Kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở nông thôn

10:47 25/03/2013 Lượt xem: 310 In bài viết

Xuất phát từ thực tế ở nước ta còn một bộ phận hộ nghèo tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn đang ở trong những căn nhà đơn sơ, tạm bợ thậm chí chưa có nhà cần phải được hỗ trợ nhà ở, ngày 12/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, với mục tiêu trong 4 năm, từ 2009-2012, hỗ trợ nhà ở cho 500.000 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở đang cư trú tại khu vực nông thôn. Việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được thực hiện theo cơ chế: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 7,2 triệu đồng/hộ (riêng các hộ cư trú tại vùng khó khăn thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ với mức 8,4 triệu đồng/hộ). Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay với mức 8 triệu đồng/hộ, lãi suất ưu đãi 3%/năm. Phần còn lại do hộ gia đình tham gia đóng góp và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên hỗ trợ trước cho những đối tượng là người có công với cách mạng, hộ thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, hộ đồng bào dân tộc Khmer tại khu vực Tây Nam bộ; quán triệt và hướng dẫn các địa phương lồng ghép thực hiện hỗ trợ nhà ở với thực hiện Nghị quyết 30a. Theo số liệu thực hiện Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn 59 tỉnh, thành thực hiện Chương trình 167 và qua điều chỉnh cho sát với thực tế, toàn quốc có 539.540 hộ nghèo ở khu vực nông thôn cần được hỗ trợ nhà ở. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình là 12.653 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 4.254 tỷ đồng, chiếm 33,6%; vốn vay Ngân hàng Chính sách-Xã hội 3.584 tỷ đồng, chiếm 28,3%; vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm 4.092 tỷ đồng, chiếm 32,4%; vốn ngân sách địa phương 723 tỷ đồng, chiếm 5,7%.

Đến cuối tháng 6/2012, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 507.143 hộ, đạt 102% so với số hộ được phê duyệt ban đầu trong àề án và đạt 94% so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung, về đích sớm 1 năm so với kế hoạch. Trong đó có 224.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 44%. Đối với 62 huyện nghèo, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 89.747 hộ, đạt 110% so với số hộ được phê duyệt ban đầu. Các địa phương khu vực Tây Nam bộ đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 25.506 hộ là đồng bào Khmer, đạt 108%. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định. Diện tích căn nhà đa số từ 28-32m2, nhiều căn có diện tích 50-60 m2 và được làm bằng các vật liệu tốt: Khung nhà bằng bê tông cốt thép hoặc bằng gỗ, tường nhà xây gạch, mái lợp ngói Fibro xi măng hoặc tôn, nền lát gạch hoặc láng vữa xi măng. Tất cả các căn nhà đều có bao che kín đáo, chắc chắn, đầy đủ cửa đi, cửa sổ; kiểu dáng, kiến trúc nhà ở phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Giá thành căn nhà đa số trong khoảng từ 25-28 triệu đồng, nhiều căn có giá thành tới 50-60 triệu đồng, đáp ứng yêu cầu các căn nhà có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, tránh tình trạng nhà ở kém chất lượng, nhanh xuống cấp, gây lãng phí. Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách Xã hội, dư nợ cho vay hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số để làm nhà ở chiếm gần 50% tổng dư nợ (tức là trên 1.700 tỷ đồng).

Có thể khẳng định: Chương trình 167 là chương trình hỗ trợ nhà ở lớn nhất, hiệu quả nhất kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới. Mặc dù kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, riêng năm 2011, còn phải chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Chính phủ vẫn ưu tiên đảm bảo nguồn vốn cấp cho Chương trình, đồng thời đã có nhiều giải pháp huy động được nguồn lực to lớn của cộng đồng để hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, với khoảng 2 triệu người (tính bình quân mỗi hộ 4 người) có nhà ở an toàn, ổn định. Nhờ đó, các hộ nghèo đã yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Nhà ở dân cư đạt quy chuẩn, bộ mặt nông thôn được chỉnh trang, vấn đề giảm nghèo và an sinh xã hội từng bước được cải thiện. Mặt khác, việc vận động, hướng dẫn người nghèo tham gia đóng góp xây dựng nhà ở cho chính mình còn tạo cho người nghèo sự chủ động, tự tin để vươn lên thoát nghèo và từng bước trở nên khá giả. Sau khi giám sát Chương trình tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 167 là “một trong những nội dung được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nguồn lực được tập trung đảm bảo ở mức tối đa và thực hiện đạt hiệu quả cao nhất của Chương trình 30a”. Do có tính phù hợp và khả thi cao nên Chương trình 167 có sức lan tỏa mạnh mẽ. Mọi cấp, mọi ngành và mọi người dân nông thôn từ đồng bằng đến vùng rừng núi xa xôi đều hiểu rất rõ về chương trình. Chính vì vậy, các địa phương đều cho rằng Chương trình 167 đã trở thành thương hiệu đối với người nghèo, được toàn xã hội biết đến, đồng thời kiến nghị khi triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2011-2015 nên gọi là Chương trình 167 giai đoạn II để mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, cả nước hiện còn 15% số lượng là nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ. Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là luôn quan tâm hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo có khó khăn về nhà ở. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới, giai đoạn 2011-2015. Về cơ bản, các bộ, ngành Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ như trong Quyết định 167/2008/QĐ-TTg. Tuy nhiên có sự điều chỉnh tăng mức hỗ trợ và mức vay do giá cả vật liệu xây dựng nay đã cao hơn nhiều so với năm 2008. Tại thời điểm 2008, giá thành căn nhà diện tích 24m2, tuổi thọ từ 10 năm trở lên chỉ khoảng 23-24 triệu đồng, trong đó chi phí vật liệu chính khoảng 15-16 triệu đồng, chi phí vật liệu phụ và nhân công khoảng 8 triệu đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội đã vào khoảng 16 triệu đồng. Tại thời điểm hiện nay, giá thành căn nhà có diện tích và chất lượng như trên khoảng 36-37 triệu đồng, trong đó chi phí vật liệu chính khoảng 24-25 triệu đồng, chi phí vật liệu phụ và nhân công khoảng 12 triệu đồng. Như vậy nếu áp dụng cơ chế huy động vốn: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 1/3, vay vốn ưu đãi khoảng 1/3, người dân đóng góp và ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng khoảng 1/3 so với giá thành căn nhà thì dự kiến mức hỗ trợ, mức cho vay ưu đãi và mức tham gia đóng góp cũng như huy động từ cộng đồng đều phải tăng lên, cụ thể: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng/hộ (đối với những hộ cư trú tại nơi thuộc vùng khó khăn, đề nghị ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức 14 triệu đồng/hộ; đối với những hộ cư trú tại xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mức 15 triệu đồng/hộ); Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay ưu đãi mức tối đa 13 triệu đồng/hộ; hộ gia đình tham gia đóng góp và huy động từ cộng đồng khoảng 12 triệu đồng/hộ.

Kiến nghị này của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 mới được tổ chức gần đây. Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương phải đưa chương trình phát triển nhà ở vào chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Đối với Chương trình 167 giai đoạn II, mục tiêu vẫn là có chỗ ở cho hộ nghèo và cần cân nhắc mở rộng thêm các đối tượng mới như trường hợp đã được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134 nhưng hiện nay nhà đã hư hỏng hay những hộ nghèo ở đô thị gắn với nông thôn, nông nghiệp… sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong quý 4/2012 để triển khai thực hiện vào đầu năm 2013, phấn đấu hoàn thành Chương trình trong 3 năm (2013-2015).

Hoàng Phương Liên