Thực hiện chính sách dân tộc ở tỉnh Cao Bằng

08:31 11/04/2013 Lượt xem: 533 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn Cao Bằng phải nói đến Chương trình 135 giai đoạn I và sau 5 năm tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, các huyện đã khởi công đầu tư xây dựng được 825 công trình, hạng mục, gồm: 337 công trình giao thông nông thôn, 146 công trình thủy lợi; 109 công trình điện dân dụng; 70 công trình nước sinh hoạt; 79 công trình, hạng mục trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, thiết bị học tập; 25 công trình chợ xã.

Đến hết năm 2011, toàn tỉnh đã giải ngân 524.010 triệu đồng, đạt 99,4% kế hoạch vốn giao cả giai đoạn, có 621 công trình đã hoàn thành, 204 công trình đầu tư đang triển khai. Các công trình hoàn thành đã bàn giao cho xã quản lý, khai thác, sử dụng, đã và đang phát huy hiệu quả, chất lượng công trình được bảo đảm. Song song với đó, các dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng được triển khai, từ năm 2006 - 2011 tổng vốn trung ương giao thực hiện là 35.623,485 triệu đồng. Tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng được 1.059 lớp, với 60.544 lượt người tham gia, trong đó: đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng được 58.867 lượt người; đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc được 1.677 lượt người. Để thiết thực bảo đảm cho công tác dân tộc được triển khai đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được tiến hành khá tốt, qua 5 năm triển khai, đã hỗ trợ được 283 tấn giống cây lương thực, 579.326 cây ăn quả, 5.983 cây khác, giá trị 23.538 triệu đồng; 1.384.425 giống cây lâm nghiệp, giá trị 4.146 triệu đồng; 10.799 con gia súc, 3.767 con gia cầm, giá trị là 20.185 triệu đồng; 585,179 tấn phân bón các loại, giá trị 28.618 triệu đồng và mở được 465 lớp khuyến nông, khuyến lâm, có 38.051 lượt người tham gia, tổng kinh phí thực hiện 3.541 triệu đồng. Đến thời điểm 31/12/2011, giải ngân lũy kế được 121.975 triệu đồng, đạt 99,14% kế hoạch vốn cả giai đoạn.

Mặt khác, đã hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật, tiêu biểu là đối với chính sách hỗ trợ cho con hộ nghèo học mẫu giáo, các bậc học phổ thông học bán trú. Từ năm học 2007 đến 2011 Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp 68.052,6 triệu đồng cho các huyện để triển khai hỗ trợ. Đến ngày 31/7/2011 các huyện đã hỗ trợ cho 12.368 lượt cháu mẫu giáo, hỗ trợ cho 22.608 lượt em học sinh học các bậc phổ thông; tổng kinh phí hỗ trợ là 62.857,31 triệu đồng, đạt 92,36% kế hoạch vốn giao. Hoạt động trợ giúp pháp lý những năm qua cũng có tác dụng rõ rệt. Tổng kinh phí thực hiện trợ giúp pháp lý cấp cả giai đoạn là 822 triệu đồng. Các huyện đã giao kinh phí hoạt động cho các xã, cơ sở đã triển khai tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho nhân dân, bằng các hình thức tờ rơi, băng cát sét;... nhìn chung, các xã đã giải ngân đạt 100%. Công tác hỗ trợ các hoạt động văn hóa thông tin ở Cao Bằng thời gian qua đã được thực hiện khá ấn tượng. Tổng kinh phí cho hoạt động hỗ trợ văn hóa là 822 triệu đồng, các địa phương đã hỗ trợ mua sắm đạo cụ, phổ biến nếp sống văn hóa và duy trì phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; ước thực hiện giải ngân vốn cả giai đoạn đạt 100%. Mặt khác, công tác duy tu bảo dưỡng các công trình sau đầu tư đã được chú ý đúng mực. Tổng vốn Trung ương cấp là 22,824 tỉ đồng, đến ngày 31/12/2011, đã giải ngân được 22.824 triệu đồng, bằng 100% vốn giao.

Đặc biệt ở Cao Bằng phải nói đến kết quả thực hiện Quyết định 1592/QĐ-TTg về hỗ trợ giúp đỡ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội, định canh, định cư. Tổng kinh phí thực hiện năm 2011 là 20.443,201 triệu đồng. Kết quả triển khai thực hiện khối lượng đạt trên 80%, giải ngân tính đến 28/12/2011 là: 18.761,41 triệu đồng, đạt gần 100%. Các dự án đang triển khai thực hiện chủ yếu là đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, tạo mặt bằng đón dân tại 16 điểm định canh, định cư tập trung, kết quả giải ngân đến thời điểm 28/12/2011 là 73.310 triệu đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp là 855 triệu đồng, kinh phí đầu tư là 72.455 triệu đồng, đạt 105,38% kế hoạch năm.

Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho đồng bào dân tộc theo Quyết định 102/QĐ-TTg cũng có hiệu quả rõ nét. Kinh phí đã được cấp 18.728 triệu đồng, trong đó: ngân sách giao đầu năm 2011 là: 16.164 triệu đồng; cấp giao bổ sung tháng 9 năm 2011 là 2.509 triệu đồng, chuyển nguồn năm 2010 sang là 55 triệu đồng. Đến ngày 31/10/2011, đã hỗ trợ cho 193.638 nhân khẩu, kinh phí hỗ trợ là 18.728 triệu, đạt 100% kế hoạch giao. Chính sách cấp phát các loại báo, tạp chí theo Quyết định 975/QĐ-TTg đã được chú ý hơn và thực hiện rất tốt. Năm 2011, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Công ty Bưu chính viễn thông tỉnh, đến ngày 31/12/2011 đã cấp 1.272.288 tờ báo, tạp chí, với 20 loại báo chí, tạp chí, đạt 100% chỉ tiêu giao.

Ở Cao Bằng, công tác dân tộc, chính sách dân tộc tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sự thay đổi rõ rệt về cơ sở hạ tầng, văn hóa - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc. Tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc cơ bản của đồng bào được quan tâm giải quyết. Khối đại đoàn kết tiếp tục được tăng cường và củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, đặc biệt là các vùng biên giới được yên bình. Đồng bào các dân tộc yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, tích cực lao động sản xuất, giúp nhau vượt khó, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về dân tộc vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định cần sớm nghiên cứu xem xét, tìm ra giải pháp khả thi để kịp thời khắc phục.

Kết quả thực hiện nghị quyết 30a về hỗ trợ vốn sản xuất cho đồng bào dân tộc nghèo phát triển sản xuất xóa đói giảm nghèo

Ở Cao Bằng, với tổng nguồn vốn được hỗ trợ: 606,54 tỉ đồng/25.617 tỉ đồng vốn kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 561.970 triệu đồng; vốn huy động là 44.570 triệu đồng. Kết quả thanh toán đến 31/12/2011: vốn sự nghiệp: 75,463 tỉ đồng/87,970 tỉ đồng, đạt 85,78%; vốn đầu tư phát triển: 440,105 tỉ đồng/474 tỉ đồng, đạt 92,84%; và tình hình đã được cải thiện do sử dụng vốn có hiệu quả.

Tỉnh đã hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập: thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất; đã thực hiện giao khoán 84.434 ha rừng, trồng mới 983 ha rừng sản xuất, số hộ được thụ hưởng 9.894 hộ, số kinh phí hỗ trợ 10.892 triệu đồng. Hỗ trợ gạo cho hộ nghèo nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, trồng rừng và hộ nghèo các thôn, bản biên giới cho 6.266 hộ, số gạo 953 tấn (mức hỗ trợ bình quân 15kg/người/tháng x số tháng thiếu lương thực trong năm), số kinh phí thực hiện 12,356 tỉ đồng. Hỗ trợ cho 150 hộ khai hoang tạo 327 ha ruộng bậc thang, kinh phí thực hiện 4.188 triệu đồng; hỗ trợ cho 29.943 hộ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; về chuyển đổi cây trồng gồm: giống lúa lai, lạc trắng, ngô lai, mía; chuyển đổi các loại vật nuôi: gà siêu trứng, lợn nái móng cái, bò cái sinh sản, giống cỏ... và các loại phân bón. Hỗ trợ 372 triệu đồng cho 500 hộ nghèo làm chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ 203 triệu đồng mua giống để trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Hỗ trợ cho 16.365 hộ vay với tổng số vốn 94,453 tỉ đồng, lãi suất 0% để phát triển sản xuất, hỗ trợ cho 155 hộ không thuộc diện hộ nghèo vay lãi suất bằng 50%, số vốn vay 2.190 triệu đồng. Hỗ trợ ưu đãi hoạt động khuyến nông, lâm, ngư; hỗ trợ cho 2.257 lao động nghèo tham gia đào tạo tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, số kinh phí thực hiện 392,436 triệu đồng và bố trí 159 cán bộ khuyến nông - lâm - ngư thôn bản, số kinh phí thực hiện 176,1 triệu đồng. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án khuyến nông, khuyến ngư của 5 huyện nghèo; từ năm 2009-2011 đã hỗ trợ 100% giống, vật tư cho 11 mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với số kinh phí thực hiện 2,08 tỉ đồng. Các cơ sở được hỗ trợ đã có sự tiến bộ đáng mừng về kinh tế và xã hội. Đây là việc làm rất có ý nghĩa.

