Trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã nghèo ở huyện Sơn Động
08:38 11/04/2013 Lượt xem: 347 In bài viếtHuyện Sơn Động là một trong số 62 huyện nghèo nhất cả nước thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Địa bàn huyện rộng, hầu hết là đồi núi trong khi dân cư thưa thớt, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Đời sống của đại bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán sản xuất còn lạc hậu. Nhiều xã trình độ của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. 19 trí thức trẻ đăng ký và được phân công nhận nhiệm vụ tại các xã của huyện hầu hết là người địa phương, có trình độ đại học trở lên, có nguyện vọng và quyết tâm gắn bó, phục vụ quê hương. Trong số đó, người nhiều tuổi nhất sinh năm 1983, trẻ nhất sinh năm 1989, có sáu nữ, 15 người là người dân tộc thiểu số.
Bùi Thị Kim Dung, sinh năm 1983, quê An Châu (Sơn
Động), được phân công tập sự Phó chủ tịch tại xã Cẩm Đàn. Tốt nghiệp Đại học
Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Dung nộp đơn vào dự án 600 trí thức trẻ. Đợt học
tại Việt Trì vừa qua, em được bầu làm lớp phó, về tập sự tại địa phương lại được
cử làm phó đoàn của 19 Phó chủ tịch tương lai. Theo chuyên ngành đào tạo, Dung
được phân công phụ trách mảng kinh tế. Năm tuần lăn lộn, làm quen hầu hết các
phòng, ban ở huyện, các ban của xã và đi hết các thôn, bản trong xã, Dung bắt
tay xây dựng đề án “Đưa ứng dụng khoa học-kỹ thuật chăm sóc cây vải thiều”. Em
chia sẻ cùng chúng tôi lý do chọn đề án này bởi: “Bà con trồng nhiều vải thiều
nhưng hầu như chưa có kiến thức chăm sóc đúng nên năng suất, chất lượng quả rất
thấp. Em hi vọng đề án này được ứng dụng thành công sẽ thay đổi quan niệm của bà
con về áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất”.
Không phải là người địa phương nhưng Đào Hải Hà, sinh năm 1984, tại Lạng Giang (Bắc
Giang) đã thể hiện quyết tâm gắn bó với xã nghèo Vĩnh Khương bằng cách… cưới
luôn một cô gái Vĩnh Khương. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà nộp đơn xin
tham gia dự án và được chấp thuận. Về tập sự tại xã, anh chàng bén duyên một cô
gái làng. Thế là cưới và đồng chí Phó chủ tịch tương lai được nhập hộ khẩu về xã,
trở thành một công dân “xịn” của địa phương. Đề án của Hà về “Xây dựng Hợp tác
xã nông nghiệp” vận dụng những kiến thức đã học ở trường và kinh nghiệm thực tế
địa phương gắn liền với đời sống, điều kiện canh tác của bà con trong xã. Mong
muốn của Đào Hải Hà là giúp bà con nông dân đưa khoa học-kỹ thuật vào sản xuất
nông nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình cây, con đặc sản, trồng rừng kinh tế
theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã. Đây là mô hình có tính khả thi cao trong điều
kiện xã Vĩnh Khương còn nhiều khó khăn do thiếu nước sản xuất.
Sinh năm 1989, Nông Huệ Phương, cô cử nhân Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên lại chọn
cho mình đề tài “Phát triển chăn nuôi lợn nái sinh sản”. Đề tài khiến nhiều cán
bộ xã Lệ Viễn, nơi Phương thực tế khen cô là “dũng cảm”. Mà quả là Phương dũng
cảm thật, cô không e ngại hay đỏ mặt trước những câu hỏi rất thật thà của bà con
nông dân về những kiến thức chăn nuôi được học. Thậm chí cô sẵn sàng xắn quần áo,
“cầm tay chỉ việc” tại chỗ cho bà con. Tiếp xúc với Phương, ở cô gái nhỏ nhắn
này hội đủ yếu tố của một cán bộ xã miền núi: không ngại khó, ngại khổ, ngại xa,
cô đã đi đến từng nhà dân trong bản hướng dẫn, giúp đỡ cho bà con biết áp dụng
khoa học-kỹ thuật vào chăn nuôi. "Đúng chuyên môn thì em không ngại nhưng về
phương pháp làm việc, phương pháp quản lý của một cán bộ xã thì em còn phải học
hỏi nhiều lắm. Ở đây các chú, các anh và bà con đều rất nhiệt tình chỉ bảo nên
em cũng vỡ ra nhiều điều", Phương tâm sự.
Đối với 19 trí thức trẻ được phân công về Sơn Động, các bạn đã qua thời gian tập
sự hoàn hảo và đều có những ý tưởng khá lý thú, táo bạo cho đề án của mình. Tất
cả đều gắn với thực tế địa phương và thực sự có giá trị, ví dụ như đề án về phát
triển cây vụ đông; mở rộng hệ thống thuỷ lợi; phát triển trang trại; lúa lai...
Nhìn chung việc thực hiện dự án 600 trí thức trẻ ở Bắc Giang là khả quan. Trao
đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang cho
biết: "Do đặc thù Bắc Giang đã được Bộ Nội vụ cho phép chọn người tại địa phương
khi thực hiện dự án. 19 trí thức trẻ được chọn đã qua thẩm định, đánh giá của
hội đồng cấp tỉnh và được cử đi học. Qua đợt thực tế năm tuần tại xã, các bạn đã
hoàn thành đề án của riêng mình và bảo vệ trước Hội đồng cấp Bộ. Theo đánh giá
sơ bộ, về cơ bản các bạn đều hoàn thành khoá đào tạo và tập sự, bây giờ chỉ chờ
các bạn hoàn thành công việc của mình trên cương vị Phó chủ tịch xã chính thức
mà thôi".
Bắt đầu từ tháng 5/2012, các đội viên thuộc dự án 600 trí thức trẻ được nhận
lương và các chế độ đãi ngộ khác như một chức danh Phó Chủ tịch xã vùng đặc biệt
khó khăn. Đó là tin vui nhưng cũng đặt lên vai những trí thức trẻ trách nhiệm
thật nặng nề trong nhiệm vụ dùng kiến thức, kỹ năng được học để góp phần thúc
đẩy sự phát triển của các xã đặc biệt khó khăn. Sau khi về xã, mỗi năm các trí
thức trẻ đều có đánh giá, nhận xét của lãnh đạo xã, huyện và sau năm năm là dịp
tổng kết dự án cấp Bộ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nhưng như thế,
nói như Bùi Thị Kim Dung, "không phải vì sợ đánh giá mà gắng sức làm việc, chúng
em sẽ thực hiện nhiệm vụ bằng tất cả năng lực vì lương tâm, danh dự của những
người thanh niên trí thức xã hội chủ nghĩa đối với bản thân và cộng đồng".
Nguyễn Quang Hải