Công tác dân tộc ở huyện Bắc Trà My

10:08 25/03/2013 Lượt xem: 1649 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành và của toàn bộ hệ thống chính trị nên sau khi Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc ra đời, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã đề ra chương trình hành động, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện sâu rộng trong toàn thể các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác dân tộc trên địa bàn có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực. Sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đẩy nhanh thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Từ đó, đời sống của nhân dân các dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện nâng lên, các điều kiện về y tế, giáo dục, thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần cũng được quan tâm chăm lo nhiều hơn. Phòng Dân tộc của huyện luôn là lực lượng đi đầu, tiên phong trong việc tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc, từng cán bộ cũng đã ý thức được trách nhiệm của mình từ đó cố gắng phát huy tạo hiệu quả tối đa cho công việc được giao.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Bắc Trà My đã ưu tiên cho việc đầu tư phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào phát triển giao thông xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cụ thể về phát triển nông-lâm nghiệp đã có bước tiến rõ rệt, tạo ra khâu đột phá tăng trưởng kinh tế và năng suất cây trồng do huyện đã luôn chú trọng công tác tuyên truyền khuyến nông, khuyến lâm và hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch giống cây trồng và xác định đúng lịch thời vụ. Công tác thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 37 công trình kiên cố và 19 đập thời vụ, bê tông hóa 5,6km kênh mương, đủ nước tưới cho đồng ruộng. Tổng đàn gia súc, gia cầm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt tới 53.764 con, trong đó đàn gia súc có 13.612 con trên tổng số 103.232 con gia súc, gia cầm của toàn huyện. Đến tháng 8/2012, toàn huyện đã xây dựng được 40 trang trại trong đó có 18 trang trại với diện tích 390 ha do người đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ. Mặt khác, toàn huyện có 5.488 hộ tham gia trồng rừng với tổng diện tích 262.466 ha, trong đó đáng lưu ý là có gần 1.400 hộ người dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng với tổng diện tích là 118.025 ha.

Trong lĩnh vực đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành giáo dục, huyện đã tiến hành xây mới, kiên cố hóa, hệ thống trường lớp từ bậc học mẫu giáo, tiểu học đến trung học cơ sở ở tất cả 13/13 xã, thị trấn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu và tạo thuận lợi cho học sinh học tập. Năm học vừa qua, tổng số học sinh người dân tộc thiểu số được lên lớp là 1.456 em, đạt tỷ lệ 98%. Nhờ có những sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương nên số lượng học sinh đến lớp ngày một đông hơn, sĩ số học sinh duy trì qua các năm cũng khá cao (trên 96%). Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều khó khăn đối với các em học sinh người dân tộc thiểu số ở những thôn, nóc xa trường lớp, đường giao thông khó khăn vất vả nên huyện đã thực hiện việc hỗ trợ thêm cho các học sinh thuộc đối tượng gia đình nghèo ở bậc mẫu giáo là 70.000đồng/em, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở là 140.000đồng/em.

Chính sách hỗ trợ hộ nghèo người dân tộc thiểu số theo chương trình 134 của Chính phủ được triển khai tích cực và đạt hiệu quả cao. Đã hỗ trợ xóa 2.388 nhà tạm và xây dựng 39 công trình nước sinh hoạt đảm bảo yêu cầu vệ sinh tạo bước chuyển biến quan trọng trong tập tính sinh hoạt của đồng bào các dân tộc, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được ngành y tế coi trọng, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, nên hàng năm có khoảng 90.000 lượt bệnh nhân được khám và chữa bệnh, trong đó tuyến xã đạt trên 50.000 lượt. Tổng số hộ nghèo mà phần lớn là người dân tộc thiểu số được cấp 21.632 sổ khám chữa bệnh miễn phí gắn với thực hiện các chương trình y tế quốc gia.

Về xây dựng đội ngũ cán bộ, đến nay sau quá trình đào tạo, bồi dưỡng huyện đã có được một đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên về số lượng và chất lượng. Số cán bộ đó được bố trí đều khắp trong hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể nhân dân từ huyện đến cơ sở. Trong đó khối xã là 242 người, khối cơ quan thuộc huyện quản lý 125 người với 51 người có trình độ Cao đẳng, đại học, 156 người có trình độ trung học chuyên nghiệp… Năm học vừa qua huyện cũng đã gửi xét cử tuyển 117 em vào học các trường đại học trong và ngoài tỉnh, đồng thời cũng cử đi đào tạo cao học một cán bộ cấp huyện.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bắc Trà My cũng luôn được chính quyền huyện quan tâm, đầu tư. Nhìn chung, đồng bào các dân tộc ở trên địa bàn huyện vẫn duy trì được các tập tục truyền thống tiến bộ trong ma chay, cưới hỏi, tết mùa và duy trì phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống như múa cồng chiêng, hát lý, hát đối đáp.. cũng như duy trì việc sử dụng các nhạc cụ mang bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc như đàn nước, amáp, bró, katóc… Do đó, Ủy ban nhân dân huyện đã hỗ trợ mỗi xã vùng dân tộc thiểu số 10 triệu đồng mua sắm, bổ sung bộ cồng chiêng và hàng năm địa phương đều tổ chức các lễ hội như tết mùa, ăn trâu huê, ăn trâu lá, lễ cầu mưa, cúng máng nước…

Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc riêng mỗi dân tộc, chính quyền huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa-Thông tin huyện xây dựng đề án Nhà làng truyền thống và đề án điều tra, sưu tầm văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và tiến hành khôi phục làng rượu cần tại xã Trà Bui. Tổ chức các giải thể thao nhằm bảo lưu những môn thể thao truyền thống như đẩy gậy, bắn ná, kéo co, leo núi… Đồng thời tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật quần chúng nhằm bảo lưu các làn điệu dân ca, dân vũ, các nhạc cụ truyền thống và các phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

ThS. Văn Nam Thắng