Những năm qua, nhất là năm 2011, chính sách xuất khẩu lao động đã có tác dụng, đã tổ chức 77 hội nghị tư vấn tuyên truyền về chính sách xuất khẩu lao động tại các xã, cụm xã, có 4.910 người tham gia, tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao năng lực cho 5.037 lao động, kinh phí 533,38 triệu đồng, cho 55 lao động vay vốn xuất khẩu lao động, số tiền 1.362 triệu đồng, đến nay có 52 lao động xuất cảnh đi lao động nước ngoài. Về việc này, trường Trung cấp dạy nghề tỉnh phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, tổ chức mở lớp đào tạo tiếng Hàn Quốc cho 62 lao động của 5 huyện nghèo (trong đó có 50 lao động thuộc đối tượng được thụ hưởng). Kết quả giảm nghèo của Cao Bằng từ năm 2008 đến 2011 rất ấn tượng. Theo đó, các huyện nghèo đã giảm được 4.172 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010), năm 2011 giảm được 2.387 hộ nghèo. Đó là một kết quả đáng khích lệ đối với một tỉnh nghèo và khó khăn như Cao Bằng. Có thể nói kết quả giảm nghèo ở Cao Bằng rất đáng trân trọng và phát huy.

Bên cạnh đó, chính sách giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí đã có chuyển biến rất tốt: bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng các trường “Bán trú dân nuôi”, xây dựng 2 trường dân tộc nội trú cấp huyện, xây dựng 6 trung tâm giáo dục thường xuyên, bố trí kinh phí 2,071 tỉ đồng để tăng thêm 248 giáo viên cho các xã thuộc các huyện nghèo trên địa bàn, tăng mức phổ cập cho 67 giáo viên mầm non thôn bản, kinh phí thực hiện 3.327 triệu đồng; cấp học bổng cho 8.925 em học sinh dân tộc thiểu số học tại Trường Dân tộc nội trú, kinh phí 7,6 tỉ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho 2.892 lao động nghèo để tạo việc làm tại chỗ, kinh phí thực hiện: 2,612 tỉ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo dạy nghề gắn với tạo việc làm: đã xây dựng 4 đề án thành lập cơ sở dạy nghề tổng hợp tại huyện, triển khai được 7 đề án về đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức vận hành sử dụng điện, sử dụng và sửa chữa máy nông cụ, mô hình trình diễn máy cắt lúa tại một số huyện.

Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cấp huyện, xã, xóm về Nghị quyết 30a và các văn bản hướng dẫn; xây dựng và quản lý chương trình, kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch cho 3.531 người, số kinh phí 1,076 tỉ đồng; đào tạo ngắn hạn được 1.812 cán bộ, số kinh phí đào tạo 655 triệu đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ-UBND về việc ban hành quy chế tuyển chọn, Kế hoạch số 1016/KH-UBND để thực hiện dự án và thành lập Hội đồng tuyển chọn. Đã tuyển chọn được 44 trí thức trẻ có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch ủy ban nhân dân các xã thuộc 5 huyện nghèo; luân chuyển 24 cán bộ và thu hút 137 trí thức trẻ về công tác tại các xã, kinh phí thực hiện trên 4 tỉ đồng. Chính vì làm tốt công tác cán bộ đã góp phần bảo đảm cho Cao Bằng ổn định, phát triển như ngày hôm nay, tạo đà tốt cho những năm tiếp theo.

Nói đến sự đi lên của Cao Bằng không thể không nhắc đến kết quả hỗ trợ của các tổng công ty. Đây là nguồn giúp đỡ quý giá mà Cao Bằng nhận được và đánh giá cao. Tổng kinh phí các tập đoàn, các tổng công ty, các tổ chức, các cá nhân đã hỗ trợ cho 5 huyện nghèo làm nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng trạm y tế, trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên, xây nhà bán trú, dạy nghề... là 44,57 tỉ đồng. Rõ ràng, việc thực hiện tốt Nghị quyết 30a đã góp phần giúp cho các huyện nghèo, hộ nghèo ở Cao Bằng có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Trong quá trình triển khai thực hiện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân nên công tác tổ chức, triển khai, thực hiện Đề án có hiệu quả.

Có thể nói công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở Cao Bằng thời gian qua là có hiệu quả rất ấn tượng. Điều này cho thấy Đảng, Nhà nước ta rất chú trọng củng cố và xây dựng sự bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau giữa các dân tộc để cùng phát triển. Đây là một truyền thống tốt đẹp cần phát huy trong những năm tiếp theo. Đáng chú ý là các vấn đề cụ thể như: Đảng, Nhà nước tiếp tục điều chỉnh chính sách vĩ mô theo hướng tổng kết các chính sách từ thực tiễn sau đó điều chỉnh cho phù hợp hơn nữa. Các cấp, các ngành trong tỉnh từ Đảng bộ đến chính quyền quán triệt sâu sắc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tiễn, đồng thời, tỉnh cũng rút kinh nghiệm đề xuất với Đảng, Nhà nước để hoàn thiện chính sách trong thời gian tới. Tích cực tuyên truyền, giáo dục, động viên đồng bào dân tộc tự phát huy tính sáng tạo, tự chủ, phát triển sản xuất nâng cao đời sống, đặc biệt là đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển... Mặt khác, cũng vận động tuyên truyền các ngành, các doanh nghiệp tích cực tham gia giúp đỡ đồng bào dân tộc, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo giữ yên biên giới. Đây là hành động thiết thực gìn giữ, bảo vệ công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thanh Bình