Quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở huyện Cư Jút

03:07 11/04/2013 Lượt xem: 686 In bài viết

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn, phòng Dân tộc huyện đã chủ động rà soát các chính sách, chương trình, dự án được đầu tư, đồng thời phối hợp với hệ thống chính trị cơ sở khảo sát thực trạng đời sống của đồng bào dân tộc, đánh giá chất lượng hiệu quả của từng dự án đã đầu tư. Ở những thôn, bon, buôn có đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn khó khăn, tập trung điều tra đánh giá chiều sâu từng hộ gia đình, làm rõ nguyên nhân đói nghèo, mức độ tác động của từng dự án. Sau 2 năm thành lập, đến nay phòng Dân tộc đã cơ bản nắm khá đầy đủ chính xác về thành phần, cơ cấu các dân tộc trên địa bàn, các số liệu thông tin về tình hình kinh tế-xã hội thường xuyên được cập nhật phục vụ tốt cho công tác quản lý, xây dựng các đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Phòng đã chủ động tham mưu cho Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển 6 bon, buôn (đồng bào M’nông và Êđê) bền vững giai đoạn 2011-2020; tham mưu cho Huyện ủy xây dựng chương trình công tác dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2016, thành lập Ban Chỉ đạo điều hành chương trình công tác dân tộc thiểu số và xây dựng quy chế hoạt động, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên trong Ban Chỉ đạo điều hành thực hiện chính sách dân tộc của huyện giai đoạn 2011-2016; tham mưu cho Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện xây dựng chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, an ninh-quốc phòng vùng đồng bào dân tộc Mông giai đoạn 2010-2020.

Thực hiện Quyết định số 18/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2012, Phòng đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức bầu chọn được 74 người có uy tín tại các thôn, bon, buôn, đồng thời thực hiện tốt các chính sách theo quy định, động viên các già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò trong cộng đồng dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là đảm bảo an ninh nông thôn. Phòng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phân công 69 đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn kết nghĩa với 10 bon, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, xây dựng quy chế hoạt động, tạo động lực về vật chất, tinh thần cho đồng bào phát triển nâng cao đời sống mọi mặt. Thực hiện Chương trình 135, hỗ trợ người dân ở vùng đặc biệt khó khăn mua con giống, phòng Dân tộc đã đề xuất với Uỷ ban nhân dân huyện và phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ người dân vay thêm vốn để thực hiện dự án chăn nuôi có hiệu quả…

Trong những năm qua, huyện Cư Jút được tiếp nhận nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lồng ghép vốn của Trung ương và địa phương qua các Chương trình 132, 134… địa phương đã giải quyết gần 13 ha đất cho 196 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở và 216 ha đất cho 291 hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; quy hoạch trên 15 ha đất cấp cho các hộ định canh định cư tập trung và xen ghép thuộc các xã Đắk Wil, Ea Pô và Đắk Drông ổn định chỗ ở; xây dựng 27 công trình nước sạch tập trung trị giá gần 20 tỷ đồng phục vụ cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn (Chương trình 134), đầu tư hàng chục tỷ đồng làm đường giao thông, trường học, thủy lợi, nhà sinh hoạt văn hóa, chợ… Hàng năm đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế, được hỗ trợ phát triển sản xuất theo Chương trình 102/2009/TTg, được bồi dưỡng nâng cao nhận thức chuyển giao các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, trợ giúp pháp lý, được cấp một số loại báo, tạp chí, con em đồng bào được hỗ trợ học phí… Huyện có trường Dân tộc nội trú đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào. Đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số huyện có chính sách ưu tiên trong việc đào tạo, quy hoạch và sử dụng, thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn…

Các chính sách, chương trình, dự án đã góp phần làm thay đổi mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc; qua đó khẳng định vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về dân tộc cấp huyện là rất cần thiết. Tuy hiện nay, nhiệm vụ và quy mô công việc của từng phòng Dân tộc chưa thật sự đồng nhất, còn tùy thuộc vào sự phân công giao việc của cấp ủy, chính quyền địa phương và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ phòng Dân tộc, nhưng tựu trung lại, phòng Dân tộc cấp huyện phải là cơ quan thường trực giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc thiểu số tại địa phương. Muốn các chương trình, dự án thực sự đi vào đời sống của đồng bào các dân tộc, phát huy hiệu quả và phát triển bền vững thì cơ quan thường trực (Phòng Dân tộc cấp huyện) phải thực hiện tốt vai trò, vị trí, trách nhiệm là cơ quan đầu mối xâu chuỗi, liên kết các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền cơ sở cùng phối hợp triển khai các chương trình, chính sách dân tộc dưới sự chỉ đạo của huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện và ngành dân tộc cấp trên.

Song để phòng Dân tộc cấp huyện thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, xứng tầm với vai trò là cơ quan thường trực công tác dân tộc thì Đảng, Nhà nước cũng cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, cán bộ làm công tác dân tộc phải thực sự tâm huyết với ngành, có trình độ năng lực, có tình thương yêu, gắn bó, đồng cam cộng khổ với đồng bào.

Hai là, phòng Dân tộc huyện phải có cán bộ là người dân tộc thiểu số thành thạo tiếng nói, chữ viết, hiểu phong tục tập quán của đồng bào thì mới thuận lợi trong công việc.

Ba là, hiện nay, hầu hết các chương trình, chính sách dân tộc được giao cho xã làm chủ đầu tư. Do vậy, cấp xã cần được định biên 1 cán bộ chuyên trách theo dõi tổng hợp báo cáo. Có như vậy, việc triển khai công tác của ngành dân tộc mới thông suốt, nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác.

Bốn là, đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện và cơ sở phải thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, do mới thành lập phòng Dân tộc cấp huyện, một số chương trình, dự án trước đây giao cho các phòng, ban khác thực hiện nên cần phải thống nhất lại những chương trình, chính sách nào thuộc trách nhiệm phòng Dân tộc trực tiếp quản lý, chương trình, chính sách nào phối hợp với các ngành nhằm gắn trách nhiệm và thuận lợi cho việc thông tin báo cáo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hy vọng với sự quan tâm chăm lo về mọi mặt của các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành cấp trên, cùng với sự cố gắng nỗ lực đoàn kết của cán bộ, công nhân viên, phòng Dân tộc cấp huyện sẽ thực sự xứng đáng là cầu nối gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, dân tộc tại địa phương.

Trịnh Xuân Giao