NỀN TẢNG TỪ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
Xác định đội ngũ giáo viên đóng vai trò then chốt, quyết định sự thành công đối
với quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy tiếng dân tộc trong nhà trường,
từ nhiều năm học trước, ngành giáo dục các tỉnh, thành phố đã đặc biệt chú trọng
đến công tác bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc cốt
cán theo giáo trình được biên soạn bài bản, thống nhất. Mặt khác, các Sở Giáo
dục và Đào tạo đều sớm hình thành Ban Bồi dưỡng và Đào tạo, Ban Nghiên cứu giáo
dục học sinh dân tộc nhằm có kế hoạch theo dõi, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng -
đào tạo giáo viên dạy tiếng Chăm, Êđê, Bahnar, hay Mông… xuyên suốt một thời
gian dài (1 năm, 2 năm và 5 năm), trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhờ chủ
động trong kế hoạch nên nhiều địa phương đã từng bước giải quyết thỏa đáng nhu
cầu giáo dục dạy tiếng bản ngữ, chấm dứt hiện tượng thiếu thầy cô dạy tiếng dân
tộc kéo dài.
Chỉ trong vòng 3 năm, nhờ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, số lượng giáo viên dạy
học bằng tiếng Êđê tại tỉnh Đắk Lắk không ngừng được tăng lên. Nếu như năm học
1995-1996, cả tỉnh chỉ có 3 trường Trung học thuộc các phòng Giáo dục và Đào tạo
hai huyện Krông Pak, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức 5 lớp dạy
tiếng Êđê cho 138 học sinh thì đến năm học 2010-2011, hầu hết các huyện, thị xã,
thành phố đã có 76 trường Trung học, 497 lớp, 11.052 học sinh, 97 giáo viên (tăng
89 giáo viên so với lúc mới triển khai) dạy học bằng tiếng Êđê; bậc Trung học cơ
sở (các trường phổ thông dân tộc nội trú) đã có 12 trường, 35 lớp, 1.414 học
sinh, tăng gấp đôi số trường so với năm học 2003-2004. Các huyện Cư M’gar, Krông
Năng và thành phố Buôn Ma Thuột là những địa phương có số trường, lớp và học
sinh học tiếng Êđê đông nhất.
Sóc Trăng cũng có những chuyển biến mạnh mẽ. Tính đến cuối năm học 2010-2011, số
học sinh người Khmer chiếm 28% tổng số học sinh toàn tỉnh với 37.744 em. Trong
đó, đội ngũ giáo viên về cơ bản đã đáp ứng được chủ trương dạy học bằng tiếng
Khmer trong tất cả trường học. Hiện đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer của tỉnh
này là 316 người. Tuy nhiên, trên 90% trong số này vẫn là đội ngũ của trung học
nên sắp tới, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng đặc biệt đẩy mạnh công tác bồi dưỡng,
nâng cao vốn ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho đội ngũ giáo viên. Theo ông Sơn Hoàng
Minh Tâm - phòng Giáo dục dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo thì trong năm 2012, Sở
sẽ tiến hành bổ sung đội ngũ giáo viên dạy tiếng Khmer cho các trường Trung học
cơ sở và Trung học Phổ thông, đồng thời thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ nhằm
thu hút giáo viên.
Phần lớn học sinh dân tộc thiểu số khi vào lớp 1 mới bắt đầu làm quen với tiếng
phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức vô cùng khó khăn, nhất là môn tiếng Việt.
Đối với các em, môn học này là một “ngoại ngữ”. Trong khi đó, giáo viên hầu hết
đều còn trẻ, chưa có kinh nghiệm nên chuyện giao tiếp với học sinh là một rào
cản. Để khắc phục hạn chế này, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông đã
chú trọng đến công tác tuyển dụng, đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số ở
các cấp học. Năm học 2010-2011, tỉ lệ giáo viên là người dân tộc thiểu số ở các
cấp học mầm non là 16,2%; tiểu học 9,9%; Trung học cơ sở 5,9% và Trung học Phổ
thông 4,9%. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, vài năm trở lại đây, vào mỗi dịp
hè, ngành Giáo dục đã có chủ trương bồi dưỡng tiếng dân tộc tại chỗ cho giáo
viên bậc mầm non và tiểu học đang dạy ở những vùng có đông đồng bào dân tộc
thiểu số.
