Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo
10:03 25/03/2013 Lượt xem: 1058 In bài viếtTỉnh Đăk Nông có bốn huyện giáp biên giới với nước bạn Campuchia là Cư Jút, Đăk Mil, Đăk Song và Tuy Đức. Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn gắn bó, giúp đỡ bà con các dân tộc nơi đây xóa đói, giảm nghèo. Mặc dù việc triển khai các chương trình, dự án còn không ít khó khăn, do người dân sinh sống không tập trung, giao thông còn nhiều khó khăn và dân trí thấp. Song, với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Nông đã giúp người dân từng bước thay đổi cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Theo số liệu thống kê của Ban Dân tộc Đắk Nông, toàn
tỉnh hiện có 39 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu
số chiếm 32,97%, là các dân tộc M’nông, Ê Đê, Nùng, Mông, Tày, Dao, Thái… Tỷ lệ
đói nghèo trong tỉnh còn cao, đời sống của đại bộ phận nhân dân, nhất là đồng
bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn... Thực
hiện những chính sách của Đảng và Nhà nước, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Nông đã
phối hợp các cấp, các ngành bám dân, bám bản tích cực tuyên truyền, vận động
nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình điểm về chăn
nuôi, trồng cà phê, hồ tiêu, trồng cây ăn quả, trồng rừng bằng nguồn vốn từ các
chương trình, dự án của Nhà nước và địa phương; Hỗ trợ người dân vay vốn để đầu
tư vào sản xuất, chăn nuôi..., thực hiện tốt công tác định canh định cư và xây
dựng nông thôn mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương
và giữ gìn an ninh vùng biên giới.
Huyện Tuy Đức có dân số trên 42.000 người, có 26 dân tộc, trong đó đồng bào dân
tộc thiểu số chiếm 44%, là huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 40,45%; sản xuất nông
nghiệp là chủ yếu; hệ thống giao thông đi lại khó khăn làm ảnh hưởng đến đời
sống nhân dân cũng như quá trình khảo sát, lập hồ sơ dự án, thi công xây dựng
các hạng mục trong quy hoạch; tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc
đến địa bàn huyện ngày càng tăng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp... Nắm bắt được
những khó khăn đó, Đồn Biên phòng 769 đóng trên địa bàn đã cử các chiến sĩ xuống
cơ sở để khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống người dân trong huyện từ đó có
những hỗ trợ kịp thời, phù hợp với điều kiện của địa phương. Nhiều mô hình phát
triển kinh tế, ổn định sản xuất cho đồng bào được thực hiện: mở rộng diện tích
lúa nước trên cánh đồng Đăk Huýt; hỗ trợ giống và hướng dẫn người dân trồng
khoai lang Nhật xuất khẩu; nuôi gà Mông… đã được thực hiện ở xã Quảng Trực. Đặc
biệt, trong năm vừa qua, cây khoai lang Nhật đã cho bà con một nguồn thu nhập
đáng kể. Khoai lang trồng ở đây đạt năng suất cao với lượng củ sai và đều, mang
hương vị đặc trưng riêng: thơm ngon, bùi, ngọt, hàm lượng tinh bột và dinh dưỡng
cao. Vì lẽ đó, khi đưa ra thị trường, sản phẩm này đã được nhiều người ưa chuộng
và được các công ty nước ngoài thu mua để chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu
như: bánh, mứt, kẹo... Khoai lang Tuy Đức không những là cây giúp xóa đói giảm
nghèo cho người dân nơi đây, mà còn trở thành một “thương hiệu” cho huyện Tuy
Đức, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đây cũng là điều kiện
thuận lợi để các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ khoai lang
ngay trên vùng nguyên liệu dồi dào này để phục vụ xuất khẩu.
Từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Nông đã xây dựng 100
căn nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” cho các hộ gia đình chính sách, những gia đình
dân tộc thiểu số nghèo ở xã biên giới và xây dựng 1 trường mẫu giáo ở xã Thuận
Hà (Đăk Song) với tổng trị giá 6 tỷ đồng. Bằng nguồn kinh phí được cấp, cán bộ
chiến sĩ bộ đội biên phòng đã cải tạo và nâng cấp một số tuyến đường giao thông
nông thôn biên giới như con đường qua xã Thuận An (Đăk Mil); giúp nhiều thôn,
buôn lắp đặt mạng lưới điện, giúp bà con nông dân phát triển sản xuất và cải
thiện điều kiện sinh hoạt văn hóa tinh thần. Cùng với Sở Thông tin và Truyền
thông, Sở Ngoại vụ, các đồn biên phòng tổ chức nhiều buổi chiếu phim, ca múa
nhạc và giao lưu văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân vùng biên giới.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng phối hợp với Thư viện tỉnh xây dựng cho
mỗi đồn biên phòng một phòng đọc, tủ sách pháp luật với 450 - 500 đầu sách/phòng
phục vụ nhu cầu của cán bộ chiến sỹ và người dân trong vùng. Đồn biên phòng Đăk
Tiên đã lắp đặt 2 cụm loa phát thanh cho các xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (huyện
Đăk Song) với số tiền trên 6 triệu đồng. Hàng ngày, từ 5 giờ 30’ đến 6 giờ 30’
và từ 16 giờ 30’ đến 17 giờ 30’, người dân trong vùng để được nghe cán bộ đồn
biên phòng tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước. Chương trình phát thanh của đồn đã cung cấp cho bà con nông dân
công tác thâm canh, kỹ thuật trồng trọt đối với từng loại cây trồng trên địa bàn.
