Huyện Yên Lập quan tâm phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số
10:26 25/03/2013 Lượt xem: 319 In bài viếtHuyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ hiện có 13 dân tộc sinh sống, với tổng số 85.576 người, trong đó đồng bào các dân tộc Mường, Dao, H’Mông chiếm trên 70% dân số.
Trước thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định, công tác xây dựng tổ chức đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có chi bộ và đảng viên là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng bộ huyện yêu cầu các chi bộ, đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra các giải pháp khắc phục tình trạng thôn, bản “trắng” chi bộ, đảng viên. Tất cả các xã đều lấy việc kết nạp đảng viên và thành lập mới chi bộ làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hằng năm. Nếu chi bộ nào có đối tượng kết nạp mà không kết nạp được đảng viên thì chi bộ đó không đạt trong sạch vững mạnh. Ban Thường vụ Huyện ủy giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở đảng rà soát các đối tượng, phân công đảng viên, cấp ủy viên phụ trách quần chúng và phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể chọn lựa các quần chúng tiêu biểu đi học tìm hiểu về Đảng.
Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng ngay tại trung tâm các xã để tạo nguồn phát triển Đảng. Các hạt nhân ưu tú trong lực lượng giáo viên, y tế, dân quân tự vệ được chú trọng phát hiện và bồi dưỡng kết nạp đảng. Nhờ vậy, số lượng đảng viên được kết nạp tăng dần qua các năm, riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã kết nạp 67 quần chúng là người dân tộc vào Đảng. Đến nay toàn huyện đã thành lập được 222/223 chi bộ khu dân cư (chỉ còn khu Châu Đá-Trung Sơn chưa thành lập được chi bộ). Chất lượng đảng viên được nâng lên, tỷ lệ đảng viên nữ, đảng viên trẻ tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Hầu hết đảng viên mới được kết nạp đều hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực vận động nhân dân, gia đình phát huy thế mạnh của địa phương là phát triển kinh tế đồi rừng, tập trung mở rộng diện tích những cây truyền thống trên đất đồi rừng như cây chè, cây nguyên liệu giấy, góp phần ổn định diện tích rừng tự nhiên tạo nguồn sinh thuỷ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các đảng viên người dân tộc thiểu số đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật mới nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các giống lúa lai, ngô lai cho năng suất cao đã được đưa vào sản xuất đại trà trên hầu hết các đơn vị diện tích. Các cây công nghiệp có giá trị như lạc, đậu tương tăng nhanh về diện tích gieo trồng và đảm bảo về năng suất, chất lượng. Đàn trâu, đàn bò, đàn lợn, đàn gia cầm và thủy sản cũng liên tục tăng trưởng qua các năm.
Noi gương các đảng viên, giờ đây, bà con ở các xóm, thôn làng đã từ bỏ phương thức truyền thống “Phát-đốt-chọc-tỉa”, thay vào đó là các loại cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như chè, cây nguyên liệu, bò lai Sind… Từ cách nghĩ, cách làm mới này đã có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu, có mức thu từ vài ba chục triệu cho đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế ở các xã vùng sâu, vùng xa như Trung Sơn, Xuân An, Hưng Long… là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế còn chưa phát triển, nhận thức của người dân về Đảng chưa sâu sắc... dẫn tới công tác phát triển Đảng hằng năm gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù cấp ủy đã xác định được tầm quan trọng của công tác này nhưng để tạo nguồn, để nâng cao nhận thức chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, nhất là đối với quần chúng là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn không phải là đơn giản. Nhiều người được kết nạp vào Đảng nhưng chưa thấy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của đảng viên. Vì mưu sinh cuộc sống, họ đi làm ăn xa, không tham gia sinh hoạt, không thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của người đảng viên nên sau một thời gian bị xóa tên và cho đến nay chưa có trường hợp nào được kết nạp lại.
Về vấn đề này, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Đông cho biết: Quan điểm của huyện là không lấy số lượng người dân tộc thiểu số được kết nạp vào Đảng làm thành tích, mà quan trọng nhất vẫn là chất lượng đảng viên mới; đặc biệt là đảng viên ở khu vực nông thôn miền núi. Đảng viên người dân tộc thiểu số được coi là những hạt giống sẽ nảy mầm thành những cây cao, là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của các xóm, bản nên không thể kết nạp ồ ạt. Thời gian tới, Yên Lập tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, trong đó mục tiêu là nâng cao trách nhiệm và nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên; chú trọng bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển; quan tâm kết nạp Đảng những quần chúng ưu tú đang sinh sống, gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và mở rộng đối tượng tạo nguồn trong học sinh, sinh viên là con em các dân tộc ít người. Tựu chung, cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, qua đó phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương một cách bền vững.
Nguyễn Quang Hải