Kết quả sau hơn một năm thực hiện dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã nghèo

10:45 25/03/2013 Lượt xem: 325 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Để đáp ứng nhu cầu tăng cường đội ngũ cán bộ cho các huyện nghèo và phù hợp với thời gian hoạt động của Hội đồng nhân dân xã nhiệm kỳ 2011-2016, ngày 5/5/2011, tại Hội nghị triển khai thực hiện dự án do Bộ Nội vụ tổ chức, các tỉnh có huyện nghèo đều thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép trong năm 2011 và 2012, tổ chức tuyển chọn để tăng cường ngay các trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đề nghị này của Bộ Nội vụ và các địa phương bằng Quyết định 1097/QĐ-TTg ngày 8/7/2011 sửa đổi, bổ sung Quyết định 170/QĐ-TTg cho phép đến tháng 12/2012 phải tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí đủ 600 trí thức trẻ tăng cường về làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo.

Dự án được xã hội rất quan tâm, trên 1.700 đoàn viên thanh niên đã gửi hồ sơ đăng ký tuyển chọn. Sau 1 năm, các tỉnh đã tuyển chọn được 559 đội viên. Các đội viên trúng tuyển đều phải trải qua vòng sơ tuyển, xem xét quá trình học tập, tư cách đạo đức; vòng phỏng vấn xem xét khả năng ứng xử và giải quyết các tình huống… nên đều đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện quy định, có trình độ đại học với chuyên ngành chủ yếu là Kinh tế, Nông lâm nghiệp, Hành chính, Luật… Đa số các đội viên được tuyển chọn có trình độ đại học loại khá, tuổi đời chưa tới 30, là Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, có phẩm chất, sức khỏe, nhiệt huyết, tinh thần tình nguyện cống hiến góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội các xã nghèo. Có tới 85% đội viên được tuyển chọn là người tại tỉnh. Nhiều đội viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, hiểu biết phong tục tập quán, biết tiếng dân tộc, là điều kiện rất thuận lợi khi làm phó chủ tịch tại những xã nghèo có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao.

Đến nay, Ban Quản lý dự án đã tập huấn xong cho 559 đội viên, nhiều đội viên đã được đưa xuống cơ sở. Nội dung tập huấn gồm: 6 tuần học lý thuyết với các kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực ở xã (quy định tại điều 111-118 trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân); 13 kỹ năng cần thiết như: cách lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, kỹ năng tổ chức, điều hành, giám sát, tiếp dân, phương pháp tiếp cận già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, giải quyết khiếu nại, tố cáo…Sau đó, các đội viên được đưa đi thực tiễn tại cơ sở trong thời gian 5 tuần. Tuần đầu tiên, các đội viên tới huyện và phải nhanh chóng nắm được điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, điều kiện tự nhiên, xã hội, phong tục tập quán đặc thù cũng như cơ cấu tổ chức chính quyền, chức năng, nhiệm vụ của phòng, ban chuyên môn của địa phương để tiện liên hệ khi về xã công tác. Tiếp đó, các đội viên có 4 tuần về xã thực tập. Trong thời gian này, các đội viên thường xuyên được cử xuống cơ sở để nắm bắt địa bàn và phát hiện những vấn đề cấp thiết cần triển khai ngay, trên cơ sở đó đề xuất với cấp ủy, chính quyền xã cho các đội viên được làm đề án phát triển kinh tế-xã hội, lấy đó làm tác phẩm đầu tay khi về công tác tại địa phương. Nguyên tắc thống nhất là đội viên được bố trí thực tập ở xã nào thì phân công về công tác tại xã đó. Hiện nay, các trí thức trẻ đang trong thời gian ổn định, tiếp cận với công việc và được tập thể Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã giao nhiệm vụ. Bản thân các trí thức trẻ đã tích cực bám cơ sở, xuống thôn, bản nắm tình hình, tham mưu được một số việc cho thường trực Ủy ban nhân dân xã.

Lãnh đạo chính quyền các tỉnh đều đánh giá dự án là một bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, giúp địa phương tăng nguồn lực lãnh đạo, tuyển chọn cán bộ cho nhiệm kỳ tới; đồng thời tin tưởng, kỳ vọng với kiến thức, tri thức đã được học, với sức trẻ, nhiệt huyết, động lực chính đáng và tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, khi về các địa phương khó khăn, các trí thức trẻ sẽ phát hiện nhiều vấn đề và tìm ra được các giải pháp, đóng góp sức mình vào sự phát triển của xã nghèo.

