Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công tác xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn
10:09 25/03/2013 Lượt xem: 307 In bài viếtLạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích tự nhiên 8.323,74 km2, có đường biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) dài 231,74 km; dân số 831.887 người; có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm 42,97%, dân tộc Tày chiếm 35,92%, dân tộc Kinh chiếm 16,5%, còn lại là các dân tộc khác như: Dao, Hoa, Sán Chay, Mông…Lạng Sơn có 10 huyện và 01 thành phố, trong đó có 05 huyện biên giới; có 207 xã, 05 phường, 14 thị trấn; trong đó có 20 xã và 01 thị trấn biên giới, có 2.322 thôn, khối phố, trong đó có 89 thôn biên giới.
Thực hiện Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg, ngày 08 tháng 06 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006-2010, ngày 11/9/2007, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu là xây dựng, đảm bảo đủ số lượng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 34/2006/QĐ-TTg ngày 8/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn tỉnh Lạng Sơn từng bước được nâng cao, thể hiện ở một số kết quả như sau:
Một là, từ năm 2006 đến nay đã cử 6.119 lượt cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó có 817 lượt cán bộ, 616 lượt công chức được đào tạo; 4.013 lượt cán bộ, 1.815 lượt công chức được bồi dưỡng. Từ đó góp phần nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn. Cụ thể:
Về đội ngũ cán bộ: Số lượng cán bộ cấp xã toàn tỉnh là 2.294 người, trong đó trình độ học vấn: Trung học phổ thông 1.344 người, chiếm 58,59%; trung học cơ sở 896 người, chiếm 39,06%; tiểu học 54 người, chiếm 2,35%. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: Đại học 105 người, chiếm 47,47%. Trình độ lí luận: Cao cấp 9 người, chiếm 0,39%; trung cấp 1.294 người, chiếm 56,41%; sơ cấp 439 người, chiếm 19,14%; chưa qua đào tạo 552 người, chiếm 24,06%. Đã qua bồi dưỡng kiến thức quản lí nhà nước chính quyền cơ sở 1.162 người, chiếm 50,65%.
Về đội ngũ công chức: Số lượng công chức cấp xã trong toàn tỉnh là 1.915 người, trong đó, trình độ học vấn: trung học phổ thông 1.709 người, chiếm 89,24%; trung học cơ sở 194 người, chiếm 10,13%; tiểu học 12 người, chiếm 0,63%. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ: đại học 207 người, chiếm 10,08%; cao đẳng 147 người, chiếm 7,68%, trung cấp 1.226 người, chiếm 64,02%; sơ cấp 144 người, chiếm 7,25%; chưa qua đào tạo 191 người, chiếm 9,97%. Trình độ lí luận chính trị: cao cấp 1 người, chiếm 0,05%, trung cấp 462 người, chiếm 65,74%.
Hai là, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã, phường, thị trấn; cán bộ trong quy hoạch, cán bộ dự nguồn và công chức xã, phường, thị trấn.
Ba là, qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức xã, phường, thị trấn được nâng cao về lí luận chính trị-hành chính, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành, kĩ năng xử lý tình huống, kĩ năng quản lý hành chính nhà nước.
Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất cho đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được nâng cao, có khả năng giải quyết những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở, nhất là trong thực hiện cải cách hành chính.
Từ những kết quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn toàn tỉnh trong tình hình mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn còn bộc lộ một số hạn chế:
Một là, Công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu về chất lượng theo Quyết định 04/2004/QĐ-BNV ngày 16/1/2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn vẫn còn cao. Cụ thể: tiêu chuẩn về trình độ học vấn có 19,6% chưa đạt chuẩn, trong đó có những chức danh chưa đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao là bí thư đảng ủy 37,6%; chủ tịch Hội đồng nhân dân 50%; phó chủ tịch Hội đồng nhân dân trên 30%. Tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có 47,5% cán bộ và 10,7% công chức chưa đạt chuẩn, trong đó bí thư, phó bí thư đảng ủy 42%, chủ tịch Hội đồng nhân dân 87,5%, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân 55,1%, Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân trên 39%, các chức danh chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, trưởng các đoàn thể đều trên 50%. Tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị: Có 26,3% cán bộ và 65,7% công chức chưa đạt chuẩn. Số cán bộ, công chức chưa qua bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chính quyền cơ sở, quản lý kinh tế còn chiếm tỷ lệ cao như cán bộ trên 30%, công chức trên 80%.
Hai là, công tác quy hoạch, đào tạo của một số cấp ủy thiếu tính kế thừa, thiếu đồng bộ; đào tạo, bồi dưỡng chưa theo quy hoạch. Bản thân người học chưa thấy hết trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập, nâng cao trình độ để hướng tới việc thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, công việc được giao mà chủ yếu là để có bằng cấp, đủ điều kiện cho việc xếp lương.
Ba là, việc thực hiện tiêu chuẩn cho từng chức danh cán bộ chưa rõ ràng, thực hiện chưa kiên quyết, coi nhẹ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức. Do vậy, có tình trạng trông chờ, ỷ lại, ngại đi học các lớp đào tạo tập trung.
Bốn là, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập của Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố, các cơ sở đào tạo tuy từng bước được đầu tư xây dựng nhưng còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ chế, chính sách, kinh phí hỗ trợ cán bộ đi học còn thấp.
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 13/2/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra, phấn đấu đến hết năm 2012, có 85% trở lên cán bộ, công chức cấp xã đạt tiêu chuẩn theo quy định cần phải thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa cơ chế, chính sách; thực hiện tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp về công tác tại xã.
Thứ hai, cần phân cấp mạnh hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Thứ ba, chú trọng công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã. Đẩy lùi hiện tượng khép kín, cục bộ làng xã trong công tác cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng quy hoạch; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn một cách đồng bộ, toàn diện; chú trọng công tác quy hoạch tạo nguồn tại chỗ.
Thứ tư, nâng cao toàn diện chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn lí luận với thực tiễn địa phương; đào tạo phải cơ bản, bồi dưỡng thiết thực. Tăng cường bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, kỹ năng quản lý, điều hành cho cán bộ xã, phường, thị trấn.
Thứ năm, tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đủ về số lượng, có kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức thực tiễn phong phú, có năng lực giảng dạy, có phương pháp sư phạm làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức xã, phường, thị trấn.
Thứ sáu, tăng kinh phí hỗ trợ cho cán bộ đi học, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy và học một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu dạy, học theo phương pháp dạy-học tích cực cơ bản.
Ths. Nông Đức Vinh