Trạm Tấu đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

10:16 11/04/2013 Lượt xem: 423 In bài viết

Trong những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, huyện Trạm Tấu đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đặc biệt coi trọng việc đào tạo nghề để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương.

Để thu hút lao động nông thôn tham gia học nghề, huyện đã đề ra một số giải pháp như: Chỉ đạo các xã, thị trấn tiến hành phân loại hộ nghèo, số người trong độ tuổi lao động và các nguyên nhân dẫn tới đói nghèo... Cùng với việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề, gắn dạy nghề với nhu cầu việc làm, có chế độ khuyến khích người học nhằm từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động; Đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị vật tư thực hành; bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, thợ hướng dẫn thực hành nghề cho Trung tâm Dạy nghề, Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện - những đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các lớp dạy nghề, các khóa học chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho người dân. Để nắm được thực trạng sử dụng lao động và nhu cầu nguồn lực theo cơ cấu nghề của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huyện đã tổ chức đi khảo sát, thống kê lực lượng lao động và nhu cầu lao động để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu ngành nghề lao động tại địa phương; Phối hợp với chính quyền địa phương điều tra nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động ở từng xã, thị trấn để xây dựng kế hoạch đào tạo theo ngành nghề, lĩnh vực và quy mô đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sử dụng nhiều kênh thông tin như: phát thanh-truyền hình, tờ rơi, áp phích, thành lập các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm, tuyên truyền các gương điển hình làm kinh tế giỏi, các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để vận động các đối tượng trong độ tuổi lao động tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn, dài hạn; tổ chức các lớp dạy nghề tại chỗ với từng ngành nghề phù hợp với người học và điều kiện thực tế tại địa phương; ưu tiên con em các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo; bên cạnh đó, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh Yên Bái, huyện cũng có nhiều chính sách ưu đãi cho người học nghề như hỗ trợ kinh phí học nghề ngắn hạn, dạy nghề gắn với tạo việc làm. Sau học nghề, nhiều lao động được hỗ trợ tìm việc làm, giải quyết việc làm theo nhu cầu sử dụng lao động địa phương. Giới thiệu các học viên đã qua đào tạo nghề làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời tạo điều kiện cho các học viên được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2011, huyện Trạm Tấu đã đào tạo nghề cho 665 lao động, tăng 325 lao động so với năm 2010 với các nghề: trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, nghề may… Qua lớp học nghề, có khoảng 80% học viên nắm vững kiến thức đã học và áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông sản; 30% lao động học nghề sửa chữa xe máy đã mở dịch vụ sửa chữa tại các thôn, bản. Huyện đã giải quyết việc làm cho 861 lao động, chủ yếu là việc làm tại địa phương. Trong năm 2012, Trạm Tấu phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 750 người và số lao động được đào tạo nghề là 700 người.

Bà Huỳnh Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu cho biết: Để các học viên tích cực tham gia lớp học và đạt hiệu quả, Trung tâm đã khảo sát nhu cầu học nghề của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để xây dựng kế hoạch tuyển sinh dựa trên nhu cầu của người lao động. Nhiều lớp đào tạo nghề được mở tại các thôn, bản nên học viên đi lại thuận lợi, thời gian mở lớp không trùng với thời điểm mùa vụ. Ngoài ra, các học viên theo học được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, sách vở tài liệu học tập và không phải đóng học phí. Trong quá trình học, cán bộ và giáo viên thường xuyên đánh giá chất lượng học tập. Đồng bào dân tộc thiểu số trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế vì vậy để họ tiếp thu được kiến thức về nghề, đặc biệt là các từ ngữ kỹ thuật, giáo viên thường chú trọng đến phương pháp cầm tay chỉ việc với cách làm đơn giản, dễ hiểu, tăng thời gian thực hành để giúp họ tiếp thu kiến thức và nắm bắt các tiến bộ khoa học-kỹ thuật dễ dàng hơn. Việc đổi mới và phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề được cập nhật thường xuyên phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, xây dựng giáo trình học nghề theo hướng coi trọng phương pháp thực hành để công tác đào tạo nghề cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Trung tâm còn trao đổi với các doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh, huyện về chất lượng đào tạo nghề. Qua đó, giúp Trung tâm đổi mới phương pháp giảng dạy, đồng thời căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp, phối hợp xây dựng quy hoạch đào tạo cho sát nhu cầu sử dụng lao động.