Ngoài ra, Ban Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng cán bộ quân y các đồn và tiểu
đoàn biên phòng đã tổ chức nhiều đợt khám, cấp thuốc và chữa bệnh cho bà con
trên địa bàn đóng quân. Các đồn biên phòng còn dùng ô tô của đơn vị và cán bộ y
tế đưa một số bệnh nhân bị bệnh nặng nơi vùng xa biên giới chuyển đến bệnh viện
tuyến trên điều trị. Cùng giúp người dân xóa đói nghèo, tạo động lực vươn lên
trong cuộc sống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nậm Na tặng 2 gia đình đồng bào
dân tộc Mông khó khăn ở xã Đăk Wil (huyện Cư Jút) 2 con bò giá trị 22 triệu đồng.
Việc hỗ trợ cơ sở vật chất cho người dân còn gặp nhiều khó khăn, do trình độ
nhận thức còn hạn chế nên một số ít đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị kẻ xấu lợi
dụng, dụ dỗ, đem các tài sản có giá trị mà các đơn vị, địa phương tài trợ để đổi
lấy nhu yếu phẩm và các vật dụng khác... Thực tế, ở một số xã có những hộ gia
đình chưa chú tâm làm ăn, chưa thay đổi nếp nghĩ và cách làm, còn trông chờ, ỷ
nại vào Nhà nước, các tổ chức xã hội nên trách nhiệm với việc chăn nuôi và chăm
sóc cây trồng chưa cao. Đây chính là vật cản, cản trở thực hiện mục tiêu xóa
nghèo tại địa phương, cũng như cản trở việc xây dựng nông thôn mới đang triển
khai. Chính vì vậy, việc tuyên truyền cho đồng bào thực hiện nếp sống mới và áp
dụng các biện pháp khoa học vào canh tác, nuôi trồng phải khéo léo, liên tục, đó
là quá trình rất dài, đòi hỏi mỗi người cán bộ chiến sĩ biên phòng phải kiên trì,
không nóng vội.
Bà Lâm Thị Ngân ở xã Đăk Wil là người đã nhiều năm gắn bó với việc vận động bà
con dân tộc nơi đây tăng gia sản xuất để thoát nghèo và thực hiện nếp sống mới,
chia sẻ: Ngày trước đồng bào còn du canh, du cư, phương pháp canh tác gói gọn
trong việc “cuốc, đốt, cốt, trỉa”, nếu không có bộ đội giúp đỡ thì bà con khó có
cuộc sống ổn định như hiện nay.
Thực tế địa bàn xã Đắk Wil (huyện Cư Jut) có đông đồng bào dân tộc thiểu số,
nhất là đồng bào Tày, Nùng, Dao từ phía Bắc di cư vào, cuộc sống còn nhiều khó
khăn, vất vả. Vì vậy, sự giúp sức của cán bộ chiến sĩ biên phòng là thực sự quý
báu. Cùng với việc tham gia các công việc của xã, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị
luôn thực hiện tốt “3 bám, 4 cùng”, gần gũi, nghe dân, hiểu dân để thuyết phục,
vận động nhân dân xây dựng thế trận an ninh biên giới, bảo đảm trật tự an toàn
xã hội.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, mỗi năm các đơn vị được
giao nhiệm vụ đều đặt ra mục tiêu “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”. Để đạt
được mục tiêu này, các đơn vị đã trải qua nhiều lần rút kinh nghiệm chặt chẽ, từ
khâu chỉ đạo đến khâu tổ chức, triển khai thực hiện, trong đó hết sức coi trọng
công tác rà soát đối tượng nghèo và cận nghèo. Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số
địa phương thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên
phòng tỉnh Đắc Nông đã cử các đội công tác đến từng hộ gia đình khảo sát, nắm
bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng rồi phân tích, tổng hợp, đề xuất với cấp ủy,
chính quyền địa phương biện pháp tháo gỡ. Đối với các đội công tác, việc tuyên
truyền vận động người dân tự giác từ bỏ dần các hủ tục mê tín dị đoan trong cuộc
sống là việc thường xuyên, liên tục.
Những năm gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các tổ chức xã
hội, đặc biệt là sự phối hợp tuyên truyền, vận động hiệu quả của Bộ đội Biên
phong trong tỉnh và các ngành của địa phương, diện mạo nông thôn ở các xã đặc
biệt khó khăn thuộc bốn huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông đã có bước phát triển, đời
sống các hộ gia đình dân tộc thiểu đã được nâng lên, tỷ lệ hộ đói nghèo ngày
càng giảm, số hộ thoát nghèo bền vững ngày càng tăng. Bà con dân tộc thiểu số đã
biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt. Kết quả đó có một
phần công lao đóng góp không nhỏ trong chỉ đạo và thực hiện của cán bộ, chiến sĩ
Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh cũng như các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa
bàn.
Nghiêm Huệ