Bắc Giang xây dựng nông thôn mới

09:56 25/03/2013 Lượt xem: 275 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">NHÂN DÂN GÓP ĐẤT LÀM ĐƯỜNG

Huyện Lạng Giang là địa phương có phong trào vận động nhân dân hiến đất làm đường, làm nhà văn hoá, làm các công trình phúc lợi dân sinh... rộng khắp. Đặc biệt, các xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện như Tân Dĩnh, Tiên Lục, Quang Thịnh, Tân Hưng... đã triển khai hoàn thành được trên 10 tiêu chí ngay trong năm đầu tiên được đưa vào danh sách. Một số tiêu chí như đường giao thông liên thôn, di dời nghĩa trang hay hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi nội đồng đều có phần đóng góp đất của người dân. Đồng chí Bùi Ngọc Sơn, Bí thư Huyện uỷ Lạng Giang cho biết: "Những năm qua phong trào hiến đất để xây dựng nông thôn mới của các xã trên địa bàn được đẩy mạnh và nhân rộng. Sự tích cực của cả hệ thống chính trị cũng như đồng thuận của nhân dân đã giúp địa phương hoàn thành những mục tiêu phát triển hạ tầng công cộng sớm hơn kế hoạch. Từ đó, dành vốn để triển khai các mục tiêu khác". Trong hơn hai năm qua, Lạng Giang đã huy động được gần 10 nghìn m2 đất dành cho xây dựng nông thôn mới, giá trị ước tính bằng hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói, tất cả diện tích nói trên đều do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Yên Thế có ba xã là Đồng Tâm, Hương Vĩ và An Thượng được chọn điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Khi được chọn, ba xã đã hoàn thành tám tiêu chí và phấn đấu hoàn thành từ bốn đến năm tiêu chí trong năm 2012, trong đó cứng hoá đường giao thông là mục tiêu đầu tiên. Có xã như Đồng Tâm triển khai làm đường khi nguồn vốn dành cho xã điểm nông thôn mới còn chưa "về". Đảng uỷ xã họp, giao nhiệm vụ cho chính quyền, các đoàn thể căn cứ vào quy hoạch nhanh chóng vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, áp dụng công thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Vậy là trong thời gian rất ngắn, mấy chục km đất làm đường đã được bàn giao cho đơn vị thi công. Có nhiều đoạn 4-5 km, người dân không nhận một đồng đền bù nào cho dù có hộ phải chặt cả nửa vườn cây lâu năm. Bà con ở đây hầu hết là người dân tộc thiểu số, đều tự nguyện hiến đất với lý giải hết sức vô tư: "Nhà nước làm đường cho mình đi, mình phải xin góp ít đất chứ".

Tuyến đường liên xã Kiên Lao, Kiên Thành, Thanh Hải, Biên Sơn và Đèo Gia (huyện Lục Ngạn) đang được gấp rút hoàn thiện. Trước đây, do nguồn vốn có hạn, một số điểm chậm giải phóng mặt bằng nên đoạn đường hơn 60km phải thi công kiểu "xôi đỗ". Trước tình hình đó, được sự khuyến khích của huyện, Đảng bộ xã đã đẩy mạnh vận động nhân dân hiến đất, tự giác tháo dỡ, di dời tài sản trên đất giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chỉ sau hơn một tháng triển khai toàn tuyến đã thông đường với đóng góp của nhân dân ước tính khoảng 50 nghìn m2 đất, chưa kể hàng nghìn ngày công lao động. Con đường nối các xã nghèo của huyện được mở rộng hơn, thông thoáng hơn tạo điều kiện đi lại, thông thương, phát triển cho hàng chục nghìn dân ở khu vực này.

Con số thống kê cho thấy chỉ riêng phong trào xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Giang đã có hơn 100 nghìn m2 đất được nhân dân đóng góp phục vụ các mục đích công cộng. Số tiền ngân sách "tiết kiệm" được hàng trăm tỷ đồng.