Tại xã Hát Lừu, Trung tâm Dạy nghề và Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức các lớp dạy nghề sửa chữa xe máy, điện dân dụng, nghề may và các khóa học chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Trạm Khuyến nông đã xây dựng mô hình sản xuất nấm thương phẩm, tập huấn, hướng dẫn cho đồng bào dân tộc quy trình kỹ thuật sản xuất một số loại nấm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Các học viên sau khi tham gia lớp học đã áp dụng có hiệu quả các kiến thức đã được học để phát triển kinh tế gia đình, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Lò Văn Thạch ở thôn Lừu 1, lúc nào cũng đông khách. Anh Thạch cho biết: Gia đình mình trước đây suốt ngày lăn lộn với ruộng, vườn nhưng vẫn nghèo. Được tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện, mình rất hứng thú và chăm chỉ học, chương trình đào tạo dễ hiểu do giáo viên giảng lý thuyết đến đâu được thực hành luôn đến đó. Sau khi học song mình đã vay vốn mở cửa hàng sửa chữa xe máy, trung bình mỗi ngày sửa từ 7-10 xe máy, trừ chi phí, mỗi tháng mình thu nhập được trên 6 triệu đồng. Anh Thạch mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mở rộng cửa hàng, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho công việc.

Chị Mùa Thị Nà, sau khi được học lớp trồng nấm, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất nấm, chị đã vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng nấm. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm và lấy ngắn nuôi dài, hiện nay gia đình chị có 500 m2 dành cho trồng nấm, trong đó có một khu phối trộn nguyên liệu (mùn cưa, rơm…), một kho cấy meo, một kho ủ nguyên liệu đã đóng bao, một nhà lồng chăm sóc nấm. Khu trồng nấm của gia đình chị có gần chục luống nấm, với lợi nhuận từ 200.000 đến 300.000 đồng/ngày. Mô hình trồng nấm của gia đình chị Nà đang được nhiều bà con địa phương nhân rộng.

Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hát Lừu cho biết: Chủ trương đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ của huyện rất phù hợp với điều kiện thực tế của xã. Tỷ lệ người học nghề có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo đạt từ 70% trở lên và bảo đảm việc làm phù hợp với nghề đã học. Qua các lớp học nghề đã trang bị cho đồng bào dân tộc những kiến thức cơ bản về các ngành nghề mà họ tham gia học tập, người dân biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã xác định, công tác đào tạo nghề gắn với việc giải quyết việc làm tại chỗ sẽ mang lại hiệu quả cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân địa phương. Tuy nhiên, thời gian đào tạo các nghề như: sửa chữa xe máy, cơ khí, sửa chữa đồ điện… từ 1-3 tháng là không phù hợp, nghề này đòi hỏi yếu tố thực hành cao, học viên có ít thời gian để học thực hành. Mức hỗ trợ học viên là dân tộc thiểu số học nghề 140.000 đồng/tháng đến nay không phù hợp, các em gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống, dễ nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ học giữa chừng.

Có thể khẳng định, việc quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm là một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền huyện Trạm Tấu. Đây là lời giải cho bài toán giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước giúp người nông dân có tay nghề phù hợp. Tỷ lệ lao động nông thôn được qua các lớp đào tạo nghề hàng năm đều tăng. Cùng với sự cố gắng nỗ lực cao của các cấp, ngành với những giải pháp hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm giảm 8%. Trong thời gian tới, huyện Trạm Tấu sẽ tiếp tục khai thác và kết hợp các hình thức đào tạo nghề tại chỗ và liên kết đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn được lựa chọn ngành nghề, có việc làm nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Nguyễn Kim Nhung