Sóc Trăng: Quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Khmer

03:17 11/04/2013 Lượt xem: 415 In bài viết

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư, chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer như: Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Chương trình 134, 135; Quyết định 74; các chính sách về trợ giá, trợ cước, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất. Tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động dành cho vùng đồng bào dân tộc Khmer. Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã kết hợp với Trạm Khuyến nông các huyện mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật, cung ứng các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao, chỉ dẫn bà con cách bón phân, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Hướng dẫn người dân mở rộng các mô hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ nhằm thay đổi tập quán canh tác, mở hướng làm ăn hiệu quả hơn. Qua đó, bà con Khmer đã biết sản xuất lúa chất lượng cao, biết áp dụng phương pháp sạ hàng theo lịch để tránh rầy, thực hiện chương trình quản lý dịch hại trên lúa IPM; mô hình “3 giảm, 3 tăng”. Sử dụng phân vi sinh thay phân hóa học cho năng suất cao, bảo vệ môi trường và sức khoẻ.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất, chăn nuôi cho hơn 25.000 lượt nông dân là đồng bào dân tộc Khmer, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành nhiều mô hình làm ăn mới mang lại thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/ha/năm.

Để giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương, các ngân hàng trong tỉnh đã cho hộ nghèo vay hàng nghìn tỷ đồng vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ đồng bào Khmer đã sử dụng hiệu quả đồng vốn vay trong việc phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm, chăn nuôi bò, làm hàng thủ công mỹ nghệ và làm nghề đan xuất khẩu…

Chú Thạch Huôn, ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên xúc động kể: “Trước đây gia đình mình có sáu công đất ruộng, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên không đủ ăn, mỗi bữa đều phải độn khoai. Con cái chẳng đứa nào được đi học. Mấy năm gần đây, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ vốn, Trung tâm khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cung cấp con giống, gia đình mình đã cải tạo đất nuôi tôm sú. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lợi khoảng 30 triệu đồng. Giờ gia đình đã vượt qua đói nghèo, xây nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ”. Còn gia đình ông Thạch Thanh được bà con trong xã ngợi khen vì ý chí vươn lên làm giàu. Từ một nông dân nghèo với vài công ruộng lúa, nay ông sở hữu 40 công đất lúa tăng vụ. Ông Thạch Thanh chia sẻ: Trước đây sản xuất vất vả lắm, không điện, thiếu nước, đường sá lầy lội, ổ gà đi lại khó khăn trồng cây gì cũng không bán được giá vì chi phí vận chuyển cao. Được Nhà nước làm con đường bê tông hóa từ ấp đến xã, huyện; đầu tư thủy lợi; Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chọn giống mới, cách chăm sóc, bón phân. Mình rất xem trọng IPM và thường xuyên thăm đồng để chăm sóc lúa, vì vậy ruộng lúa của gia đình mình luôn cho năng suất cao, chất lượng hạt lúa tốt nên bán được giá.

Cách đây vài năm, chị Sơn Hồng Nhỏ ở xã Tham Đôn chỉ có vài công đất, không vốn sản xuất, làm ruộng mãi vẫn không dư dả gì. Có được nguồn vốn hỗ trợ từ Quyết định 74 về chuyển đổi ngành nghề, chị mua 2 con heo về nuôi và cho ăn rau quanh nhà. Sau 4 tháng nuôi, chị bán heo và mua thêm 4 heo con về nuôi. Với tiền bán heo và được ngân hàng cho vay 10 triệu đồng chị lập vườn trại. Trong vườn trồng vú sữa, xoài và hành tím... dưới ao thả cá các loại theo mô hình VAC khép kín, mỗi năm thu hoạch gần 40 triệu đồng. Ngôi nhà vững chãi cùng vườn cây, ao cá và đàn heo trong chuồng đã nói lên hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề của gia đình chị Nhỏ. Mô hình làm kinh tế thành công đang dần hình thành ở Tham Đôn với khởi nguồn từ nhà chị Sơn Hồng Nhỏ.

Tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, Hợp tác xã nông nghiệp chuyên nuôi bò sữa mang tên EVERGOWTH, có 262 xã viên, đều là đồng bào dân tộc Khmer nuôi hơn 2.000 con bò sữa. Bình quân mỗi con bò sữa cho lợi nhuận ba triệu đồng/năm. Nhờ vậy mà các hộ xã viên đều thoát nghèo.

Hiện ở các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của tỉnh Sóc Trăng đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã. Trên 80% đồng bào Khmer được sử dụng điện, hiện tỉnh Sóc Trăng đang có chương trình đầu tư lưới điện cho vùng đồng bào Khmer, sau khi hoàn thành sẽ nâng lên đạt tỷ lệ trên 87% hộ Khmer có điện sử dụng vào cuối năm 2012. 68,21% hộ Khmer ở nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện tốt, 100% hộ nghèo đều có bảo hiểm y tế. Công tác giáo dục ngày càng được quan tâm, tỉnh đã xây dựng 7 trường dân tộc nội trú cho con em Khmer theo học. Toàn tỉnh hiện có 160 trường học dạy hai thứ tiếng Việt-Khmer. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ 30,6 tỉ đồng cho gần 30.000 lượt học sinh nghèo vượt khó trong học tập. Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đồng bào được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện và giải quyết kịp thời những phát sinh mới. Thực hiện Quyết định 167, tỉnh đã triển khai xây dựng được gần 3.000 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo với mức hỗ trợ 16,4 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn Quyết định 167 và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cộng đồng đóng góp để hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo được khang trang, chất lượng tốt hơn. Thực hiện Quyết định 74 của Chính phủ, năm 2011 Sóc Trăng đã giải ngân trên 46 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 416 hộ Khmer; hỗ trợ đất sản xuất cho 597 hộ nghèo thiếu đất sản xuất và đào tạo nghề cho 2.351 lao động; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, mua sắm công cụ cho trên 10.000 hộ.

Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2015, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quan tâm đến việc phát triển ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, huy động mọi nguồn lực vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; giải quyết tốt nhu cầu về đất sản xuất, đất ở, nhà ở. Khai thác tiềm năng và lợi thế của từng địa phương để phát triển các mô hình kinh tế hộ theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, phát triển hàng hóa xuất khẩu. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ và nhân dân...

Nói về những thành tựu kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, ông Dương Sà Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Với sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, sự điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ngành chức năng đã triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, các chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển sản xuất, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 34% (năm 2011). Ban Dân tộc tỉnh thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát để nắm sâu về kết quả triển khai thực hiện các chính sách dân tộc ở vùng đồng bào Khmer sinh sống. Qua đó đánh giá kịp thời và làm cơ sở cho việc định hướng chính sách dân tộc trong giai đoạn mới.

Phương Vy