên giới...

Năm 2011, Đắc Nông đã được Trung ương giao 32,7 tỷ đồng đầu tư. Đến nay đã triển khai được 3 hạng mục: mặt bằng khu dân cư, đường giao thông, công trình thủy lợi. Để tiến hành sắp xếp cho các hộ dân vào vùng dự án trong các năm 2011 và năm 2012 cần tiếp tục đầu tư các hạng mục như điện, nước sinh hoạt, cơ sở giáo dục và bổ sung kinh phí còn thiếu của các hạng mục đang triển khai với kinh phỉ khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài việc kịp thời ban hành quyết định phê duyệt Dự án Quy hoạch tổng quan ổn định dân DCTD của tỉnh, các sở, ngành chức năng và địa phương thời gian qua cũng đã có nhiều cố gắng trong việc nắm bắt tình hình dân tự đến và đi trên địa bàn để tham mưu, chỉ đạo bằng những biện pháp quản lý cũng như việc triển khai thực hiện các dự án nêu trên. Từ đây, chủ trương này đã và đang nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là đối tượng trực tiếp hưởng lợi. Cụ thể từ điều kiện sống du canh du cư, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, nhiều hộ dân đã có nhà ở, đất sản xuất ổn định, có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt... để nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống. Sau khi ổn định cuộc sống, đa số các hộ dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nêu cao tinh thần yêu nước, một lòng bảo vệ đất đai, chủ quyền biên giới quốc gia.

Cùng với những hiệu quả tích cực mang lại, trong quá trình triển khai các dự án cũng đã và đang nảy sinh những bất cập. Số dân DCTD gia tăng đã làm xáo trộn và phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tình trạng phá rừng làm nương rẫy, sang nhượng đất đai trái phép, gây khó khăn cho việc quản lý bảo vệ rừng, gây phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương đồng thời tăng sức ép và khó khăn cho các cấp chính quyền trong việc quản lý nhân hộ khẩu, các nhu cầu về xã hội như giáo dục, y tế, đời sống... Thực trạng đáng lo ngại nhất là số dân DCTD từ các tỉnh, thành trong cả nước đến địa bàn không giảm mà đang ngày một tăng. Bên cạnh việc giải quyết đời sống cho các hộ dân DCTD đã đến sinh sống tại các vùng còn nhiều trở ngại, thì vấn đề quản lý tình trạng dân DCTD đến tỉnh vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu.

Điều nan giải là đa số dân DCTD đến địa bàn tỉnh chủ yếu tìm đến sinh sống trong các vùng rừng núi, các khu vực rất khó khăn xây dựng kết cấu hạ tầng... Do đó, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện di dời dân cư vào vùng dự án tập trung còn tốn rất nhiều công sức, tiền của của Nhà nước. Nếu chỉ tính riêng số dân DCTD từ năm 2004 (từ năm chia tách tỉnh) đến tháng 3/2011 trên địa bàn tỉnh Đắc Nông là 4.884 hộ/23.451 khẩu. Dân DCTD từ các tỉnh khác nhau đến trên địa bàn 8 huyện, thị của tỉnh và tập trung đông nhất tại địa bàn 2 huyện là Đăk G’long 2.592 hộ/13.326 khẩu, chiếm 31% dân số toàn huyện và huyện Tuy Đức 1.657 hộ/ 7.409 khẩu.

Tại huyện Đăk G’long và huyện Tuy Đức trong tổng số 5.166 hộ/20.735 khẩu dân DCTD đến nay có 1.838 hộ đã được đăng ký hộ khẩu thường trú, đạt 44%, còn lại 56% số hộ chưa được đăng ký thường trú, đa số sống tại các khu vực cụm, điểm biệt lập với khu dân cư tập trung và sống trong các khu rừng mà ở đó chưa đủ điều kiện thành lập các buôn làng.

Thực hiện Dự án Đầu tư sắp xếp ổn định dân DCTD, đến nay đã có 10.671 hộ/49.342 khẩu đã được bố trí vào 7/9 dự án với tổng kinh phí được phân bổ là 201.687 tỷ đồng, giải ngân 145.187 tỷ đồng, đạt 72% so với tổng số vốn đã được phân bổ và đạt 61% so với tổng số vốn dự án đã được phê duyệt. Hiện nay còn 11.934 hộ/ 55.909 khẩu, chiếm 52% trong tổng số dân DCTD trên địa bàn tỉnh chưa được bố trí vào các khu tái định cư.

Để giải quyết cơ bản tình hình DCTD ở Đắc Nông, cần phải quy hoạch tổng thể đất đai, phân loại từng loại đất, trong đó có đất ở và đất sản xuất, để từ đó quy hoạch các khu tái định cư cho đồng bào; rà soát lại đất đai của các nông, lâm trường tạo điều kiện để các nông lâm trường tiếp nhận đồng bào vào làm việc. Đồng thời xúc tiến xây dựng các tiểu dự án thuộc chương trình giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế có điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng cung ứng cho nhu cầu phát triển sản xuất giống chất lượng cao; tích cực chuyển giao các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi đến tận tay người sản xuất, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng người dân tới việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Song song đó, khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa công, nông nghiệp tại địa phương sẽ gắn với công tác quy hoạch và hình thành các khu dân cư theo quy hoạch cụ thể.

Về lâu dài, tỉnh tập trung nghiên cứu, khảo sát quy hoạch các vùng dân tộc thiểu số, tổ chức cho người dân tự khai hoang đất ở, đất sản xuất theo hạn mức quy định. Trên cơ sở đó Nhà nước đầu tư một hạng mục thiết yếu như đường giao thông, điện, trường học... để giảm chi phí đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người dân. Đồng thời trong quá trình thực thi sẽ thực hiện những giải pháp mang tính động bộ, nhất quán trong công tác quản lý, giám sát và thực hiện. Cụ thể là công tác phối hợp để quản lý dân cư trên địa bàn sẽ tăng cường kiểm tra kịp thời phát hiện những trường hợp di dân tự do để có biện pháp xử lý ngay từ đầu. Theo đó đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ các nông, lâm trường để thực hiện chính sách dân tộc, gắn với sự nghiệp quốc phòng, an ninh lâu dài của đất nước; cần có sự phối hợp về trách nhiệm giữa địa phương có dân đi và địa phương có dân đến từ khâu lập kế hoạch, đến triển khai xây dựng các dự án tái định cư, giải quyết nhập cư, các chính sách xã hội và xây dựng cuộc sống văn hóa. Trước mắt đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án định canh định cư để tỉnh Đắc Nông sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào.

Lê Tuyết