LÀM CÁNH ĐỒNG LỚN ĐỂ NÂNG CAO THU NHẬP

Cánh đồng mẫu lớn trồng lúa được ngành nông nghiệp Bắc Giang lựa chọn triển khai tại xứ đồng Cống Non, Khăm Đạt thôn Tân Mỹ và xứ đồng Bờ Đìa thôn Bẩy, thôn Nhất xã Cảnh Thụy - huyện Yên Dũng. Để có được mô hình này, Yên Dũng đã tính toán phải huy động, vận động đến gần 400 hộ dân "góp" ruộng, áp dụng quy trình "bốn nhà" cùng chung sức. Thuận lợi thì đương nhiên có nhiều, nhưng cái khó nhất vẫn là làm sao thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Bà con chưa quen việc cùng làm đất, xuống giống, bơm tưới… cho một diện tích lớn như thế nên ban đầu nhiều người hồ nghi. Những người thực hiện dự án đã phải mất rất nhiều công sức để vận động, thuyết phục, cuối cùng bằng những lập luận khoa học và lợi ích có được từ triển khai cánh đồng lớn đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử”. Nông dân xã Cảnh Thuỵ đã đồng ý đi tiên phong cho công cuộc cải cách nông nghiệp-ngành kinh tế chủ đạo của địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, cánh đồng mẫu lớn thực hiện theo quy trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), áp dụng quy trình kỹ thuật gieo cấy theo SRI, ba giảm ba tăng, bón phân cân đối, hợp lý. Để thực hiện mô hình này, tỉnh đã hỗ trợ xã Cảnh Thuỵ 350 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất; 100 triệu đồng/máy làm đất từ 24-34 mã lực, một máy gặt lúa 1,6-1,8m. Bên cạnh đó, huyện Yên Dũng cũng hỗ trợ 70% giá giống; 35% giá phân bón NPK 5-10-3, NPK 12-5-10; 50% phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng; 50% thuốc BVTV; một lần tiền công phun thuốc BVTV cho diện tích mạ gieo tập trung, 100% tiền tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; công làm đất gieo mạ tập trung 100.000đ/sào.

Thôn Tân Mỹ được chọn làm điểm cánh đồng mẫu lớn của xã Cảnh Thuỵ có 200 hộ dân tham gia. Trưởng thôn Nguyễn Khả Phương, 33 tuổi, là trưởng thôn trẻ nhất xã, anh Phương kể: Tân Mỹ là thôn thuần nông, lâu nay chỉ trồng lúa hai vụ, năng suất không cao mà người dân thì bận quanh năm. Nay trồng lúa theo mô hình này, bà con sẽ có thêm thời gian để làm việc khác do không cần thường xuyên phải thăm đồng nữa. Cứ xem chà lúa độ này, tôi tin chắc vụ mùa đầu tiên này sẽ thành công.

Ông Ong Khắc Vượng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Cảnh Thuỵ khẳng định: Để làm cánh đồng mẫu, cái khó nhất của chúng tôi không phải là phương pháp, giống, vốn... mà là thuyết phục, vận động nhân dân bỏ hạn điền để tham gia. Để có được 50 ha, chúng tôi đã phải huy động ruộng của gần 400 hộ dân. Cái được đầu tiên tự việc sản xuất lúa tập trung sẽ tạo thành quy trình khép kín, năng suất sẽ được nâng cao, bớt thời gian sản xuất, tiêu thụ sẽ dễ dàng do có sự góp sức của "4 nhà": quản lý, khoa học, nông dân và doanh nghiệp.

QUAN TRỌNG LÀ SỰ ĐỒNG THUẬN

Đó là điều ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới Bắc Giang đúc rút kinh nghiệm sau gần 2 năm triển khai chương trình. Ông cho biết: Đối với 40 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, mỗi xã hoàn thành 2-3 tiêu chí. Ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội như đường giao thông nông thôn ở các tuyến đường trục thôn, liên thôn, kênh mương thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tập trung phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp các hộ dân có điều kiện kinh doanh dịch vụ và ổn định cuộc sống.

Đặc biệt, kinh nghiệm triển khai thực hiện nông thôn mới đối với các xã khu vực miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số là một nét nổi bật của Bắc Giang. Xã Vĩnh Khương (Sơn Động) khi được chọn mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí, thấp nhất trong số 40 xã điểm của tỉnh. Năm đầu tiên, bà con nhất trí ủng hộ tập trung kinh phí cứng hoá con đường liên xã, năm thứ 2 mới tập trung cho các mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Chậm nhưng chắc, Vĩnh Khương đặt mục tiêu mỗi năm đạt từ 1 đến 2 tiêu chí nông thôn mới. Cái gì cần hơn làm trước, theo đúng nguyện vọng, yêu cầu của nhân dân. Vậy mới có chuyện bà con hiến đất, chặt cây lâu năm để giải phóng mặt bằng cho bên thi công làm đường nhanh hơn.

Thực tế, với kinh phí 400 triệu đồng mỗi năm cho một xã điểm, không thể triển khai đồng loạt nhiều tiêu chí. Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp đã lựa chọn những tiêu chí "cần" của mỗi xã để làm trước, trong đó đề cao vai trò tham gia của nhân dân. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận cao trước khi thực hiện bất cứ nội dung nào. Kinh nghiệm ở Bắc Giang cho thấy đó là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công, tạo thành những điểm nhấn rõ nét trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Nghiêm Huệ