Mô hình kết nghĩa bản - bản ở tỉnh Quảng Trị

10:52 25/03/2013 Lượt xem: 490 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Địa hình hai bên đường biên giới rừng núi phức tạp, sông suối chia cắt; thời tiết khí hậu khắc nghiệt như giông, lốc tố, lũ quyét, nắng nóng… ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và công tác quản lý và bảo vệ biên giới. Cư dân sống hai bên biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Pacô, Vân kiều, canh tác bằng nghề nông, nương rẫy là chủ yếu nhưng còn lạc hậu. Kết cấu cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp hai bên cần quan tâm giải quyết. Đó là hoạt động ngầm của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, dân tộc kích động, lôi kéo quần chúng gây rối an ninh chính trị, trật tự xã hội. Các loại tội phạm ma túy, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, đưa đón người qua biên giới trái phép; tệ nạn rựơu chè, cờ bạc, trộm cắp ngày càng gia tăng. Một bộ phận nhân dân nhận thức về chủ quyền quốc gia, quốc giới vẫn còn hạn chế, vẫn theo phong tục tập quán người dân tộc thiểu số nên tình trạng, xâm canh, xâm cư, chăn thả gia súc, chôn cất mồ mả, chuyển nhượng mua bán đất đai…không tuân thủ theo pháp luật dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Thực hiện chủ trương, quan điểm nhất quán của hai Đảng, hai Nhà nước trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào. Tỉnh Quảng Trị và hai tỉnh biên giới Lào hội đàm thống nhất phối hợp bảo vệ đường biên giới, ổn định an ninh trật tự xã hội, phát triển kinh tế các bản. Ngày 17/10/2007 Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ra Nghị quyết số 09/NQ-TV về tăng cường công tác đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế từ 2007 đến 2010, có tính đến năm 2015; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 9g/NQ-HĐND về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nghiên cứu tham mưu đề xuất hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ biên giới và tăng cường công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì phối hợp với các cơ quan, cấp ủy, chính quyền huyện Hướng Hóa và Đakrông, các xã biên giới xây dựng đề án: Phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự (thôn) bản khu vực biên giới, gắn với việc tổ chức thực hiện kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới.

Sau 5 năm tỉnh Quảng Trị tổ chức phát động, xây dựng mô hình kết nghĩa bản-bản đối diện hai bên biên giới có 100% (thôn) bản được ký kết. Hơn 9.866 hộ biên giới đăng ký cam kết, được địa phương trao quyết định giao đất, giao rừng cho các hộ gia đình canh tác bảo vệ đường biên. Qua công tác tuyên truyền của bộ đội biên phòng, các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể địa phương đã đề cao được trách nhiệm cá nhân, gia đình, phát huy được vai trò già làng, trưởng bản, người đứng đầu các dòng họ trong vận động nhân dân thực hiện qui chế cam kết tự quản. Nhận thức về biên giới và chủ quyền biên giới quốc gia của nhân dân được nâng lên trong hoạt động lao động sản xuất khi tiếp giáp đường biên người dân đã nhận biết được dấu hiệu, cột mốc trong phạm vi gia đình (thôn) bản mình tránh vi phạm pháp luật về biên giới. Công tác hướng dẫn giúp nhân dân làm ăn, phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe được các bản ở Quảng Trị giúp các bản Lào. Việc nắm tình hình, tham gia quản lý bảo vệ đường biên, phát hiện vụ việc trong các bản vùng biên được nhanh chóng kịp thời hiệu quả hơn. Nhân dân cặp bản đã cung cấp cho bộ đội biên phòng 589 nguồn tin về trật tự xã hội, phối hợp giúp bộ đội biên phòng bắt 69/126 đối tượng buôn bán vận chuyển Ma túy; 15,837 kg Cần Sa, thu 2393 tép và 08 bánh Hêrôin, hằng trăm viên Ma túy tổng hợp, 2.201 kg thuốc nổ, 19 xe ô tô, 36 xe máy, 06 súng quân dụng, bắt 02/04 đối tượng buôn bán phụ nữ qua biên giới, 03/06 vụ đối tượng tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Trong giải quyết an ninh, trật tự tại các bản, bộ đội biên phòng đã tham mưu cho địa phương xử lý 249/339 đối tượng vi phạm đúng pháp luật, hòa giải 18 vụ tranh chấp trong nội bộ nhân dân.

