Chuyển đổi sản xuất để thoát nghèo
10:03 25/03/2013 Lượt xem: 396 In bài viếtToàn Sơn là xã thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Cả xã có 1.200 hộ với hơn 5.000 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Dao... nhưng có tới 31% là hộ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu do trình độ dân trí thấp, giao thông khó khăn, địa hình chia cắt, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vào mùa mưa lũ thường xuyên gây sạt lở, tắc đường khiến cho một bộ phận dân cư bị chia cắt với phần còn lại của xã càng làm đời sống của bà con ngày càng thiếu thốn.
Bên cạnh đó, gần một nửa dân số trong xã thuộc diện
tái định cư vùng lòng hồ sông Đà, thiếu diện tích đất sản xuất. Từ nhiều năm
nay, cây lương thực chủ yếu của người dân Toàn Sơn chỉ là ngô, lúa một vụ… nhưng
năng suất thu được không cao. Nếu chỉ trông vào năng suất cây trồng canh tác
được, nhiều hộ trong xã chỉ đủ gạo ăn khoảng 3 tháng là hết phải chuyển sang ăn
ngô. Vì thế hết thời vụ nhiều người phải đi tìm việc làm thuê để có thêm thu
nhập ổn định cuộc sống, số khác lại vào rừng mưu sinh. Cuộc sống rất vất vả mà
quanh năm vẫn nghèo đói. Do vậy, có nghề phụ phù hợp để ổn định cuộc sống luôn
là mơ ước của nhiều người dân cũng như chính quyền xã.
Nắm bắt được nhu cầu và nguyện vọng của bà con xã Toàn Sơn, từ tháng 2/2012 dự
án AFAP và Công ty TNHH Thành Luân ở huyện Đà Bắc đã tổ chức lớp học nghề sản
xuất chổi chít xuất khẩu tại xã. Trước mắt chưa có điều kiện làm xưởng công ty
đã mượn tạm nhà văn hoá của xóm vừa làm chỗ học nghề vừa làm xưởng sản xuất.
Ngay từ đầu, lớp học đã có 30 người tham gia. Sau 40 ngày học nghề các học viên
đã làm ra được sản phẩm đầu tiên đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo dự án, mỗi học
viên đi học được hỗ trợ 500.000 đồng/lần. Sau khi học thành nghề, công ty Thành
Luân tiếp nhận làm công nhân hợp đồng và tổ chức thu mua chít cho lao động sản
xuất ngay tại xóm, công lao động được tính dựa trên số lượng sản phẩm làm được.
Nghề làm chổi chít xuất khẩu nhanh chóng có chỗ đứng vững chắc ở Toàn Sơn bởi sự
hưởng ứng nhiệt tình của đa số người dân đang mong mỏi có được công việc cho thu
nhập ổn định. Tiếp chuyện chúng tôi, chị Đinh Thị Huê ở xóm Chúc Sơn phấn khởi
ra mặt, chị kể trong khi tay vẫn không ngừng móc chổi: "Nhà tôi có 5 khẩu nhưng
chỉ có hơn 1.600m2 đất bãi để trồng ngô. Sau mỗi vụ thu hoạch cả nhà lại mỗi
người một ngả tìm chỗ làm thuê, ai có sức thì lên rừng vác gỗ, tre về bán lấy
tiền đổi ngô, gạo. Từ khi có nghề làm chổi, mấy mẹ con đỡ vất vả hơn mà thu nhập
ổn định và khá cao nữa". Tiếp lời mẹ, cháu Bạch Thị Hường con gái chị Huê khoe:
"Trước đây không có nghề phụ, cháu phải gửi con đi làm ăn xa, đến vụ mới về, đi
xa nhớ con lắm, giờ thì khác rồi học được nghề này làm ở gần nhà nên cháu vừa
