Mô hình trọng tâm hiệu quả ra hướng thoát nghèo ở vùng dân tộc thiểu số Krông Ana

09:42 05/04/2013 Lượt xem: 351 In bài viết

Trước thực trạng đó, năm qua Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana mở lớp dạy nghề giúp thanh niên dân tộc thiểu số có điều kiện thoát nghèo đồng thời tổ chức cho thanh niên đi tham quan tìm hiểu phương thức làm giàu từ các địa phương khác. Qua đó tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho đoàn viên thanh niên nông thôn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt giải quyết việc làm, giúp thanh niên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Trong các nghề đã dạy cho thanh niên chăn nuôi, thú y, may mặc, dệt thổ cẩm, nghề trồng nấm…thì nghề trồng nấm đã thấy được hiệu quả nhất định và được Trung tâm dạy nghề Krông Ana nhân rộng, phát triển đến thanh niên trong huyện, trong tỉnh, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số để giúp họ có việc làm phù hợp tăng thu nhập và vươn lên làm giàu…

Nghề trồng nấm ở đây đang được coi là một nghề mới và dễ làm bởi mức đầu tư ban đầu thấp, nhanh có thu nhập, dễ thu hồi vốn, kiểu “một vốn bốn lời”. Hơn nữa thị trường ổn định, thu hút được nhiều lao động ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trong lúc nông nhàn, nghề trồng nấm đã giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho thanh niên dân tộc thiểu số nơi đây. Sau khi tham gia học nghề trồng nấm tại Trung tâm Dạy nghề Krông Ana nhiều thanh niên dân tộc thiểu số đã thay đổi suy nghĩ và ý thức làm giàu vươn lên thoát nghèo, có việc làm ổn định nhiều gia đình trẻ đã thành công trong các mô hình trồng nấm giải quyết việc làm.

Em H’Jen ở tổ dân phố 4, thị trấn Buôn quyết định học nghề trồng nấm đầu năm 2012, sau 3 tháng kết thúc khóa học, H’Jen triển khai trồng nấm linh chi tại nhà. Cùng thời điểm này Tỉnh đoàn đang phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện thực hiện dự án hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số học nghề và giải quyết việc làm nên Trung tâm đã cử cán bộ đến tận nhà H’Jen hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp nguồn giống. Sau một tháng nỗ lực làm nhà, gây bịch, chăm sóc, nấm đã bắt đầu ra bông với màu vàng ươm mơn mởn đã thấy được những thành công bước đầu. Trên cơ sở đó em tích lũy vốn để mở rộng thêm quy mô, dự tính chừng 500 bịch và hơn nữa nếu có thể. Sau 3 tháng trồng nấm, mỗi đợt thu được khoảng 8kg nấm khô, với giá thị trường hiện nay 8 triệu đồng. Đây là khoản thu không hề nhỏ với gia đình H’Jen. Trong thời gian không xa với 1.000 bịch nấm linh chi đang đến kỳ thu hoạch. Sẽ là nguồn thu nhập đáng kể của gia đình em, đánh dấu một bước chuyển mình trong việc phát triển kinh tế gia đình.