Tuy tiến độ triển khai dự án khá nhanh nhưng các tỉnh hiện đang tuyển thiếu 41 chỉ tiêu so với nhu cầu do nhiều nguyên nhân. Có tỉnh vì xa xôi, điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn như Lai Châu còn thiếu 12 đội viên, Điện Biên thiếu 4 đội viên…, có tỉnh thay đổi về nhu cầu số lượng. Tỉnh Nghệ An, giảm 14 nhu cầu do đã bầu bổ sung được 14 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong nhiệm kỳ 2011-2016… Ban Quản lý dự án đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chuyển đội viên từ những tỉnh giảm nhu cầu sang những tỉnh tăng nhu cầu do đã nhận được văn bản của một số tỉnh như: Quảng Nam đề nghị tăng thêm 8 đội viên, Điện Biên đề nghị tăng thêm 16 đội viên cho huyện Mường Nhé…

Tuyển chọn trí thức trẻ về làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nghèo là sáng kiến trong công tác tổ chức cán bộ vì lần đầu tiên thực hiện đưa trí thức trẻ tình nguyện về làm ngay lãnh đạo xã. Lãnh đạo các địa phương đề nghị không nên coi trí thức trẻ tình nguyện là một sản phẩm riêng biệt so với đội ngũ cán bộ cơ sở hiện có nhằm tránh tình trạng có sự phân biệt giữa cán bộ sở tại và những sinh viên tình nguyện, dẫn đến xa cách, khó hòa nhập giữa trí thức trẻ với cán bộ xã. Mặt khác, đa số trí thức trẻ chưa phải là đảng viên nên không được dự họp đảng, đồng nghĩa với việc nắm và triển khai các nghị quyết của cấp ủy địa phương khó kịp thời. Hiện, Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ đang phối hợp xây dựng cơ chế để có thể chỉ định các đội viên tham gia cấp ủy, tạo thuận lợi cho công tác. Mới đây, sau khi kiểm tra thực tế tại tỉnh Cao Bằng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo: Trước mắt, lãnh đạo tỉnh, huyện và xã cần giúp đỡ các đội viên nắm bắt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện và xã nơi công tác, hiểu sâu chương trình công tác của tỉnh, huyện và xã trong lĩnh vực được phụ trách (văn xã, kinh tế); nắm vững phương thức sử dụng kinh phí của tỉnh, huyện, xã trong lĩnh vực mình phụ trách; làm quen với các phòng chức năng của huyện và cán bộ phụ trách lĩnh vực của mình ở xã. Đối với các đội viên phụ trách kinh tế (nông lâm nghiệp) của xã mà không được đào tạo ở bậc đại học về Kinh tế và Nông nghiệp, tỉnh cần tổ chức bồi dưỡng kiến thức một cách phù hợp, trong 6 tháng để các đội viên có đủ năng lực tự học thêm và thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo các huyện định kỳ tiếp xúc, nắm bắt, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đội viên; chỉ đạo các phòng, ban duy trì kênh trao đổi công tác chuyên môn thường xuyên với các đội viên; hỗ trợ, khuyến khích học tiếng dân tộc, quan tâm bổ sung phương tiện làm việc (máy tính, internet), tạo điều kiện để các giải pháp, sáng kiến của đội viên được thực hiện. Cần hỗ trợ hướng dẫn các đội viên xây dựng danh mục các việc phải hoàn thành trong thời gian 3 tháng và 6 tháng khi bắt đầu về công tác ở xã, để việc thâm nhập thực tế ở xã và làm quen với chủ tịch, phó chủ tịch xã được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Bí thư đảng ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ, đồng thời quán triệt cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để đội viên dự án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mới chỉ có 3, 4 tháng công tác tại xã là khoảng thời gian quá ngắn để đánh giá hiệu quả làm việc của các trí thức trẻ được tuyển chọn làm phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nghèo, nhất là khi địa bàn công tác của họ chủ yếu là các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số. Để hỗ trợ hoạt động của các trí thức trẻ, Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ đang nghiên cứu các cách thức để kết nối các đội viên của dự án như: thiết lập Website, xuất bản Bản tin dự án 600 phó chủ tịch xã nhằm chia sẻ các tình huống, kinh nghiệm, thành lập Câu lạc bộ phó chủ tịch xã trẻ, lập các diễn đàn để đội viên đối thoại với lãnh đạo tỉnh, huyện… Sự hỗ trợ của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương là yếu tố cần. Song muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, các trí thức trẻ cần tiếp tục rèn luyện để nâng cao tinh thần không ngại khó, ngại khổ, chủ quan, thiếu tích cực học hỏi… bên cạnh việc tiếp tục phát huy cao độ tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiệt huyết tuổi xuân và lý tưởng cống hiến sức trẻ, tri thức, góp phần đưa vùng miền núi, dân tộc sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Hoàng Thu