được gần gũi, chăm sóc con lại vừa chủ động được việc nhà, chỉ mình nhà cháu đi
thôi, như thế 2 vợ chồng cũng yên tâm hơn". Những người như chị Huê, cháu Hường
tuy mới học nghề nhưng thu nhập bình mỗi ngày khoảng 50.000 đồng/người. Với mức
thu nhập như này cũng đủ để chi phí sinh hoạt cần thiết cho gia đình hàng ngày
và cũng có chút ít tiết kiệm. Nếu làm quen việc thì thu nhập cao hơn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lanh ở xóm Tân Sơn, trước đây thuộc diện hộ nghèo trong
xã, hết vụ trồng ngô vợ chồng chị chẳng biết làm gì, vì sức khỏe yếu. Trong khi
đó nhà lại đông con, 2 cháu lớn đã phải nghỉ học để đi làm phụ giúp bố mẹ, cháu
thứ 3 đang học lớp 7 cũng sắp theo chân các anh. Đúng lúc đó thì xã mở lớp dạy
và tổ chức làm chổi chít, chị Lanh được học nghề và được nhận vào làm việc. Đến
giờ, mỗi ngày chị cũng làm được khoảng 50.000 đồng, đủ tiền trang trải cho 2
cháu bé được tiếp tục đi học.
Cũng như gia đình hai chị Huê và Lanh, chị Đinh Thị Gấm nhà ở xã Tu Lý cách
xưởng làm chổi 4 cây số. Nghe nói có lớp học nghề làm chổi chít chị đăng ký theo
học. Hàng ngày chị đạp xe đến đây vừa học vừa làm. Nhà chị có hơn 2.000 m2 trồng
lúa, đến thời vụ mới phải làm. Thời gian nông nhàn này chẳng biết làm gì. Trước
đây chị mong muốn kiếm được việc gì đó phù hợp để làm thêm những lúc nông nhàn.
Nay có nghề này rất phù hợp với chị, chị rất vui và phấn khởi, dù ngày nắng cũng
như ngày mưa chị không nghỉ ngày nào, chị cho biết nếu nghỉ là ngày hôm đó chị
không có thu nhập, với lại mình còn khỏe phải cố gắng làm chứ. Những ngày đầu
chưa quen việc chị thu nhập cũng được 40.000-50.000 đồng/ngày. Với mức thu nhập
này cũng đủ chi tiêu gia đình trong lúc chờ thời vụ tới.
Không chỉ những người phụ nữ, người sức khoẻ yếu mới có thu nhập từ nghề làm
chổi chít, những người khoẻ mạnh lên rừng chặt chít mang bán cho công ty cũng có
nguồn thu không nhỏ. Hiện do nhu cầu sử dụng nguyên liệu làm chổi mà mỗi ngày
công ty thu mua vài tạ chít. Hơn chục người đi gom chít trên rừng cũng có thu
nhập đáng kể để ổn định cuộc sống.
Ông Đặng Thái Sơn-Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Toàn Sơn cho biết: Nghề làm chổi
chít rất phù hợp với bà con vùng núi chúng tôi. Sau thời vụ trồng ngô, lúa bà
con thường rảnh rỗi không có việc làm, đất đai thì hạn hẹp mà cũng không có nước
để sản xuất nhiều vụ. Xã xác định mục tiêu phải chuyển đổi sản xuất để xoá đói
nghèo mà nghề phụ là một trong những mục tiêu đó. Từ khi có nghề làm chổi bà con
đỡ vất vả nhiều, họ không phải đi làm xa mà vẫn có thu nhập ổn định. Nhờ vậy mà
cuộc sống của người dân nơi đây đã có đổi thay rõ nét, số hộ đói, nghèo đã giảm
dần đều mỗi năm hơn 5%. Tuy vậy, số lao động có nghề phụ hiện nay không nhiều,
nếu có thêm được nhiều việc làm nữa cho cả nam giới thì nhân dân trong xã có
nhiều cơ hội thoát nghèo hơn.
Việt Dũng