Đổi thay ở huyện miền núi Bác Ái

08:44 11/04/2013 Lượt xem: 341 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất, nhân dân các dân tộc huyện Bác Ái đã sát cánh cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng củng cố và ngày càng vững chắc, nhân dân tin tưởng và chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Truyền thống cách mạng và các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Bên cạnh đó sự quan tâm đầu tư về cơ sở vất chất, sự động viên cổ vũ của các cấp, các ngành; tư tưởng, tâm trạng các tầng lớp nhân dân trong huyện rất phấn khởi, nhiệt tình hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện chủ trương xóa nghèo bền vững thông qua các chương trình trợ giúp người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ, từ đó tạo nên sự nhất trí cao đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị.

Từ khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; về công tác dân tộc; về công tác tôn giáo”, Huyện ủy đã xây dựng các chủ trương và có nhiều Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như Nghị quyết về xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, Nghị quyết về phát triển giáo dục - đào tạo, Nghị quyết về bảo vệ và phát triển vốn rừng, Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, các Chương trình 134, 135,... Đặc biệt là việc ra đời Nghị quyết 30a của Chính phủ ngày 27/12/2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, Huyện ủy xem đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện, đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU ngày 10/7/2009 về lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30a của Chính phủ, xây dựng Đề án "Phát triển kinh tế-xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Bác Ái giai đoạn 2009-2020" và Chỉ thị số 05-CT/HU ngày 01/4/2011về tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ huyện trong 3 năm qua, với nguồn vốn của Trung ương phân bổ, hỗ trợ của các doanh nghiệp và tổ chức với tổng kinh phí trên 227 tỷ đồng, (trong đó vốn 30a: 102,530 tỷ đồng, hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167: 7,753 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình: 95,965 tỷ đồng) đã tập trung đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện với 53 hạng mục công trình theo Nghị quyết 30a và 88 hạng mục công trình lồng ghép với các chương trình quốc gia, đầu tư chủ yếu trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi và các công trình phục vụ dân sinh.

Việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã tạo cho nhân dân các dân tộc trong huyện phát triển trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống…; số hộ khá giả ngày càng tăng, hộ nghèo giảm từ 57,6% năm 2008 xuống còn 46,36% năm 2011, nhân dân được hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập (giao rừng khoán quản diện tích 18.712 ha/23 cộng đồng thôn/3.266 hộ; khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang trên 1.880 ha giao cho 3.495 hộ sản xuất), hỗ trợ trực tiếp cho nhân dân để mua giống cây trồng phục vụ sản xuất, giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư và chi phí sử dụng điện trong sinh hoạt (về cây giống có 3.330 hộ/16.650 khẩu, sử dụng điện 3.618 hộ), hỗ trợ học sinh con em gia đình nghèo theo Quyết định 112/QĐ-TTg, Quyết định 102/QĐ-TTg đã hỗ trợ được 4.426 cháu, hỗ trợ về nhà ở (1.567 nhà theo Chương trình 167, trong đó nhà nước hỗ trợ và huy động trên 60% giá trị/1 nhà, còn lại cho vay dài hạn), thực hiện chính sách cho vay vốn ưu đãi để nhân dân có điều kiện đầu tư cải thiện đời sống (trên 68 tỷ đồng cho 4.500 hộ vay), đầu tư kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn (đã tổ chức dạy nghề cho 2.135 lao động; đưa 85 lao động đi làm việc ở Malaysia và Hàn Quốc).

Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư mang lại hiệu quả, nhất là từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”, văn hóa dân tộc Raglai được bảo tồn, kế thừa và phát triển, hàng năm tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc Raglai; công tác xây dựng văn hóa cơ sở được chú trọng; trong các năm qua đã phát động xây dựng 38/38 thôn văn hóa, có 7 thôn đạt chuẩn văn hóa cấp huyện được công nhận; 92,1% thôn xây dựng quy ước, hương ước và 100% thôn có quy ước bảo vệ rừng; nhiều hộ dân được công nhận đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết TW7 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) và 3 năm thực hiện Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền; cán bộ, công chức, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng sâu sắc hơn về công tác dân tộc; từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, làm chuyển biến trên nhiều lĩnh vực, các phong trào hành động cách mạng, thi đua yêu nước, lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội,… mang lại hiệu quả thiết thực; đặc biệt, trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhờ có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua các chủ trương, nghị quyết lớn của Đảng và Nhà nước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, nâng cao; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ngày càng được phát huy; dân chủ ngày càng mở rộng, đồng bào trong huyện đã thực sự tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; lòng tin đối với đảng, chính quyền, đoàn thể ngày càng được cũng cố vững chắc.

Tuy nhiên, vẫn còn những mặt hạn chế cần sớm khắc phục đó là công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về công tác dân tộc chưa thật thường xuyên sâu kỹ; hình thức tập hợp, đoàn kết quần chúng còn chậm đổi mới, công tác nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân chưa nhạy bén kịp thời; một số phong trào quần chúng chưa sâu rộng, nâng cao về chất lượng, nhất là các mô hình trong sản xuất kinh tế, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình trong quần chúng nhân dân nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện các chính sách đầu tư còn dàn trải, chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ, nền kinh tế phát triển chậm và chưa bền vững; phương thức sản xuất, canh tác của người dân chậm thay đổi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; đời sống của nhân dân nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Để công tác dân tộc trên địa bàn huyện trong thời gian tới đạt được kết quả, huyện Bác Ái cần tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ chính trị (khóa X) và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và quần chúng nhân dân; Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện các nghị quyết và chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội; trọng tâm là Nghị quyết 30a của Chính phủ “về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo”, chú trọng đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như: thủy lợi, giao thông, điện, trường học; rà soát lại các chương trình dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư các chương trình, xây dựng các khu dân cư mới, quy hoạch sắp xếp, phân bổ hợp lý dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn lãi suất thấp, dài hạn để phục vụ sản xuất. Từ đó, đẩy mạnh chương trình khuyến nông, khuyến lâm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, tạo nhiều việc làm nhằm thực hiện có hiệu quả tốt công tác giảm nghèo bền vững. Từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện lợi thế địa bàn vùng đồng bào dân tộc; mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên thị trường; nâng cao chất lượng sản xuất nông sản hàng hóa, đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh, khuyến khích trồng cây công nghiệp và cây ăn trái lâu năm gắn với trồng rừng và bảo vệ rừng; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng lực lượng nòng cốt trong các phong trào và địa bàn dân cư. Củng cố kiện toàn tổ chức Mặt trận, đoàn thể các cấp nhất là ở thôn, khu dân cư nhằm nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng ở cơ sở; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt dân chủ theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân được hưởng lợi; tăng cường thực hiện phương pháp quan hệ vận động quần chúng bằng sự sâu sát, lắng nghe, trao đổi, bàn bạc, đối thoại, phản biện, giải trình,…với tinh thần xây dựng để nhân dân được bày tỏ những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng góp phần hoạch định và quyết định các chủ trương chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình của địa phương. Quan tâm xây dựng về tổ chức và đội ngũ làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể về công tác dân vận, công tác dân tộc nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Xuân Sơn