Huyện Ba Tơ làm giàu từ phát triển rừng
10:27 25/03/2013 Lượt xem: 325 In bài viếtNhững năm gần đây, Ba Tơ luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội so với 5 huyện miền núi khác của tỉnh. Làm việc với lãnh đạo huyện, chúng tôi ghi nhận sự phát triển kinh tế của huyện trên nhiều lĩnh vực; trong đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả cao, góp phần giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững. Huyện ủy Ba Tơ đã xác định phải tập trung chăm sóc, bảo vệ rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng để làm giàu, tăng cường công tác khoanh nuôi, quản lý và khai thác tốt tiềm năng của rừng, ổn định môi trường sinh thái bền vững, bảo vệ tốt rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, phát triển rừng sản xuất.
Chánh Văn phòng Huyện ủy Ba Tơ, Nguyễn Văn Thường
cho biết: Huyện Ba Tơ hiện có 97.278 ha đất rừng, chiếm gần 86% diện tích tự
nhiên, trong đó, rừng phòng hộ có hơn 37.400 ha, rừng sản xuất gần 60.000 ha.
Toàn huyện có số dân khoảng 52.000 người đang sinh sống tại 20 xã, thị trấn,
trong đó có 85% dân số là dân tộc H'rê.
Trước đây, người dân không biết chọn cây trồng chủ lực cho phù hợp với đất trống,
đồi trọc, nên đất bị bỏ hoang nhiều. Sáu năm trở lại đây, huyện xác định trồng
rừng nguyên liệu là một trong các điều kiện để phát triển kinh tế bền vững và
xóa đói giảm nghèo, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Bình quân mỗi năm huyện trồng gần 6.600 ha rừng keo nguyên liệu, đến nay diện
tích rừng sản xuất trên địa bàn huyện đạt gần 60.000 ha, nâng độ che phủ của
rừng lên trên 66,4% tổng diện tích. Hàng năm, để chuẩn bị cho vụ trồng rừng đạt
hiệu quả, các đơn vị ươm cây giống có chất lượng gieo ươm từ 2,5 - 3 triệu cây
con giống, chủ yếu là giống keo lai giâm hom. Loại cây này cho tỷ lệ sống cao,
sản lượng gỗ đạt cao nên nông dân rất ưa chuộng.
Nhận thức được hiệu quả kinh tế của trồng rừng, nhiều hộ gia đình đã nhận khoán
đất của lâm trường để trồng và chăm sóc, tạo thêm thu nhập. Ông Huỳnh Hoàng, Phó
Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết: Công ty lo từ giống, phát dọn, đào
hố đến trồng cây; dân do chăm sóc, bảo vệ, tổng đầu tư cho dân trồng, chăm sóc
đến khi thu hoạch trả cho dân khoảng 10 triệu đồng/ha rừng sản xuất. Sau 7 năm
từ trồng đến thu hoạch, trừ chi phí mỗi hộ dân nhận khoán rừng cũng có lãi từ 20
đến 25 triệu đồng/ha. Nhờ phát triển rừng, hàng năm đã có 12.000 đến 13.000 lao
động tại địa phương được tạo việc làm. Nhờ trồng keo nguyên liệu, nhiều hộ gia
đình ở Ba Tơ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Đến thăm gia đình ông Phạm Văn Khải, xã Ba Cung, huyện Ba Tơ, chúng tôi được ông
cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn, gia đình chỉ có 2
sào ruộng, 3 ha đất rẫy, chỉ biết trồng sắn và lúa rẫy. Dù đã cố gắng, gia đình
ông vẫn không lo đủ tiền cho 3 đứa con ăn học. Thấy được hiệu quả của trồng keo
nguyên liệu, gia đình ông đã nhận thêm đất rừng để trồng và chăm sóc. Hiện, gia
đình ông sở hữu 6 ha rừng keo nguyên liệu, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình
ông thu từ 30 - 40 triệu đồng. Ông Phạm Văn Khải chia sẻ: "Trước đây đồng bào
chúng tôi chỉ biết trồng lúa, trồng mì chỉ đủ ăn, từ khi Nhà nước cho vay vốn
phát triển trồng rừng keo nguyên liệu, chúng tôi đã có tiền để nuôi các con học
hành tử tế, cuộc sống gia đình ngày càng sung túc. Hoặc ở xã Ba Lế, năm nay có
18 hộ khai thác rừng trồng bán 23,5 ha rừng trồng, thu về gần hơn 1 tỷ đồng.
Hiện nay, mỗi hộ gia đình ở huyện miền núi Ba Tơ sở hữu từ 1 - 2 ha keo nguyên
liệu và có hàng trăm hộ đã trồng trên 5 ha. Đây cũng là điều kiện để những gia
đình kinh tế khó khăn có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền
vững”.
Ông Phạm Quang Long, Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định: Trong những năm gần
đây, với nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản
xuất nông nghiệp, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã phát triển sâu
rộng trên địa bàn huyện, nhất là phong trào trồng rừng nguyên liệu cuốn hút hàng
ngàn nông dân hăng hái tham gia vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính
đáng, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các hộ gia đình đã đổi
mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương để
làm giàu. Số hộ sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện tăng lên theo hàng
năm. Đến nay, toàn huyện có gần 1.700 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp
phần đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hiện nay xuống dưới 40%, riêng thị trấn
Ba Tơ giảm còn 20%.
Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền
các xã, thị trấn, các ngành tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao
nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục xây dựng các mô hình
sản xuất điển hình, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ giúp nhau trong sản xuất và tạo
mọi điều kiện để người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình để từng bước
vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng từ kinh tế rừng.
Nguyễn Đăng Lâm