Đào tạo và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc

08:51 11/04/2013 Lượt xem: 364 In bài viết

Số lượng cán bộ dân tộc thiểu số tăng, cơ cấu phù hợp

Các tỉnh miền núi phía bắc như Lào Cai, Tuyên Quang có đông đồng bào dân tộc thiểu số chung sống, trình độ dân trí chưa cao, nhiều tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để đã gây khó khăn trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số tại đây. Vì vậy, trong các nhiệm kỳ qua, các Tỉnh ủy Lào Cai, Tuyên Quang đã chú trọng xây dựng kế hoạch, quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo số liệu của Sở Nội vụ Lào Cai, toàn tỉnh có 7.224 cán bộ dân tộc thiểu số (chiếm 30% tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh). Trong những năm gần đây, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh đã liên tục tăng về số lượng, có cơ cấu phù hợp hơn. So với năm 2006, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ cấu cán bộ chung của tỉnh tăng hơn 3%; số được đào tạo có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên tăng 11%, nhất là số cán bộ dân tộc thiểu số có trình độ sau đại học tăng 3,5 lần. Cán bộ dân tộc thiểu số tham gia công tác lãnh đạo, quản lý từ cấp trưởng, phó phòng trở lên tăng 4%, công chức người dân tộc thiểu số cấp xã có trình độ chuyên môn sơ cấp và chưa qua đào tạo giảm 16%.

Huyện vùng cao, biên giới Bát Xát có 14 dân tộc cư trú ở 23 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn. Từ đặc điểm địa hình, dân tộc, phân bố dân cư, Ban Thường vụ Huyện ủy Bát Xát xây dựng kế hoạch, đề án tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, ưu tiên người dân tộc thiểu số tại địa bàn và theo hướng trẻ hóa (dưới 35 tuổi), kết hợp đào tạo toàn diện cả chuyên môn và lý luận chính trị, quản lý hành chính. Trong tổng số 538 cán bộ, công chức xã có 324 cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu sốchiếm 60%, trong đó dân tộc Mông và Dao chiếm tỷ lệ cao hơn các dân tộc thiểu số khác. Cụ thể, có 14/23 cán bộ người dân tộc Mông và Dao là Bí thư Ðảng ủy xã; 18/23 cán bộ là Chủ tịch UBND xã; phần lớn số cán bộ này trong độ tuổi từ 31 đến 40 tuổi.

Bí thư Ðảng ủy xã Phìn Ngan Chảo Hùng Phẩy cho biết, xã có 23 cán bộ, từ năm 2009 đến nay, có 12 cán bộ là người dân tộc thiểu số thay nhau vừa học vừa làm để hoàn thiện chuyên môn và lý luận chính trị, quản lý hành chính, văn hóa... Phó ban Tổ chức Huyện ủy Bát Xát Ðặng Quang Tập đánh giá, Phìn Ngan là một trong những xã vùng sâu làm tốt công tác bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nhờ có đội ngũ cán bộ đồng đều mà các phong trào của địa phương tương đối tốt, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Cũng như Lào Cai, Tuyên Quang là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang Trịnh Ngọc Tân cho biết, là tỉnh có 22 dân tộc, cho nên công tác tạo nguồn, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh ủy chú trọng. Theo đồng chí Trịnh Ngọc Tân, hiện nay, toàn tỉnh có 19.594 cán bộ, công chức, viên chức thì trong đó có 7.544 cán bộ là người dân tộc thiểu số, chiếm 38,5%. Có được kết quả này là cả quá trình tạo nguồn, đào tạo và mang tính kế thừa từ các nhiệm kỳ trước.

Theo đánh giá chung của các Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ hai tỉnh Lào Cai và Tuyên Quang, đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở đây đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị; nhất là đã tập hợp được sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc trong việc tổ chức thực hiện đưa nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương có những chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ dân tộc thiểu số có phẩm chất chính trị tốt, nhiệt tình trong công tác, gắn bó với nhân dân, chịu khó học tập nâng cao nhận thức, chuyên môn, năng lực công tác.