Các tỉnh như Ninh Thuận và Bình Thuận cũng không ngừng đẩy mạnh công tác bồi
dưỡng ngôn ngữ, nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng dân tộc, cũng như giáo viên
người dân tộc thiểu số. Hiện nay, tổng số giáo viên được đào tạo bồi dưỡng ở 3
hình thức của tỉnh Ninh Thuận là 1.051 học viên (lớp căn bản 509 người, lớp nâng
cao 271 người, lớp ở trường sư phạm 271 người). Tổng số trường dạy tiếng Chăm
của tỉnh Ninh Thuận là 25 trường. Tổng số lớp dạy tiếng Chăm: 341 lớp với tổng
số học sinh học tiếng Chăm là 8.265 em.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC DÂN TỘC
Với tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số xấp xỉ 30%, ngành Giáo dục - Đào tạo các
tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Đắk Nông, ngoài việc tham mưu cho tỉnh ban
hành những chính sách ưu đãi về cơ sở vật chất, hỗ trợ dụng cụ học tập, còn tổ
chức nhiều hoạt động chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc
thiểu số… Ngoài ra, còn thực hiện nhiều buổi triển khai chuyên đề, các cuộc thi
nhằm giúp giáo viên chuẩn hóa vốn ngôn ngữ dân tộc thiểu số hơn.
Năm học 2010-2011, lần đầu tiên sau 30 năm triển khai dạy tiếng Êđê trong trường
phổ thông, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thi đồ dùng dạy học bộ môn
tiếng Êđê bậc Trung học và Hội thi giáo viên dạy giỏi tiếng Êđê. Đây là hoạt
động chuyên môn nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy học tốt, khuyến khích các
thầy cô giáo, cán bộ quản lý tự học, sáng tạo... Đặc biệt, chương trình giao lưu
“Tiếng Việt của chúng em” ở bậc tiểu học đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh dân
tộc thiểu số, qua đó, phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; đồng thời khơi
dậy tình yêu tiếng Việt trong các em.
Tỉnh Đắk Nông cũng có lộ trình và hướng đi rất thiết thực. Theo ông Nguyễn Văn
Toàn, Phó Giám đốc Sở thì để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu
số, trước mắt, trong năm học tới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa, tỉnh
sẽ chú trọng đến việc dạy song ngữ tiếng dân tộc và tiếng phổ thông trong trường
học. Riêng cấp học mầm non ở những vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số sẽ
tăng từ 1 lên 2 buổi mỗi ngày vì các cháu đã được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn. Về
lâu dài, ngành sẽ tăng cường việc tuyển chọn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên công
tác tại những nơi có đông đồng bào dân tộc. Bên cạnh đó, ngành cũng có chính
sách thu hút những giáo viên có năng lực về công tác ở vùng này, đồng thời sẽ
tham mưu cho tỉnh có chính sách cử học sinh các trường dân tộc nội trú đi học
các trường sư phạm, nhất là bậc mầm non và tiểu học để tăng số lượng giáo viên
là người dân tộc thiểu số. Cùng với việc đầu tư về nhân lực, ngành sẽ triển khai
việc xây dựng các trường phổ thông bán trú ở các huyện để tạo điều kiện thuận
lợi cho những em có hoàn cảnh khó khăn được tới trường.
Theo ông Lộ Minh Trại, Trưởng phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận,
việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo phải đến từ nhiều yếu tố, ngoài công
tác nâng cao vốn ngôn ngữ cho giáo viên đứng lớp, đào tạo những kỹ năng ứng xử,
giao tiếp phù hợp với văn hóa của học sinh người dân tộc thì chất lượng các bộ
giáo trình dạy tiếng dân tộc cũng hết sức quan trọng. Hiện nay, ngành Giáo dục
tỉnh Ninh Thuận bên cạnh việc bồi dưỡng, đào tạo tập trung, Sở cũng đã biên soạn,
chuyển dịch và phát hành một số tài liệu công cụ, sách, báo đọc thêm bằng tiếng
Chăm cho giáo viên và học sinh tham khảo để nâng cao trình độ tiếng Chăm của
mình. Chính vì thế, chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk
Lắk cho rằng: Đối với học sinh dân tộc thiểu số, rào cản lớn nhất trong học tập
là khả năng biết, hiểu và nói tiếng Kinh hạn chế. Chính vì thế, ngành Giáo dục
đã tập trung thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng hệ thống
các bài học bổ trợ môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số lớp 1,2,3” nhằm
tăng cường vốn tiếng Việt cần thiết. Ngành cũng đã hoàn thành biên soạn bộ sách
giáo khoa môn tiếng Êđê bậc Trung học gồm 3 quyển 1, 2 và 3 (tương ứng với lớp
3, 4 và 5) theo hướng hiện đại, bám sát khả năng tư duy và khả năng tiếp thu của
học sinh, giảm tải chương trình (từ 4 tiết/tuần xuống còn 2 tiết/tuần theo quy
định của Bộ Giáo dục và Đào tạo), đặc biệt nội dung mang đậm bản sắc văn hóa dân
tộc Êđê và một số dân tộc thiểu số bản địa sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cùng với phương pháp dạy học, cơ sở vật chất, sách giáo khoa chuẩn là phương
tiện giúp học sinh dân tộc thiểu số học tiếng mẹ đẻ tốt hơn.
Anh Ngọc