Kinh nghiệm thực hiện chương trình 167 ở Thái Nguyên
10:40 25/03/2013 Lượt xem: 286 In bài viếtTheo Đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt nhằm thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 167), toàn tỉnh có 13.793 hộ nghèo, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 8.937 hộ được hỗ trợ về nhà ở. Xác định Chương trình 167 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước phù hợp với lòng dân nhằm giúp các hộ nghèo có điều kiện xây dựng nhà ở, ổn định cuộc sống, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội triển khai nghiêm túc các nội dung trong Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 167 cấp tỉnh do một đồng chí Phó Chủ tịch làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thị; ở cấp huyện cũng thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí thành viên Ban chỉ đạo cấp tỉnh làm Trưởng ban và kiện toàn Ban giảm nghèo cấp xã.
Đầu tháng 8/2009, theo kế hoạch phân bổ của Trung
ương, Thái Nguyên được cấp 8,05 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 1.000 hộ nghèo.
Nhưng với tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương
trình 167 của tỉnh đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh ứng trước số kinh phí còn
thiếu để thực hiện hỗ trợ 3.700 nhà. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống
chính trị, nhất là những đơn vị như: Sở Tài chính lo ứng kinh phí, Ngân hàng
Chính sách Xã hội lo nguồn vốn cho vay, Mặt trận Tổ quốc vận động các đoàn thể,
doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và nhân dân ủng hộ tiền, vật liệu xây dựng,
ngày công giúp hộ nghèo làm nhà…nên đến cuối tháng 12/2009, Thái Nguyên đã hỗ
trợ xong cho 4.270 hộ, vượt chỉ tiêu Trung ương và tỉnh đề ra, đạt 31% so với
toàn bộ số hộ cần được hỗ trợ theo Đề án được phê duyệt.
Được khích lệ từ thành công của năm 2009, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân tỉnh Thái Nguyên xây dựng kế hoạch với quyết tâm trong năm 2010, hoàn
thành việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo, sớm trước thời hạn 2 năm. Trong điều kiện
số hộ nghèo còn lại cần phải hỗ trợ nhà ở khá lớn (9.523 hộ), địa bàn trải dài ở
vùng cao, vùng sâu, vùng xa, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ thị cho tất cả các cấp
ủy đảng trực tiếp chỉ đạo các tổ chức chính trị xã hội, lực lượng vũ trang tích
cực tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở trên địa bàn tỉnh;
duy trì các cuộc họp Ban chỉ đạo định kỳ 10 ngày/lần, phân công các thành viên
Ban Chỉ đạo phụ trách tiến độ tại từng đơn vị...
Đến ngày 31/12/2010, Thái Nguyên đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 13.298 hộ, với
tổng diện tích xây dựng là 617.410m2. Tổng nguồn vốn thực hiện là trên 505 tỷ
đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của các đơn vị, cộng đồng, dòng họ và gia đình
chiếm trên 290 tỷ đồng. Qua kiểm tra, nghiệm thu, tất cả các nhà đều đảm bảo
tiêu chí 3 “cứng”: cứng nền, cứng mái, cứng tường, góp phần giúp người nghèo và
các đối tượng chính sách an cư, lạc nghiệp. Với thành tích đó, Thái Nguyên là 1
trong 9 tỉnh của cả nước hoàn thành sớm chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở và
được Chính phủ biểu dương tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình 167
tổ chức hồi tháng 7/2012.
Trên khắp các miền quê của căn cứ địa cách mạng, niềm vui có nhà mới tràn ngập
trong mỗi gia đình nghèo. Không ít hộ nghèo, nhất là những hộ đồng bào dân tộc
thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, có được một mái nhà kiên cố, ấm về mùa đông, mát
về mùa hè với họ đến nay vẫn như một giấc mơ có thực. Gia đình anh Hoàng Thanh
Thêm, dân tộc Tày ở xóm Thẩm Tang, xã Trung Lương, huyện Định Hóa được sự hỗ trợ
của Nhà nước, doanh nghiệp, bà con dòng tộc, xóm giềng cùng vốn vay của Ngân
hàng Chính sách Xã hội đã làm được căn nhà 2 gian thoáng đãng, rộng chừng 70 m2
thay cho căn nhà đất lụp xụp ngày nào. Anh Thêm xúc động bày tỏ “nếu không có
Chương trình 167 cùng sự hỗ trợ của tỉnh, của cộng đồng, không biết đến bao giờ
những gia đình nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa mới
có tiền làm nhà chắc chắn để ở. Ơn Đảng, ơn Chính phủ, các cấp, các ngành và
cộng đồng nhiều lắm”.
Ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên khẳng định:
Chương trình 167 là chương trình thành công nhất từ trước tới nay trên địa bàn
tỉnh. Một trong những nguyên nhân thành công đó là trong tổ chức thực hiện, tỉnh
đặc biệt chú trọng chống tiêu cực bằng những biện pháp hữu hiệu như: Công tác
bình xét phải được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ thôn, bản; niêm
yết công khai danh sách hộ nghèo được nhận hỗ trợ nhà ở để tránh thắc mắc, khiếu
kiện; chụp ảnh cho các hộ dân trước và sau khi trao nhà… Những cách làm đó đã
nhận được sự ủng hộ và đồng thuận cao của nhân dân, các cá nhân, đơn vị, tổ chức,
đoàn thể, các nhà hảo tâm tin tưởng hỗ trợ kinh phí cho chương trình.
Qua chương trình này, tỉnh đã có thêm những kinh nghiệm quý trong tổ chức thực
hiện những chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước đối với vùng nông thôn,
miền núi, dân tộc. Về nhận thức, chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở của Thủ
tướng Chính phủ là một chính sách lớn, quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng
và Nhà nước đối với những hộ nghèo không có khả năng làm nhà ở, do vậy cần phải
đặt dưới sự chỉ đạo toàn diện và trực tiếp của cấp ủy, chính quyền các cấp. Về
cách làm, phải thay đổi tư duy trong công tác chỉ đạo bằng việc khẳng định tầm
quan trọng của việc kiểm tra, đôn đốc và duy trì các cuộc họp giao ban định kỳ
trong quá trình thực hiện; công khai, minh bạch, phát huy dân chủ từ cơ sở trong
tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để phát huy
tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng; đề cao vai trò của
công tác thi đua khen thưởng.
Hoàng Phương Liên