Sơ kết việc thực hiện kết nghĩa, vừa qua của 21 cặp bản tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, 01 cặp bản tổ chức tại tỉnh Savanakhet và 01 cặp bản tổ chức tại tỉnh Salavan (Lào) đã khẳng định: Mô hình kết nghĩa bản-bản của tỉnh Quảng Trị là cách làm sáng tạo trong chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng ta. Việc kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới đã góp phần ổn định chính trị, bảo đảm được tình hình an ninh trật tự mà còn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đã huy động được sức mạnh tổng hợp đầu tư của các cấp, ngành, các lực lượng và nhân dân hai bên biên giới trong phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự (thôn) bản khu vực biên giới. Thông qua kết nghĩa đã tạo nên sức mạnh cả vật chất và tinh thần, khơi dậy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác hai nước cùng phát triển là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua đây rút ra một số kinh nghiệm, để việc kết nghĩa bản-bản ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực hiệu quả lâu dài hơn.

Một là, khi Đảng có chủ trương thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo được chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, ngành và nhân dân hai bên biên giới về chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Bởi thực tiễn cho thấy, nhận thức không chỉ chủ trương mà trực tiếp là những người dân sống, làm việc ở đây hiểu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là nhiệm vụ của mình. Họ cần biết cả những phong tục tập quán, pháp luật cũng như những thuận lợi khó khăn trong quan hệ giao lưu, ngoại giao nhân dân. Thông qua việc làm thiết thực giúp nhau về giống, kỹ thuật sản xuất, tuyên truyền xóa bỏ hủ tục lạc hậu, qua giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…để hiểu nhau hơn. Nhờ đó phát huy sức mạnh quần chúng ổn định đời sống cùng nhau bảo vệ, quản lý, xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Hai là, phát huy tốt vai trò tham mưu của lực lượng chuyên trách bảo vệ biên giới. Bộ đội biên phòng mà trực tiếp là các đồn biên phòng là lực lượng nòng cốt, chủ yếu tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức đoàn thể các xã, cụm xã biên giới tổ chức các hoạt động đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân. Hướng dẫn giúp đồng bào các bản khi gặp khó khăn, đề xuất với cấp trên hỗ trợ, giải quyết những công việc thiết thực hiệu quả, đúng luật.

Ba là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn phải cụ thể, sâu sát. Vì người dân sống ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, có mối quan hệ với nhau lâu đời, trình độ vẫn hạn chế nên lãnh đạo kết nghĩa phải cụ thể, ngắn gọn, dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Lãnh đạo luôn tạo điều kiện cho lực lượng chức năng, nhân dân đẩy mạnh hoạt động giao lưu, kết nghĩa, kịp thời thăm hỏi, động viên khen thưởng…là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động kết nghĩa bền vững.

Bốn là, nêu cao tính tự chủ, tính sáng tạo trong nhân dân. Chủ trương kết nghĩa bản-bản hai bên biên giới đã được dân bàn bạc thống nhất. Các nội dung, quy chế kết nghĩa nhân dân hai bên xây dựng, ký kết trên cơ sở định hướng của cấp ủy đảng, chính quyền, phù hợp phong tục tập quán sinh hoạt của nhân dân hai bên biên giới. Sau khi thống nhất nhân dân hai bản hai bên nắm rõ cam kết thực hiện và có nội dung được bổ sung sửa đổi, tạo điều kiện cho nhân dân tự giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống.

Năm là, biết phát huy vai trò của già làng, trưởng bản. Đây là những người có uy tín trong cộng đồng dân bản, trong hoạt động kết nghĩa rất cần những người này tham gia để giải quyết các vấn đề liên quan đến phong tục, tập quán như: Rừng ma, kết hôn qua biên giới, xâm canh…Khi biết động viên, khuyến khích các gìa làng, trưởng bản tham gia tích cực công việc bản thì kết hợp vấn đề tục lệ vùng dân tộc thiểu số sẽ nhanh chóng được giải quyết.

Sáu là, chính quyền, cơ quan chức năng thường xuyên duy trì giao ban, kiểm tra đôn đốc, thăm hỏi động viên nhau kịp thời. Qua đây nắm bắt thông tin, giải quyết sự việc, các vấn đề mới phát sinh và động viên phát huy những nhân tố tích cực trong xây dựng bản. Thời gian, mối quan hệ gần gũi sợi dây tình cảm gắn bó, hữu nghị truyền thống đặc biệt lâu dài vốn có của đồng bào hai bên biên giới Việt Nam-Lào giúp nhau ổn định, cùng phát triển.

ThS. Vũ Xuân Thủy