Cùng hoàn cảnh với H’Jen, thì H’Bdrin Êban ở buôn M’blơt xã Ea Bông thành công ở mô hình trồng nấm rơm. H’Bdrin cho biết: em mới lập gia đình nên tách ra ở riêng, cuộc sống khó khăn trong khi đó cả 2 vợ chồng còn trẻ, khỏe mà không có việc làm, chỉ với 1 sào ruộng và phải đi làm thuê bán sức lao động để sống qua ngày mà cứ “ráo mồ hôi là hết tiền” mãi không thoát khỏi đói nghèo. Năm 2011, H’Bdrin tham gia lớp học nghề trồng nấm miễn phí theo chương trình dạy nghề cho nông thôn do Trung tâm Dạy nghề huyện mở, sau đó làm thử 5 luống nấm rơm theo đúng kỹ thuật đã được học với sự hỗ trợ giống và nhận bao tiêu sản phẩm của Trung tâm. Từ những ụ nấm đầu tiên bung nở đã mở ra hướng đi mới cho cặp vợ chồng trẻ. Sản phẩm đầu tay, H’Bdrin không bán mà hái biếu hầu khắp bà con trong buôn, đồng thời hướng dẫn họ cách chế biến các món ăn phù hợp như cán bộ Trung tâm đã dạy, dần dà những người dân trong buôn đã thích món ăn mới lạ, ngon mà bổ dưỡng này. Sản phẩm làm ra tiêu thụ được nhiều, chủ yếu bà con trong buôn mua chứ chưa cần phải nhờ đến sự hỗ trợ của Trung tâm bao tiêu sản phẩm. Với những thành công đã hiện hữu vợ chồng H’Bdrin đã quyết định mở rộng thêm diện tích trồng nấm rơm đến gần 100m2… Sau một năm trồng nấm rơm vợ chồng H’Bdrin đã tích lũy được hơn 20 triệu đồng, cùng với nguồn vốn Dự án hỗ trợ và vốn vay Ngân hàng Chính sách, H’Bdrin đã mua được phương tiện vận chuyển, mở rộng quy mô sản xuất và đưa sản phẩm đi tiêu thụ.

Khác với H’Jen và H’Bdrin, thì H’Uôm ở xã Ea Bông lại thành công ở mô hình trồng nấm sò. Trước đây gia đình em nghèo nhất xã do thiếu đất, gia đình đông con không biết cách làm ăn. Năm 2010, sau khi được học nghề trồng nấm, gia đình H’Uôm đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 4 triệu đồng để làm lán trồng nấm sò. Do không có tiền, làm lán tạm bợ nên mùa mưa năm 2011 giàn nấm đã bị đổ nát. Trước hoàn cảnh đó, Chi đoàn đã vận động đoàn viên, thanh niên trong buôn cùng với sự hỗ trợ của Huyện đoàn, Trung tâm dạy nghề huyện xây lại cho gia đình H’Uôm một nhà trồng nấm kiên cố. Giờ thì mỗi ngày gần nghìn bịch nấm sò của gia đình H’Uôm lại nở bung trắng xóa mang lại thu nhập ổn định hơn 5 triệu đồng/tháng đủ để trang trải cuộc sống và lo cho con cái đi học.

Những mô hình trồng nấm trên đã thành công và thu lại được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên trong các mô hình trồng nấm thì có mô hình trồng nấm rơm vẫn rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của sản phẩm. Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phan Thanh Lang chia sẻ: hằng năm huyện phối hợp cùng các ban ngành của tỉnh mở các lớp dạy nghề cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó nghề trồng nấm là một trong những mô hình mà đạt hiệu quả cao có chiều hướng giảm nghèo bền vững, tránh rủi ro. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số một năm trồng lúa trong 6 tháng, còn lại những tháng sau không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, mà đồng bào không dự trữ được nhiều rơm, ảnh hưởng đến đầu ra của sản phẩm dẫn đến tình trạng mất mối hàng tiêu thụ. Để khắc phục tình trạng này Trung tâm dạy nghề và người dân cần tìm cách khắc phục làm tốt việc dự trữ nguồn nguyên liệu để sản xuất ổn định đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo cung cầu để có thu nhập ổn định.

Để giúp cho thanh niên dân tộc thiểu số tìm ra hướng đi phù hợp để thoát nghèo. Hiện Tỉnh đoàn cùng các cơ quan chức năng của huyện tiếp tục mở lớp tập huấn và học hỏi mô hình trồng nấm ở Krông Ana, giúp thanh niên các xã, huyện khác tìm cho mình mô hình phù hợp để lập nghiệp. Và điều quan trọng là nghề trồng nấm ở Krông Ana đã và đang phát triển tạo thu nhập ổn định, làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Đinh Nhung