Những năm qua, hoạt động của các cấp hội phụ nữ Gia
Lai đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức theo hướng tập trung xây dựng các
mô hình phù hợp, thiết thực với nhu cầu của phụ nữ các dân tộc, gắn với nhiệm vụ
phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn an ninh chính trị ở địa phương. Từ kết quả
thí điểm, đến nay, 2 mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh lựa chọn triển khai
trên diện rộng gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là mô hình “Kết
nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh với chi hội phụ nữ người dân tộc thiểu số”
và mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu”.
Mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ người Kinh và chi hội phụ nữ người dân tộc
thiểu số được thực hiện theo phương thức các cơ sở hội chủ động lựa chọn trong
phạm vi xã một chi hội phụ nữ người Kinh hoạt động tốt, hội viên tích cực tham
gia sinh hoạt hội, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả để kết nghĩa với một chi
hội người dân tộc thiểu số hoạt động còn nhiều hạn chế; đời sống chị em khó khăn.
Cán bộ hai chi hội gặp nhau trước, thảo luận và đề xuất các nội dung kết nghĩa;
từng chi hội tổ chức thảo luận trong các hội viên của mình để thông qua nội dung
kết nghĩa, sau đó báo cáo Chi bộ, trưởng thôn. Tiếp đó, Hội Phụ nữ xã đứng ra tổ
chức lễ kết nghĩa. Hai tháng một lần, các chi hội kết nghĩa tiến hành sinh hoạt
chung với các nội dung: hướng dẫn nhau cách thức tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia
đình; giúp nhau kiến thức, kinh nghiệm làm ăn để phát triển kinh tế; vận động,
hướng dẫn thành lập tổ quay vòng vốn; động viên các gia đình có điều kiện giúp
đỡ các gia đình khó khăn giống cây trồng, vật nuôi…
Bằng phương thức này, chi hội phụ nữ người Kinh thôn Phố Hiến đã nhận kết nghĩa
với chi hội làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông-một chi hội có phần lớn là đồng
bào dân tộc thiểu số, thường xuyên thiếu đói. Thông qua các hoạt động hỗ trợ
giống cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm, kiến thức làm ăn của chị em trong chi
hội Phố Hiến, kết hợp với các nguồn lực đầu tư khác của Nhà nước, nay thì chị em
phụ nữ dân tộc thiểu số ở chi hội làng Đút đã biết chuyển đổi từ trồng cây lương
thực bằng giống địa phương năng suất thấp sang trồng lúa cạn và bắp lai; biết
quy hoạch vườn nhà để trồng điều. Nhiều hộ đã có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/năm.
Làng không còn hộ đói trong mùa giáp hạt. Hoạt động của chi hội từ yếu đã vươn
lên thành khá của xã Ia Lâu.
Bên cạnh mô hình kết nghĩa giữa chi hội với chi hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Gia Lai còn vận động kết nghĩa giữa hộ gia đình người Kinh với hộ gia đình người
dân tộc thiểu số cũng đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Đơn cử như
trường hợp gia đình chị Đào Thị Hà kết nghĩa với gia đình chị Rơ Lan Thủy ở làng
Ghè, xã Ia Đơk, huyện Đức Cơ. Chị Hà đã tận tình hướng dẫn chị Thủy cách tổ chức,
sắp xếp cuộc sống gia đình; cách tính toán, tiết kiệm chi tiêu; giúp ngày công,
giống, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cà phê, cao su, điều… Từ sự giúp đỡ của
gia đình chị Hà và ý thức nỗ lực vươn lên, nay gia đình chị Thủy đã có một sản
nghiệp “kha khá” với 3 ha cao su, 2 ha điều, 700 cây cà phê cho tổng thu nhập
hàng năm từ 70-100 triệu đồng. Cái nghèo đã bị đánh bật ra khỏi gia đình chị
Thủy. Chị đã có điều kiện để xây nhà mới và người đã giúp chị thoát nghèo-Chị Hà
lại một lần nữa sát cánh tặng gia đình số tiền làm nhà tới 10 triệu đồng.
Một vài dẫn chứng cho thấy hiệu quả của mô hình kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ,
gia đình phụ nữ người Kinh với chi hội, gia đình phụ nữ người dân tộc thiểu số ở
Gia Lai. Đến nay, 100% các huyện, thị, thành hội phụ nữ ở Gia Lai đã có mô hình
kết nghĩa với gần 300 điểm và gần 100 cặp gia đình kết nghĩa. Bằng tình cảm,
trách nhiệm, kiến thức, nguồn lực… các chi hội phụ nữ, gia đình do phụ nữ người
Kinh làm chủ hộ đã trở thành những nhân tố quan trọng giúp chị em phụ nữ dân tộc
thiểu số biết cách tổ chức sản xuất, vượt qua đói nghèo, xây dựng gia đình no ấm,
tiến bộ; qua đó góp phần củng cố, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đảm
bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Xuất phát từ thực tế và nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ ở các thôn, làng theo
yêu cầu mới, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ
nữ tỉnh Gia Lai đã mạnh dạn xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu”. Đề án thí
điểm của mô hình này được thực hiện tại làng Klũ, xã Ia Đăng, huyện Chư Prông.