Tạo nguồn trước mắt và lâu dài

Ðội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức cấp xã ở Lào Cai và Tuyên Quang chủ yếu là người DTTS, nhiều nhất là dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy,... Từ thực tế lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cho thấy năng lực công tác của một bộ phận khá lớn cán bộ là người dân tộc thiểu số còn hạn chế; trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hạn chế lớn nhất là năng lực điều hành, tổ chức và quản lý của khá đông cán bộ là người dân tộc thiểu số còn yếu; khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn còn thấp, cho nên gặp khó khăn, lúng túng trong công tác chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong cơ cấu cán bộ, công chức chung của địa phương tăng đáng kể, nhưng cơ cấu giữa các thành phần dân tộc chưa hợp lý, tỷ lệ cán bộ của một số dân tộc thiểu số chưa cân đối với tỷ lệ dân số. Kết quả khảo sát của Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho thấy, còn 22% số cán bộ dân tộc thiểu số cấp tỉnh và huyện chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, 42,8% chưa đáp ứng tiêu chuẩn về lý luận chính trị... Ở cấp xã, còn 9,3% số cán bộ, công chức dân tộc thiểu số mới học hết tiểu học; hơn 40% thiếu tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, chính trị và quản lý nhà nước theo quy định.

Ở tỉnh Tuyên Quang, công tác đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số còn hạn chế. Cụ thể, từ năm 2004 đến 2011, tỉnh có 295 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia học tập theo chế độ cử tuyển ở các trường đại học, cao đẳng. Ðây là một trong những biện pháp quan trọng tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Ðến nay đã có 130 em tốt nghiệp, chiếm 44,07% số cử tuyển; nhưng chỉ có 38 em được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tuyển dụng vào làm việc thông qua xét tuyển, thi tuyển; 26 em tự tìm việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp ngoài tỉnh. 66 em chưa có việc làm, chiếm 50,7%. Việc học sinh cử tuyển tốt nghiệp có việc làm mới đạt 29,2%. Như vậy, chính sách này chưa đạt mục tiêu tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, một số cơ quan, đơn vị thực hiện công tác quy hoạch cán bộ còn khép kín trong địa phương, đơn vị; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số đưa vào quy hoạch thấp. Việc đánh giá cán bộ sau luân chuyển còn chậm; có những đồng chí luân chuyển giữ chức vụ mới trong thời gian ngắn, có trường hợp chưa hợp lý, cho nên chưa góp phần rèn luyện cán bộ trong thực tế. Chính sách, chế độ đối với cán bộ luân chuyển chưa động viên được cán bộ luân chuyển. Nguyên nhân chủ yếu do một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa nhận thức đúng ý nghĩa và chưa gắn kết công tác quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng với luân chuyển, điều động, bố trí sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số.

Ðể nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, các cấp ủy trực thuộc lập kế hoạch cụ thể và cử cán bộ đi đào tạo theo nhu cầu sử dụng. Ðặc biệt khi triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, Tỉnh ủy đã xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong bốn khâu đột phá, cho nên công tác đào tạo cán bộ được quan tâm hơn. Từ đó đã huy động mọi nguồn lực, tranh thủ các dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Trung ương và tăng đầu tư ngân sách của tỉnh cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Liên kết với các trường đại học mở các lớp đại học tại chức. Những cán bộ đi học, ngoài việc thực hiện theo chế độ chung, tùy từng chương trình học cụ thể, tỉnh hỗ trợ tiền ăn, nghỉ, đi lại, mua tài tiệu và được thanh toán công tác phí như đi công tác.

Ðối với tỉnh Lào Cai, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hòa cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số cần chú trọng công tác tạo nguồn; tập trung vào các trường dân tộc nội trú và nguồn quân nhân là người dân tộc thiểu số xuất ngũ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng phân cấp trách nhiệm cho các cấp, các ngành, địa phương; đồng thời quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong đào tạo, bồi dưỡng. Từ năm 2011 đến năm 2015, tỉnh Lào Cai ưu tiên dành biên chế tại các ngành, các địa phương; áp dụng hình thức hợp đồng lao động vào làm việc tại những vị trí đang thiếu cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, xã, trường học, trạm y tế..., dành những vị trí này để tuyển dụng sinh viên là người dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học theo chế độ cử tuyển về làm việc.

Quốc Hồng