Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác dân vận ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi

09:08 11/04/2013 Lượt xem: 369 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng miền núi của tỉnh là căn cứ địa cách mạng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Khởi nghĩa Ba tơ (1945), khởi nghĩa Trà bồng và miền Tây Quảng Ngãi (1959). Đồng bào dân tộc thiểu số một lòng, một dạ theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhiều người đã trở thành lãnh đạo chủ chốt, cán bộ đảng viên, công dân gương mẫu được nhân dân suy tôn và tín nhiệm trong quần chúng.

Xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín được Ban Dân vận tỉnh ủy đặc biệt quan tâm. Căn cứ vào Quyết định 9747-QĐ/TQ, ngày 3/9/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án xây dựng người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 25-KH/DVTU, ngày 4/01/2010 hướng dẫn triển khai thực hiện đề án. Trên cơ sở đó, Ban đã chỉ đạo cấp ủy các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú xây dựng kế hoạch tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện; Chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội đoàn thể tiến hành rà soát, lập danh sách, xác định phạm vi ảnh hưởng của người có uy tín trên địa bàn đảm bảo các tiêu chí theo đề án của Tỉnh ủy. Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động người có uy tín, tổ chức ký cam kết, giao nhiệm vụ. Đến nay, các huyện miền núi và các huyện đồng bằng có người dân tộc thiểu số đã xây dựng được 901 người có uy tín; trong đó có 01 người có uy tín cấp tỉnh, 63 người cấp huyện và 831 người cấp xã.

Các cấp ủy đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của người có uy tín ở địa phương nên luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể các cấp triển khai thực hiện việc xây dựng người có uy tín trong đồng bào các dân tộc ít người; đã kịp thời cụ thể hóa, tổ chức triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Triển khai công tác quản lý, xây dựng, tập huấn, cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động giao lưu, học tập trao đổi kinh nghiệm, thực hiện chính sách và tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín được quan tâm tổ chức.

Nhờ đó, người có uy tín trong tỉnh đã thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội-an ninh quốc phòng ở địa phương, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, của Nhà nước; các Nghị quyết của Tỉnh ủy nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020 góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi, từng bước tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa bàn, lĩnh vực trọng yếu; chủ động nắm, rà soát, phát hiện các vụ việc nổi cộm, mới phát sinh, nhất là các hoạt động truyền đạo trái phép để giải quyết, không để xảy ra điểm nóng. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì thường xuyên; các biện pháp phòng, chống các hủ tục lạc hậu được tăng cường.

Các tiềm năng về tài nguyên đất đai, nhân lực được khơi dậy, từng bước phát huy hiệu quả, xóa được tình trạng du canh, ổn định sản xuất, đưa một bộ phận dân cư thoát khỏi tình trạng sản xuất tự cấp, tự túc. Văn hóa, thông tin, phát thanh truyền hình có bước phát triển đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Kết quả giảm nghèo đạt khá, từ 74,95% năm 2006 xuống còn 53,43% năm 2011; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện một bước. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số cấp ủy đảng chậm chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định 9747-QĐ/TQ nên kết quả chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Một số địa phương khi rà soát, xây dựng, lập danh sách người có uy tín chưa bám sát đề án; một số người có uy tín chưa đảm bảo độ tuổi, sức khỏe và uy tín; chưa tổ chức gặp gỡ, trao đổi, giao nhiệm vụ cho người có uy tín nên hoạt động chưa hiệu quả, chất lượng người có uy tín chưa thật đảm bảo. Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Quyết định số 18/2011/QĐ- TTg, ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Khắc phục những hạn chế trên, trong những năm tới cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung sau đây:

Đối với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể: Tiếp tục rà soát, lập danh sách, xây dựng người có uy tín theo qui định của đề án. Định kỳ tổ chức bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho người có uy tín. Tiếp tục tổ chức vận động người có uy tín. Tiếp tục phân công, phân cấp công tác quản lý người có uy tín. Triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Quyết định 18/2011/QĐ- TTg. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết; biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số: Tiếp tục tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và người kinh trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tuyên truyền phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết các mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; vận động giáo dục người vi phạm pháp luật; nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào và cùng cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở vận động, tổ chức đồng bào thực hiện. Tham gia góp ý kiến về xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội tại địa phương. Tham gia cùng với cơ quan liên quan hướng dẫn, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về các phong trào thi đua sản xuất cũng như các cuộc vận động khác tại địa phương.

TS. Nguyễn Thị Hoài Phương