Để thực hiện đề án, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành
thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn hàng
năm mở từ 1-2 lớp khuyến nông, khuyến lâm cho xã; hỗ trợ tài liệu hướng dẫn kỹ
thuật trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các mô hình làm kinh tế… Sở Tài Nguyên-Môi
trường chỉ đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
sản xuất, đất ở cho nhân dân; hàng năm mở các lớp tuyên truyền về vệ sinh môi
trường, hướng dẫn nhân dân và chị em phụ nữ cách làm chuồng nuôi gia súc, gia
cầm xa nhà; ăn chín, uống sôi… Sở Khoa học và Công nghệ chiếu phim khoa học,
trang bị kiến thức, kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu
sản phẩm… Các Ngân hàng Chính sách Xã hội và Nông nghiệp-Phát triển nông thôn
cho vay vốn phát triển kinh tế; Sở Giáo dục-Đào tạo mở các lớp bổ túc văn hóa,
xóa mù chữ, chống tái mù cho 100% đội ngũ cán bộ cơ sở, hội viên phụ nữ trong độ
tuổi. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ưu tiên đầu tư các chương trình xóa đói
giảm nghèo, đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ. Ngành Y tế thực hiện các chương
trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện công tác dân số-kế hoạch hóa gia
đình. Ban Dân tộc ưu tiên đầu tư xây dựng nhà Rông văn hóa; tuyên truyền các chủ
trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; tu sửa hệ thống nước sinh hoạt
cho làng. Điện lực thi công kéo điện về làng. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch
hướng dẫn tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng vào dịp lễ hội; trang bị bàn ghế
cho nhà sinh hoạt cộng đồng, tặng cồng chiêng, dàn âm thanh cho làng…
Về phía Hội đã nỗ lực vận động Công ty Cao su Chư Prông tài trợ quy hoạch mở
đường xương cá cho làng; ưu tiên tuyển dụng lao động nữ vào làm việc. Hàng năm
mở các lớp dạy nghề cạo mủ cao su cho lao động nữ; hỗ trợ kỹ thuật trồng cây cao
su tiểu điền; hỗ trợ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Hội cũng kêu gọi được
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ làm đường bê tông vào làng dài hơn 1
km; dự án của Canada về nâng cao năng lực, thu nhập cho phụ nữ nông thôn…
Sau 3 năm thí điểm, từ một làng có 100% hộ nghèo, không có điện, giao thông khó
khăn… Nay, diện mạo của làng đã thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng
bào được cải thiện rõ rệt. Số hộ nghèo đã giảm 50%; làng đã có điện, hệ thống
đường nội bộ được quy hoạch, xây dựng lại; đã có nhà sinh hoạt cộng đồng, 100%
gia đình xây dựng nhà vệ sinh, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm; hệ thống chính
trị của làng được củng cố; an ninh nông thôn đảm bảo; các hộ giáo dân đều tự
giác chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không có hộ nào
tham gia hoạt động Tin lành Đề ga; không có người vượt biên trái phép; không có
người vi phạm pháp luật; chi hội phụ nữ của làng được xếp loại vững mạnh.
Từ kết quả xây dựng “Làng phụ nữ kiểu mẫu” và hiệu quả của mô hình này trong
việc nâng cao chất lượng hoạt động hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và
phát triển kinh tế-xã hội địa phương; Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Gia Lai nhiệm
kỳ 2011-2016 đã quyết định triển khai nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh gắn với
19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đó, tiêu chí chọn làng để xây dựng
“làng phụ nữ kiểu mẫu” là những thôn, làng được công nhận là thôn, làng văn hóa
và được chọn là đơn vị thực hiện xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu “4 không,
5 có”. Trong đó “4 không” gồm: Không có hộ đói, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá;
không có gia đình mắc các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và vi phạm Pháp lệnh Dân
số”; không có người trong độ tuổi mù chữ; không có người tham gia tổ chức phản
động Fulrô và vượt biên trái phép. “5 có” gồm: Có nhà sinh hoạt cộng đồng và bộ
cồng chiêng phục vụ sinh hoạt; có điện, nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; có
môi trường xanh, sạch, đẹp; có 100% người tham gia sinh hoạt vào các hội đoàn
thể, đóng hội phí và xây dựng quỹ hội; có 100% gia đình đạt danh hiệu gia đình
văn hóa, làng văn hóa.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai kiến nghị, để xây dựng các mô hình vận động
phụ nữ người dân tộc thiểu số, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần sớm
tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng trên toàn quốc không chỉ mô hình
chi hội phụ nữ người Kinh kết nghĩa với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số; hộ gia
đình người Kinh kết nghĩa với hộ gia đình dân tộc thiểu số mà còn xã, huyện,
tỉnh thuận lợi kết nghĩa với xã, huyện, tỉnh khó khăn nhằm tăng cường khối đại
đoàn kết toàn dân tộc; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và xây dựng tổ chức Hội
vững mạnh. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, chỉ đạo thống nhất toàn vùng Tây Nguyên
xây dựng mô hình “Làng phụ nữ kiểu mẫu” kết hợp thực hiện cuộc vận động xây dựng
gia đình “5 không, 3 sạch” ("5 không" là: không đói nghèo, không vi phạm pháp
luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở
lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. "3 sạch" là: sạch nhà, sạch bếp,
sạch ngõ) gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện được những nhiệm vụ đó, các cấp, các ngành cần quan tâm đầu tư các
chương trình, dự án cho phụ nữ dân tộc thiểu số về chăm sóc sức khỏe sinh sản,
nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn phát triển kinh tế gia đình, đào tạo
nghề…; mở các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng công tác vận động quần chúng dân
tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ các cấp, hỗ trợ tài liệu sinh hoạt
cho hội viên phụ nữ vùng miền núi, dân tộc.
Hoàng Thu